| Hotline: 0983.970.780

Khống chế được chổi rồng, nhãn sẽ rất tiềm năng

Thứ Sáu 30/01/2015 , 06:15 (GMT+7)

Cảnh báo bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát rất nguy hiểm trong năm 2015, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Liêm , PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho rằng, nhãn vẫn là cây ăn trái chủ lực có tiềm năng và khuyến cáo nông dân nên tăng cường đầu tư trong thời gian tới./ Bệnh chổi rồng quét sạch vườn nhãn

Là địa phương có diện tích nhãn lớn ở ĐBSCL và “dính” bệnh chổi rồng nặng nề trong năm 2014, tuy nhiên đến thời điểm này, với sự giúp sức của Bộ NN-PTNT, Vĩnh Long đã cơ bản khống chế được dịch. Mặc dù vậy theo ông Liêm, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh này trong thời gian tới sẽ vẫn rất đáng sợ cần phải chủ động phòng chống.

16-57-29_dscf1777
Ông Nguyễn Văn Liêm , PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long

Vì sao ông lo ngại dịch có nguy cơ tái bùng phát cao?

Trước hết, phải khẳng định chổi rồng là bệnh khó phòng chống. Từ năm 2012, dịch đã từng bùng lên trên cây nhãn ở Vĩnh Long.

Sau chiến dịch do Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí cắt tỉa tán chổi rồng và phun trừ nhện lông nhung (môi giới truyền bệnh) vào năm 2012, đến đầu năm 2013, tình hình dịch đã có chiều hướng tạm lắng.

Diện tích bị bệnh giảm từ 70-80% xuống chỉ còn 20-30%. Một số vườn nhãn kiểm soát bệnh và chăm sóc tốt năng suất đã tăng trở lại từ 10 đến 13 tấn/ha.

Tuy nhiên, bệnh vẫn xảy ra rải rác ở một số diện tích đáng kể do không được phòng trừ được một cách triệt để.

Mặt khác, do thời điểm năm 2013, giá nhãn xuống quá thấp, chi phí phòng trừ bệnh lại cao nên lợi nhuận tụt mạnh. Trước kia giá nhãn 18-20 nghìn đồng/kg nhưng có thời điểm xảy ra dịch chổi rồng năm 2013, giá chỉ xuống còn 8-10 nghìn đồng/kg, trong khi giá thành bao gồm cả chi phí phòng trừ bệnh đã lên tới 7 nghìn đồng/kg nên lời lãi không còn đáng kể.

Điều này khiến nông dân càng bỏ bê vườn nhãn, dịch bệnh tái bùng phát trở lại. Đặc biệt từ tháng 6/2013, khi nông dân xử lí mùa nhãn nghịch vụ đã tiếp tục tạo điều kiện cho dịch tái nhiễm, và kéo dài tình trạng bùng phát từ cuối 2013 đến suốt 2014, mức độ dịch bệnh lại bùng lên như cũ, thậm chí có lúc nghiêm trọng hơn cả đợt dịch năm 2012.

Thực tế này cho thấy mặc dù dịch hiện đã được cơ bản khống chế, tuy nhiên nguy cơ tái bùng phát trong năm 2015 vẫn rình rập nếu không có giải pháp quyết liệt, đặc biệt là nguy cơ lây từ vườn nhãn không nhằm mục đích kinh doanh.

Hiện tỉnh đã có hướng xử lí thế nào với các diện tích nhãn chưa được xử lí bệnh triệt để?

Đối với các vườn nhãn bị bệnh đã già cỗi, tuổi đời trên 20 năm, năng suất thấp, cây cao và rất khó cắt tỉa cành để kiểm soát bệnh, chúng tôi đã đề nghị nông dân chặt bỏ để chuyển sang các cây ăn quả khác có giá trị, hoặc trồng các giống nhãn mới có chất lượng, năng suất cao.

Với vườn nhãn có tuổi đời từ 10-15 năm, sẽ vẫn áp dụng các quy trình phòng trừ, chăm sóc theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

Có ý kiến nói chi phí chống dịch chổi rồng là quá cao so với những gì mà nông dân thu lại, ông bình luận gì về điều này?

Đúng là có nhiều dư luận như vậy khi cho rằng chi phí chống dịch tới 50-70 tỉ nhưng lợi nhuận thu được từ tiền bán nhãn của người dân không thấy đâu. Theo tôi thực tế không hẳn vậy, bởi kinh phí chống dịch do nhà nước bỏ ra chỉ trong lúc dịch bùng phát mạnh để dập dịch, sau đó đều do nông dân tự bỏ ra để phòng trừ.

