| Hotline: 0983.970.780

Bệnh chổi rồng quét sạch vườn nhãn

Thứ Hai 26/01/2015 , 09:08 (GMT+7)

Nhà vườn trồng nhãn tiêu da bò ở ĐBSCL đã cố gắng hết sức phòng chống bệnh chổi rồng. Trước đại dịch chổi rồng, họ hy vọng Nhà nước có chính sách hỗ trợ để chuyển đổi cây trồng...

Ông Trương Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Phước (Long Hồ, Vĩnh Long) nói: "Ở xã này chỉ có duy nhất một vườn nhãn tiêu da bò là không bị bệnh chổi rồng. 

Họ làm đạt kết quả nhưng đến hỏi kỹ thuật thì không bao giờ chỉ. Toàn bộ 250 ha nhãn còn lại đều bị bệnh chổi rồng từ mức trung bình đến nặng, sẽ tiếp tục đốn hạ để chuyển sang cây trồng khác. Nhà vườn đã bó tay với dịch chổi rồng. Năng suất nhãn từ mức 10 tấn/ha/năm, sau 4 - 5 năm chổi rồng tàn phá chỉ còn 1 - 3 tấn/ha, có nhiều vườn không thu được trái nào.

Mùa nhãn tết này giá đang ở mức trên 24.000 đ/kg nhưng hầu hết vườn không có trái để bán. Nhà vườn còn ôm nợ tiền phân, thuốc để xử lý cho cây ra hoa. Bình quân 1.000 m2 nhãn tiêu da bò đầu tư từ lúc tỉa cành, tạo tán đến khi ra hoa tốn ít nhất 5 triệu đồng nhưng chưa chắc có trái ăn.


Ông Phương vừa đốn vườn nhãn 20 năm tuổi để trồng lại nhãn Edor và phải chờ 5 năm sau mới có thu nhập trở lại

Cây ra hoa chưa kịp mừng thì chổi rồng tấn công toàn bộ. Thế là mất trắng tiền đầu tư. Bây giờ đi khắp các vùng trồng nhãn tiêu da bò ở cù lao Long Hồ (Vĩnh Long), Cai Lậy (Tiền Giang) tìm chổi rồng dễ hơn trái nhãn".

Ông Nguyễn Võ Duy Phương, ấp Phú An 1, xã Bình Hòa Phước nói: "Lúc chưa có dịch chổi rồng tàn phá thì 9.000 m2 nhãn tiêu da bò của tôi đủ nuôi hai con ăn học, xây nhà. Còn 4 năm trở lại đây dịch chổi rồng đã làm mất hẳn nguồn thu nhập.

Nếu không có 3.000 m2 chôm chôm thì không biết lấy gì lo cho 6 miệng ăn trong gia đình. Năng suất nhãn từ trên 10 tấn/ha giảm xuống còn 1 tấn và thậm chí không thu được trái nào.

Quy trình phòng chống chổi rồng của ngành nông nghiệp khuyến cáo là 15 ngày phun một lần thuốc BVTV. Tôi phun liên tục trong 6 tháng cũng không thể phòng, chống nổi chổi rồng. Thời gian qua gia đình tôi sống chung với thuốc BVTV. Thuốc dùng để phòng, chống dịch chổi rồng có thành phần nhũ dầu tới 50 EC rất độc...

Gia đình đã quyết định đốn toàn bộ nhãn tiêu da bò, chuyển sang trồng nhãn Edor, chôm chôm. 7.000 m2 nhãn đốn hạ để bán củi được 20 triệu đồng, Tôi mướn kobe vào múc gốc nhãn để trồng lại cây mới. Cây giống thì đã đăng ký xin nhà nước hỗ trợ. Còn lại 2.000 m2 nhãn chờ giá củi tăng trở lại thì tiếp tục đốn.

Tôi kiến nghị với Bộ NN - PTNT đề xuất Chính phủ hỗ trợ cây giống và được vay vốn ưu đãi với thời gian 5 năm để nhà vườn "liệu cơm gắp mắm".

