| Hotline: 0983.970.780

Cấp bách dập "bão" chổi rồng

Thứ Hai 22/09/2014 , 13:25 (GMT+7)

Kết quả nghiên cứu và thông tin khoa học, một số nước có vườn nhãn bệnh chổi rồng đến nay chưa xác định rõ nguyên nhân chính và “cơ chế” lây truyền gây bệnh. / Chổi rồng "đốt" hơn 100 tỷ nhưng vẫn vô phương cứu chữa

Ngày 19/9, tại Vĩnh Long, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long đồng chủ trì Hội nghị Quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn và chôm chôm, loại dịch hại đang làm suy giảm năng suất nặng nề và nguy cơ lan rộng làm lụi tàn hàng ngàn ha vườn nhãn ở một số tỉnh miền Đông và ĐBSCL.

Các nhà khoa học, Cục BVTV, Viện BVTV, Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI) đã vào cuộc nghiên cứu tìm nguyên nhân, khống chế dịch hại. Tuy nhiên, sau một thời gian nỗ lực dập dịch, giảm thấp diện tích vườn cây và mức nhiễm bệnh thì hiện nay Sở NN-PTNT, Chi cục BVTV, nông dân một số tỉnh có vùng trồng nhãn báo động bệnh chổi rồng lại tái bùng phát và đang lan nhanh sang vườn chôm chôm.

08-19-19_bt-co-duc-pht-chi-do-cong-tc-phong-chong-dich-benh-choi-rong
Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh chổi rồng

Chổi rồng “quét” vườn nhãn

Nhãn và chôm chôm là hai cây trồng quan trọng, từng mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Ở ĐBSCL vườn nhãn trồng nhiều ở các tỉnh như: Vĩnh Long 9.520 ha, Đồng Tháp 4.780 ha, Tiền Giang 5.460 ha, Bến Tre 4.609 ha; ở Đông Nam bộ có tỉnh Đồng Nai 117 ha và ở miền Bắc có Hưng Yên trồng nhiều với 2.750 ha.

Trong đó, bệnh chổi rồng lây nhiễm nặng nề nhất là Vĩnh Long 7.994 ha, chiếm hơn 85% diện tích, đến Đồng Tháp 3.567 ha, chiếm trên 74% diện tích, các tỉnh còn lại diện tích nhiễm bệnh từ 5,9-10,8% đến cao nhất trên 31-35%.

Những năm trước đây khi dịch bệnh chổi rồng chưa hoành hành, thị trường có giá tốt, vườn nhãn đem lại thu nhập cho nông dân cao hơn gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Từ khi nhãn bị bệnh, năng suất, sản lượng bắt đầu suy giảm dần.

Gần đây thêm tác động bất lợi là giá nhãn thấp, nông dân thiếu vốn đầu tư chăm sóc, phòng trừ bệnh. Một số vườn cây bị nhiễm bệnh nặng, nông dân nản chí, đốn bỏ làm củi hơn 1.000 ha.

Tỉnh Vĩnh Long có diện tích vườn cây ăn trái lớn thứ 2 ở ĐBSCL, trong đó vườn nhãn chiếm diện tích nhiều nhất. Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long dẫn chứng: Từ năm 2007 bệnh chổi rồng bắt đầu xảy ra rải rác trên cây nhãn sau đó lây lan ngày càng nhiều, gây hại hầu hết diện tích trồng nhãn tiêu da bò.

Năm 2010, toàn tỉnh có 9.840 ha, trong đó 9.650 ha nhãn đang cho trái, năng suất 10,5 tấn/ha, sản lượng 100.545 tấn. Thế nhưng chỉ 3 năm sau khi bệnh chổi rồng càn quét, vườn cây giảm năng suất bình quân còn 3,4 tấn/ha, một số nông dân phải đốn bỏ hơn 350 ha.

Năm 2013 sản lượng nhãn Vĩnh Long giảm còn 74.955 tấn. Đến nay nhãn vẫn còn bị nhiễm bệnh trên 8.800 ha, trong đó nhiễm nhẹ trên 100 ha, trung bình 2.250 ha, nặng trên 6.460 ha. Đặc biệt từ đầu năm 2014 đến nay bệnh chổi rồng lây lan qua vườn chôm chôm.

Ông Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam, người theo dõi sát sao đối tượng dịch hại, cho biết: Từ năm 2001 bệnh chổi rồng trên nhãn bắt đầu xuất hiện ở miền Đông Nam bộ và sau đó là ĐBSCL. Đến năm 2009-2011 bệnh bùng phát mạnh gây hại trên diện rộng, với 24.450 ha trong tổng số 39.180 ha. Trong đó vườn cây bị nhiễm nặng trên 12.900 ha.

