Kiên quyết không cho xuất bến nếu phương tiện không lắp thiết bị giám sát
6 loa phát thanh đặt ngay tại cảng Lạch Hới (TP. Sầm Sơn), được Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa phát đều đặn mỗi buổi sáng, tuyên tuyền chống khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (viết tắt: chống khai thác IUU).
Ông Lê Văn Thắng, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa cho hay, đây là giai đoạn quyết định để gỡ "thẻ vàng" EC, nên công tác truyên truyền chống khai thác IUU được ban quản lý xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
"Để ngư dân nắm vững các quy định về khai thác thủy sản, tỉnh Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về chống khai thác IUU đến ngư dân, chủ tàu, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản.
Lãnh đạo, cán bộ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đến từng xã, phường để tuyên truyền phổ biến, vận động, hướng dẫn ngư dân, chủ tàu cá thực hiện các quy định về khai thác thủy sản, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, thủ tục giấy tờ khi đi khai thác. Các tàu khai thác khi ra khơi phải bật thiết bị giám sát hành trình, ghi chép đầy đủ nhật ký khai thác… Nếu phương tiện không tuân thủ, lực lượng chức năng kiên quyết không cho xuất bến", ông Thắng chia sẻ.
Qua tuyên truyền, chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân đã cơ bản chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhận thức được tác hại của hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp đối với nền kinh tế và lợi ích của Quốc gia”, ông Thắng chia sẻ.
Cũng theo Giám đốc Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá; miễn phí 3 năm sử dụng thuê bao, đồng thời yêu cầu các chủ tàu cá cam kết lắp đặt, duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình khi thực hiện khai thác thủy sản. Bởi vậy, người dân rất phấn khởi và chấp hành các quy định trong vận hành thiết bị nói riêng, chấp hành quy định khai thác thủy sản nói chung.
Nhiều tàu cá công suất lớn tại cảng cá Lạch Hới (P. Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nằm chờ sóng yên, biển lặng để ra khơi. Trên chiếc tàu tàu số hiệu TH-93777-TS, anh Nguyễn Hữu Hải (chủ tàu) cùng ngư dân tranh thủ sửa sang lại ngư cụ, chuẩn bị cho chuyến đánh bắt dài ngày. Tàu của anh Hải có hơn chục lao động làm việc, với mức lương trung bình từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hải chia sẻ, việc khai thác thủy sản bất hợp pháp không chỉ gây hại cho ngành thủy sản, mà còn gây hại cho chính mình. "Chúng tôi không dại gì đưa tàu sang vùng biển nước bạn để khai thác, bởi nếu vi phạm, hàng chục lao động sẽ mất việc làm và thu nhập. Thời gian qua, ngư dân ở cảng cá rất có ý thức trong chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản mỗi khi vươn khơi. Người dân mong muốn EC nhanh chóng gỡ "thẻ vàng" để hàng hóa được thuận lợi hơn trong giao thương”, anh Hải cho biết.
Nếu như trước đây, ngư dân ít quan tâm đến việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và ghi nhật ký khai thác, thì nay tất cả các tàu khai thác xa bờ tại Thanh Hóa đều được lắp đặt thiết bị này. Việc làm này không chỉ giúp cơ quan chức năng theo dõi, quản lý tàu cá, nhằm tránh lỗi khai thác bất hợp pháp, mà còn giúp ngư dân xử lý tình huống khẩn cấp khi gặp phải sóng to, gió lớn, tai nạn trên biển.
Không vùng cấm trong xử lý vi phạm
Hiện tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền, nhất là các tàu cá có nguy cơ vi phạm IUU.
Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài, với tinh thần không có vùng cấm, kiên quyết ngăn chặn và chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Cụ thể, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), chủ tàu cá biển kiểm soát TH-90221-TS số tiền 900 triệu đồng về hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển quốc gia khác mà không có giấy phép.
Ngoài số tiền xử phạt trên, chủ tàu cá vi phạm còn bị xử phạt 25 triệu đồng đối với hành vi vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển và 7,5 triệu đồng đối với các lỗi còn lại. Tổng số tiền phạt đối với chủ tàu cá vi phạm này là hơn 932 triệu đồng.
Cùng với đó, UBND tỉnh Thanh Hóa còn áp dụng hình thức phạt bổ sung như tịch thu tàu cá TH-90221-TS theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng số T001711 do Trường Trung cấp Thủy sản Thanh Hóa (nay là Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa) cấp trong thời hạn 9 tháng đối với chủ tàu Nguyễn Văn Tuấn.
Không chỉ bị xử phạt, chủ tàu Nguyễn Văn Tuấn còn có trách nhiệm chi trả hơn 200 triệu đồng tiền mua nhiên liệu bảo đảm cho tàu Cảnh sát biển 6002 - Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, lai dắt tàu TH-90221-TS từ Cảnh sát biển Trung Quốc về cảng Quốc tế Nghi Sơn.
Thiếu tá Trương Chí Cường, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Sầm Sơn cho biết, cùng với việc tuyên truyền chống khai thác IUU, việc xử lý các tàu cá vi phạm có tác dụng rất lớn trong việc răn đe, giáo dục ngư dân chấp hành các quy định pháp luật trong khai thác thủy sản.
“Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm, trong đó, tập trung vào các hành vi: Tàu cá 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác); không lắp đặt hoặc duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình theo quy định; hoạt động sai vùng, nghề cấm, không cập cảng chỉ định; công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để tuyên truyền, giáo dục. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương có liên quan để siết chặt quản lý đối với tàu cá địa phương hoạt động thường xuyên trên địa bàn ngoài tỉnh, xử lý kịp thời tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU.
Theo Thiếu tá Cường, khó khăn nhất trong việc chống khai thác IUU là làm thay đổi nhận thức của ngư dân. Chỉ khi nhận thức của ngư dân thay đổi thì mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng” của EC mới đạt hiệu quả. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Đồn Biên phòng Sầm Sơn tích cực tổ chức tuyên truyền cho ngư dân để thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về chống khai thác IUU; phối hợp công an, kiểm ngư tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về khai thác IUU; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm khai thác IUU...
Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 6.000 tàu cá tham gia khai thác thủy hải sản. Trong 8 tháng đầu năm 2023 có hơn 1.200 lượt tàu rời cảng, 813 lượt tàu cập cảng, sản lượng thủy sản đạt hơn 6.700 tấn. Lực lượng chức năng đã nhập 2.400 tàu cá vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNfishbase.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng một số chủ tàu, thuyền trưởng chưa ghi hoặc không ghi đầy đủ nhật ký khai thác hải sản, chưa duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển. Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 5 cuộc kiểm tra tại các địa phương và cảng cá trên địa bàn tỉnh, phát hiện, xử lý 47 vụ vi phạm, phạt hành chính hơn 1,5 tỷ đồng.