Ông Nguyễn Văn Đẳng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước cho biết, việc phòng chống chổi rồng cho hiệu quả không cao, cứ dập dịch xong bệnh lại bùng phát. Nhà chuyên môn cho rằng nhà vườn làm không đồng loạt là không đúng, mà bà con đã làm hết sức mình rồi. 4 năm trở lại đây nhà vườn đã đốn trên 210 ha và hiện còn khoảng 240 ha sẽ tiếp tục phá để chuyển sang cây trồng khác".

Ông Võ Trung Sơn, Chủ tịch UBND xã Đồng Phú (Long Hồ) chia sẻ: "Lúc đầu phát hiện bệnh chổi rồng, tôi đã lên Viện Cây ăn quả miền Nam gặp GS.TS Nguyễn Minh Châu. Thầy khuyên đốn bỏ nhãn để trồng cây khác. Đốn thì tiếc nên tôi cứ để phòng trị. 

"Trước thực trạng này, địa phương kiến nghị Nhà nước cần đánh giá một cách xác thực hơn về bệnh chổi rồng. Vùng nào quy hoạch SX  nhãn thì phải có một giải pháp kỹ thuật, tài chính, biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Vùng nhiễm nặng chổi rồng phải chuyển đổi cần có chính sách về giống, vốn cho nhà vườn", ông Võ Trung Sơn.

Nào ngờ bệnh phát thành dịch mỗi lúc một nặng và không thể phòng chống. Cuối cùng đành hạ 6.000 m2 để trồng cây khác.

Quan điểm của địa phương là vườn nào già cỗi không còn khả năng phòng chống thì đốn bỏ. Hiện tại, toàn xã còn 550 ha đã nhiễm bệnh chổi rồng từ mức trung bình đến nặng".

Th.S Nguyễn Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long kiến nghị: Nên phân loại vườn nhãn tiêu da bò bị bệnh chổi rồng thành 2 nhóm: Nhóm 1 gồm những vườn nhãn bị nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình, cây còn tốt có khả năng hồi phục thì tiếp tục phòng trị (thực hiện quy trình phòng trị phù hợp với thực tế).

Nhóm 2 gồm những vườn nhãn bị nhiễm bệnh ở mức độ nặng, cây suy kiệt, già cỗi thì nên đốn bỏ trồng lại giống nhãn khác (xuồng cơm vàng, Edor) hoặc trồng cây khác như chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng, cam sành… theo phân vùng thích nghi cây ăn trái.

Chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể địa phương, cán bộ kỹ thuật tập trung vận động hỗ trợ nông dân phòng trị bệnh tích cực theo hướng tập trung đồng loạt, đúng quy trình hướng dẫn.

Đối với những trường hợp trồng nhãn làm cây che mát, cây cảnh không chăm sóc với tỷ lệ nhiễm bệnh cao cần đốn bỏ để tiêu diệt nguồn bệnh, hạn chế lây lan.

05-26-28_nhn-choi-rong-nhu-the-ny-lm-so-phong-chong
Người trồng méo mặt vì đại dịch chổi rồng

Cần có chính sách hỗ trợ các hộ nông dân đốn bỏ nhãn bị bệnh nặng để trồng lại giống nhãn khác hoặc cây trồng khác. Bởi vì nông dân đã gặp nhiều khó khăn trong hơn 3 năm nay và trồng lại khác tốn rất nhiều chi phí.

Phối hợp tổ chức liên kết SX, SX theo GAP... tìm đầu ra ổn định cho trái nhãn, đảm bảo lợi nhuận giúp nông dân đầu tư hiệu quả hơn trong áp dụng quy trình quản lý bệnh, tránh tình trạng trúng mùa rớt giá.

Tiếp tục nghiên cứu và bổ sung cho quy trình quản lý bệnh chổi rồng phù hợp với tình hình thực tế, tìm ra tác nhân gây bệnh, giúp địa phương phòng trừ hiệu quả.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

'Cánh đồng không dấu chân' lợi nhuận tăng từ 33 - 38%

BÌNH THUẬN Những cánh đồng sản xuất lúa không dấu chân được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai không chỉ giảm chi phí vật từ đầu vào mà còn giúp nông dân tăng lợi nhuận.  

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.