Tùy theo mức độ vườn bị nhiễm bệnh giảm năng suất từ 10-90%, thậm chí có vườn thất thu hoàn toàn. Đây là loại bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan mạnh và khó phòng trừ. Trên thế giới đa số ý kiến cho rằng nhện lông nhung có vai trò chính trong lan truyền bệnh, tấn công trên bông và trên chồi lá non. Nhện lông nhung sống rất nhiều ở cây cơm nguội, bồ ngót.

Tìm giải pháp cấp bách

Viện BVTV cho biết, tốc độ lây lan bệnh chổi rồng ở phía Nam nhiều hơn phía Bắc, Hưng Yên có vườn nhãn nhiễm bệnh chỉ 16,4%. Trong khi đó từ tháng 9/2011 đến tháng 3/2013 ĐBSCL có 7 tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và Hậu Giang đã công bố dịch bệnh chổi rồng trên nhãn.

08-19-19_bt-co-duc-pht-kho-st-tinh-hinh-dich-benh-choi-rong-o-huyen-tm-binh-vinh-long-
Bộ trưởng Cao Đức Phát khảo sát tình hình dịch bệnh chổi rồng ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long)

Từ tháng 8/2011, Cục BVTV phối hợp với SOFRI ban hành quy trình phòng trừ, Bộ NN-PTNT đã có công văn đến các tỉnh công bố dịch, Chính phủ công bố hỗ trợ kinh phí dập dịch. Các địa phương xây dựng kế hoạch vào cuộc dập dịch.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV:

“Đối với những vườn chưa lây bệnh phải dùng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, tỉa cành thông thoáng; theo dõi chặt các đối tượng dịch hại, mật độ nhện lông nhung để phun xịt kịp thời.

Cục BVTV và các Viện nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình phòng chống dịch khả thi phổ biến trên diện rộng, hạn chế dần bệnh cây. Điều quan trọng là các địa phương vận động nông dân đồng loạt tiêu hủy mầm bệnh trong mùa mưa. Đối với những vườn cây nhiều tuổi, bệnh nặng phải loại bỏ chuyển sang cây trồng khác để có hiệu quả cao hơn”.

Kết quả đến tháng 3/2013 công tác phòng chống dịch như sau: Hơn 24.200 ha vườn cây nhiễm bệnh được cắt tỉa cành, phun thuốc trên 25.200 ha; ghi nhận có hơn 19.130 ha vườn phục hồi, đạt hiệu quả khả quan trên 81%. Một số mô hình chống dịch đánh giá rất thành công ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh.

Thế nhưng thời gian qua, do yếu tố giá nhãn rẻ nên nông dân đốn bỏ rất nhiều hoặc phó mặc vườn nhãn bị bệnh. Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định: “Nếu chúng ta buông lơi công tác phòng chống dịch thì dịch tái phát trở lại”.

Quả thật, sau khi chấm dứt chiến dịch (từ tháng 5/2013 đến 9/2014), tại 7 tỉnh trong vùng ĐBSCL còn 32.914 ha nhãn, trong đó có 15.391 ha bị bệnh chổi rồng và số diện tích bị nhiễm nặng 5.342 ha, tăng 3.694 ha so tháng 5/2013.

Bên cạnh đó, tháng 4/2014 Vĩnh Long và Bến Tre phát hiện bệnh chổi rồng trên cây chôm chôm, xuất hiện ban đầu trên bông và sau đó là trên đọt non. Đến nay có 79 ha chôm chôm nhiễm bệnh mức độ nhẹ trong tổng số 22.000 ha chôm chôm của 14 tỉnh thành phía Nam.

TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng SOFRI thông tin: Kết quả nghiên cứu và thông tin khoa học, một số nước có vườn nhãn bệnh chổi rồng đến nay chưa xác định rõ nguyên nhân chính và “cơ chế” lây truyền gây bệnh. Tuy vậy, qua thực tiễn sau khi xây dựng mô hình VietGAP ở Bến Tre thì tỷ lệ chổi rồng rất thấp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo: Bộ đã Ban hành quy trình tạm thời, Chính phủ đã chi gần 180 tỷ đồng cho công tác phòng trừ dịch bệnh. Kết quả phòng trị bước đầu hạ thấp dịch bệnh. Tuy nhiên từ đó đến nay dịch bệnh có hướng tăng trở lại.

Do đó yêu cầu đặt ra cần có biện pháp cấp bách phòng trị hiệu quả, tạo điều kiện khôi phục, phát triển vườn nhãn và chôm chôm. Đây là vấn đề quan trọng và phức tạp, muốn phòng chống hiệu quả phải dựa trên cơ sở khoa học để tìm ra chiến lược tổng thể phòng diệt đối tượng dịch hại gây bệnh.

Các Viện nghiên cứu làm đầu mối tập hợp huy động nguồn lực từ các nhà khoa học, mời các chuyên gia chuyên ngành giỏi quốc tế, thành lập hội đồng khoa học, tập trung nghiên cứu xác định theo hướng có triển vọng, sớm đưa ra giải pháp phòng trừ dịch triệt để.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.