| Hotline: 0983.970.780

Không chờ 'trend' măng cụt xanh, nhà vườn Lái Thiêu vẫn thu nhập gấp đôi mọi năm

Chủ Nhật 04/06/2023 , 17:37 (GMT+7)

BÌNH DƯƠNG Đã rất lâu, nhà vườn tại TP Thuận An mới mừng rỡ như năm nay khi trái măng cụt Lái Thiêu vừa bội thu, vừa được giá rất cao, thu nhập gấp đôi các năm.

Mùa măng cụt Lái Thiêu trúng đậm

Dù đã hơn 50 tuổi nhưng chị Kim Tiến (ấp An Phú, xã An Sơn, TP Thuận An) vẫn trực tiếp trèo những cây măng cụt thoăn thoắt. Chỉ còn khoảng vài ngày nữa, vườn măng cụt của chị Tiến sẽ “gác vườn”, kết thúc một mùa bội thu. Lượng măng cụt chưa thu hoạch trên cây chỉ còn lại gần 10% so với đầu vụ.

Mỗi ngày, mẹ con bà Kim Luông đều hái và bán từ 100 - 150kg măng cụt cho khách đi đường. Ảnh: Lê Bình.

Mỗi ngày, mẹ con bà Kim Luông đều hái và bán từ 100 - 150kg măng cụt cho khách đi đường. Ảnh: Lê Bình.

Tiếp chúng tôi, chị Tiến không giấu được hứng khởi bởi gần 2 tháng nay, ngày nào chị cũng trèo hái măng liên tục để kịp bán. Măng cụt hái bao nhiêu hết bấy nhiêu, thậm chí có những mối phải dặn mấy ngày mới có.

“Ngày nào mình cũng hái từ 6 giờ sáng đến tận 13 - 14 giờ chiều. Hái không kịp bán, nhiều trái rụng cũng không thèm nhặt. Từ bé tới giờ, chưa khi nào tôi thấy măng cụt Lái Thiêu tất bật như năm nay”, chị Tiến hào hứng.

Cách vườn chị Tiến không xa, bà Nguyễn Thị Kim Luông (70 tuổi, mẹ chị Kim Tiến) đảm nhận nhiệm vụ bán măng cụt. Sát đường, mâm măng cụt đầy ắp được xếp đẹp mắt khiến khách tới mua liên tục. Bà Luông cho hay, đã rất lâu rồi chưa năm nào mẹ con bà "được mệt" trong sự vui sướng như năm nay.

“Mấy năm trước thất lắm cậu ơi, ai cũng buồn. Năm nay tự nhiên trời cho được mùa, được cả giá luôn. Mỗi ngày mẹ con tôi hái gần 150kg cũng không đủ hàng để bán”, bà Luông khoe.

Còn vườn măng cụt của anh Trần Công Hiệp (ấp Phú Hưng, xã An Sơn, TP Thuận An) cũng đang bước vào những ngày thu hoạch cuối cùng. Gần 2 tháng nay, vợ chồng anh Hiệp phải xin tạm nghỉ ở công ty và chạy xe tải thuê để chuyên tâm hái măng cụt. Theo anh Hiệp, với diện tích vườn khoảng 5.000m2, năm nay sản lượng măng cụt nhà anh thu được gần 5 tấn.

“Năng suất này gấp 2 - 3 lần mọi năm, chúng tôi phấn khởi không còn gì bằng. Giá măng cụt năm nay có thời điểm cao nhất gần 100.000 đồng/kg, thấp nhất cũng 40.000 đồng/kg. Với giá này, trừ hết các chi phí, tôi lời được 200 - 300 triệu đồng. Lợi nhuận này gấp đôi, thậm chí gấp ba lần mọi năm”, anh Hiệp chia sẻ.

Theo các chủ vườn, măng cụt năm nay được mùa bội thu, với sản lượng tăng ít nhất 30% so với năm ngoái. Ảnh: Lê Bình.

Theo các chủ vườn, măng cụt năm nay được mùa bội thu, với sản lượng tăng ít nhất 30% so với năm ngoái. Ảnh: Lê Bình.

Tại các phường An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm và xã An Sơn của TP Thuận An, giá măng cụt chín lúc đầu vụ là 120.000 đồng/kg, giữa vụ 70.000 đồng/kg và thấp nhất cũng 40.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với mọi năm.

Loại măng xanh được tách vỏ để bán làm gỏi gà có giá dao động lên tới 400.000 - 500.000 đồng/kg. Đến thời điểm cuối tháng 5/2023, giá măng cụt chỉ còn 30.000 - 40.000 đồng/kg, đây là quy luật tất yếu của mỗi mùa vụ.