Vấn đề khiến dịch bùng phát trong năm 2014 nằm ở chỗ giá nhãn trước đó quá thấp, khiến nông dân bỏ bê không duy trì khống chế dịch. Xét về lâu dài, việc chi ngân sách để chống dịch nhằm cứu và duy trì vùng nguyên liệu cây ăn trái có giá trị XK cao như nhãn Vĩnh Long là hết sức cần thiết.

Đáng mừng là từ cuối năm 2014 đến nay, khi những lô nhãn đầu tiên ở ĐBSCL được XK đi Mỹ, giá nhãn đã bắt đầu nhích lên. Tôi nghĩ chỉ cần giá nhãn cải thiện, dân trồng nhãn có lãi thì họ sẽ đầu tư cho phòng chống dịch, lúc đó việc kiểm soát dịch sẽ thuận lợi rất nhiều.

16-57-29_choi
Bệnh chổi rồng trên nhãn vẫn có nguy cơ tái bùng phát trong năm 2015

Vậy đến thời điểm này, Vĩnh Long đã có nhãn XK đi Mỹ chưa?

Mặc dù có diện tích nhãn khá lớn, nhưng Vĩnh Long chưa được Cục BVTV cấp mã số vùng trồng để XK nhãn đi Mỹ, bởi một phần nguyên nhân do tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp.

UBND tỉnh đã chỉ thị trong năm 2015, phải xây dựng bằng được tối thiểu 1-2 mô hình lớn đảm bảo các yêu cầu của Cục BVTV để tiến hành cấp mã số vùng trồng phục vụ XK gắn với chiến dịch phòng trừ bệnh trên cây nhãn do Bộ NN-PTNT phát động trong 6 tháng đầu năm 2015. Mục tiêu tới cuối năm 2015, Vĩnh Long sẽ có vùng trồng nhãn được cấp mã số XK.

Bên cạnh nhãn, hiện Vĩnh Long đã có 2 HTX chôm chôm được chứng nhận GlobalGAP đủ điều kiện XK, đã được các DN chiếu xạ và tình hình XK rất tốt. Với diện tích chôm chôm khoảng trên 1.500 ha, Vĩnh Long đang tích cực gắn kết với các vùng chôm chôm khác ở địa phương bạn như Bến Tre, Tiền Giang… và các DN có nhu cầu XK để tăng cường mở rộng XK. Có thể nói triển vọng XK hoa quả đang hết sức sáng sủa.

Cây ăn quả đang là đối tượng rất tốt để chuyển dịch cơ cấu cây trồng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nếu được chọn, ông sẽ chọn cây trồng nào là mũi nhọn để đầu tư cho SX hàng hóa XK ở Vĩnh Long?

Chủ trương chuyển dịch đất lúa sang cây ăn quả không phải bây giờ tỉnh mới xác định mà đã được thông qua nghị quyết HĐND tỉnh từ lâu, theo đó mục tiêu là sẽ đưa diện tích cây ăn quả chiếm 50% tổng diện tích đất nông nghiệp, chỉ giữ lại 50% đất trồng lúa. Đến nay, tổng diện tích cây ăn trái (trừ dừa) toàn tỉnh đã được đẩy lên khoảng trên 40 nghìn ha (trong tổng số hơn 110 nghìn ha đất nông nghiệp), gần hoàn thành mục tiêu đề ra.

Về đối tượng cây trồng, mặc dù Vĩnh Long cũng như các tỉnh ĐBSCL có tiềm năng cây ăn trái rất đa dạng, tuy nhiên theo tôi, cây có múi sẽ vẫn là lựa chọn hàng đầu, cụ thể là bưởi Năm Roi và cam sành. Hiện tỉnh đã hình thành được hai vùng chuyên canh rất rõ ràng về cây trồng này gồm vùng Sông Hậu có thị xã Bình Minh và các huyện Trà Ôn, Tam Bình; vùng Sông Tiền hiện đã phát triển vùng chuyên canh bưởi da xanh quy mô lớn, với tổng diện tích bưởi khoảng hơn 8 nghìn ha. Cam sành ở Tam Bình, Trà Ôn hiện cũng lên hơn 7.000 ha. Việc XK và giá cả các mặt hàng này những năm qua hết sức có giá trị và ổn định, và sẽ còn rất nhiều tiềm năng.

Đối với cây nhãn, mặc dù hiện đang bị dịch bệnh, nhưng diện tích nhãn Vĩnh Long rất lớn, trong hoàn cảnh nhãn đã XK đi Mỹ, giá nhãn đang nhích lên, tôi tin dân sẽ quay lại đầu tư cho cây nhãn. Và đây sẽ vẫn là cây trồng chủ lực, có triển vọng, nông dân có thể mở rộng và tăng cường đầu tư thâm canh.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.