Tại TP Thuận An hiện có 661ha trồng măng cụt, chiếm trên 53,3% diện tích vườn cây ăn trái của toàn Thành phố. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Thuận An, mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng nhìn chung sản lượng măng cụt năm nay tăng thấp nhất từ 30 - 40% so với năm trước. Đặc biệt, một số nhà vườn cho thu hoạch sớm và tự bán không thông qua các thương lái hoặc bán măng cụt xanh cho doanh thu cao hơn.

HTX Dịch vụ nông nghiệp An Sơn (xã An Sơn, TP Thuận An) có 11 thành viên với tổng diện tích trồng măng cụt 21 ha, năm nay thu hoạch khoảng 30 tấn. Đây cũng là con số ấn tượng của HTX so với nhiều năm trở lại đây.

“Năm nay thời tiết ổn định, trái măng cụt trổ bông đúng mùa vụ. Măng cụt của chúng tôi được xuất đi nước ngoài khá nhiều. Ngoài ra, chúng tôi cũng tự tìm cho mình đầu ra khác nhau với các điểm cầu như Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng... với giá dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/kg mà vẫn hết hàng", ông Trần Văn Viễn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Sơn chia sẻ.

Không trông chờ vào “trend” măng cụt xanh

Mặc dù món gỏi gà măng cụt xanh là đặc sản của vùng Lái Thiêu từ bao đời, nhưng chưa khi nào trái măng cụt xanh được nhắc đến nhiều như năm nay. Không ít du khách vượt hàng chục cây số từ TP.HCM tới Bình Dương để được thưởng thức món đặc sản này. Các hàng quán cũng tranh thủ “bắt trend”, làm không kịp bán trong thời gian dài.

Dù măng cụt xanh được săn lùng và mua với giá rất cao nhưng các chủ vườn chỉ hái bán măng cụt chín hoặc điểm chín để bảo vệ năng suất cho năm tới và bảo vệ thương hiệu nông sản địa phương. Ảnh: Lê Bình.

Dù măng cụt xanh được săn lùng và mua với giá rất cao nhưng các chủ vườn chỉ hái bán măng cụt chín hoặc điểm chín để bảo vệ năng suất cho năm tới và bảo vệ thương hiệu nông sản địa phương. Ảnh: Lê Bình.

Dù măng cụt xanh gọt vỏ sẵn được chào mua với giá 400.000 - 500.000 đồng/kg nhưng nhiều nhà vườn tại TP Thuận An rất hạn chế bán. Mỗi nhà vườn chỉ cung cấp khoảng 10kg trái xanh mỗi ngày, không bán nhiều hơn. Đây là cách các chủ vườn bảo vệ sản lượng cho năm tiếp theo và thương hiệu măng cụt Lái Thiêu.

“Vì phía trên trái măng cụt, mỗi năm sẽ ra một cặp lá, cặp lá này năm sau sẽ ra trái mới, khi hái măng cụt còn chưa chín, bắt buộc phải bẻ luôn cặp lá này, không như trái chín nó sẽ tự rơi cuống. Do vậy, mùa vụ sau chắc chắn ít trái hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng cả vườn măng”, anh Trần Công Hiệp ở ấp Phú Hưng, xã An Sơn phân tích.

Mặc dù “trend” măng cụt xanh tạo ra cơn sốt về nhu cầu lẫn giá, kích cầu tiêu thụ trái măng cụt tại Lái Thiêu nhưng bà Hồ Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Thuận An cho rằng nên cẩn thận với xu hướng này.

“Bất cứ điều gì cũng có tính hai mặt và tôi thấy cơn sốt măng cụt xanh chỉ mang tính thời điểm, không lâu dài. Năm nay thành công về trái măng cụt xanh là vậy nhưng chưa chắc năm tới hay 2 - 3 năm tiếp theo thị trường có nhu cầu. Còn trái măng cụt Lái Thiêu thì đã có tiếng suốt hơn trăm năm nay rồi, có thương hiệu và cả nước biết đến. Do đó, đừng kì vọng vào những thứ không lâu dài”, bà Xuân bày tỏ.

Bà Phạm Đỗ Bích Quyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Dương cho rằng, người dân nên thận trọng trong việc kì vọng vào bán trái măng cụt xanh. Mặc dù có biện pháp giúp tránh ảnh hưởng nhiều đến năng suất cho mùa vụ tiếp theo nhưng tâm lý bán trái măng cụt xanh cũng mang tính “mổ gà lấy trứng”, gây ra nhiều hệ lụy.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.