| Hotline: 0983.970.780

Không có chuyện được đầu tư mỗi năm 30 tỷ

Thứ Sáu 03/12/2010 , 09:56 (GMT+7)

PGS-TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm khẳng định không có chuyện đơn vị được đầu tư nhiều như vậy để chọn tạo giống lúa.

PGS-TS Nguyễn Trí Hoàn thăm “con đẻ” HYT100 tại Nam Định

NNVN ngày 30/11/2010 có bài “Lúa F1 mới tự túc chưa được 10%, tại sao?”, đăng ý kiến của TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Thương mại GCT Việt Nam cho rằng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (thuộc VAAS) mỗi năm được cấp 30 tỷ đồng nghiên cứu, được ưu tiên đề tài, song thử hỏi đến nay có mấy giống được công nhận?

>> Lúa F1 mới tự túc chưa được 10%, tại sao?

Trao đổi với PV NNVN về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm khẳng định không có chuyện đơn vị được đầu tư nhiều như vậy để chọn tạo giống lúa. “Tính tất cả các đề tài nghiên cứu cây lương thực chúng tôi được đầu tư 14-15 tỷ/năm, riêng lúa, đề tài nghiên cứu cấp Bộ tổng cộng chỉ khoảng 2,5 tỷ/năm, cả lúa lai và lúa thuần. Về lúa lai, khi giống được công nhận, chúng tôi bán bản quyền và SX lúa F1, sau đó nộp 60% số tiền cho Nhà nước” - ông Hoàn nói.

Theo ông Hoàn, chưa kể lúa thuần, từ năm 2005 đến nay nhiều bộ giống lúa lai của Viện CLT-CTP đã được công nhận chính thức như giống lúa HYT83, HYT92, HYT100... Tuy nhiên ông Hoàn cũng thừa nhận lực lượng cán bộ nghiên cứu của Viện hiện nay quá mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu. “Từ khi thành lập Trung tâm NC lúa lai (trực thuộc Viện) có tới 5 thạc sĩ do chúng tôi đào tạo, đã chuyển sang làm việc cho DN nước ngoài với lí do thu nhập cao hơn. Đến giờ chỉ còn vài cán bộ Trung tâm lo việc nhân giống ở bên ngoài”.

PGS-TS Nguyễn Trí Hoàn là "cha đẻ" của bộ giống lúa lai HYT vừa năng suất cao, lại chất lượng rất tốt, trong đó có giống nổi tiếng HYT100, ngắn ngày, gạo ngon. Giống này đã được Viện chuyển nhượng cho Cty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng SX hạt lai F1 với giá 3 tỷ đồng. “Giống lúa ngon nhưng cũng đỏng đảnh như nàng công chúa, gặp thời tiết thuận lợi thì SX hạt lai được mùa, nếu không thất bại như chơi”.

Cũng theo ông Hoàn, đích thân ông đã đi nhiều nơi tìm vùng SX hạt lai F1 trong nước, song chỉ có vùng Eaka (Đăk Lăk) là địa phương có điều kiện SX thuận lợi, có thể sản xuất 5-7 nghìn ha. “Năm vừa rồi chúng tôi đã liên kết với một số công ty SX hơn 500 ha lúa lai F1 tại Eaka, trong đó có mô hình 13 ha gieo cấy 7 bộ giống HYT cho năng suất từ 2,5-3 tấn/ha. Phải nói rằng đây là vùng SX hạt lai rất lý tưởng, bình thường SX hạt lai ở địa phương khác chỉ đạt hơn 1 tấn/ha song trồng ở Eaka năng suất cao gấp hơn 2 lần”.

Nói về bộ giống HYT, ông Hoàn khẳng định ngoài việc nghiên cứu thành công các bộ giống lúa lai 3 dòng (HYT 83, HYT 92, HYT 100), kể từ giống HYT102 đến HYT108 do ông lai tạo, đều là giống lúa 2 dòng, cực ngắn ngày đáp ứng nhu cầu SX vụ mùa ở miền Bắc. Ông cho biết: “Khi Nhà nước cho bán bản quyền giống lúa, chúng tôi “gả” giống HYT100 cho Cty CP NN KTC Hải Phòng. Sắp tới Viện sẽ chuyển nhượng quyền SX giống HYT83 cho Cty Đại Thành với giá 1,5 tỷ; đồng thời cử cán bộ vào Eaka giúp đỡ DN này về mặt kỹ thuật. Trước đó Viện cũng đồng ý cho một công ty khác liên kết SX giống HYT103 tại Inđônêxia, Malaixia đạt kết quả rất mỹ mãn. Sắp tới Viện sẽ liên kết với Cty CP Giống cây trồng TƯ, Cty CP GCT Thái Bình và Hải Dương SX giống HYT108…”.

“Giống lúa lai Việt Nam đang được quốc tế đánh giá rất cao. Bản thân tôi được Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Philipine mời sang bên đó tập huấn. Họ bảo VN chỉ sau Trung Quốc về chọn tạo giống, thua Ấn Độ khâu phân phối giống, còn chất lượng lúa lai VN không kém lúa Ấn Độ. Gạo HYT100 của Viện CLT-CTP chắc chắn ngon hơn B-TE1 của Ấn Độ” - ông Hoàn bày tỏ.

Tuy nhiên, theo ông Hoàn thì hiện nay chúng ta đang bị lệ thuộc vào nguồn giống lúa lai của TQ. Theo ước tính vụ xuân ở miền Bắc, TQ xuất sang VN khoảng 15.000 tấn, giá giống rất cao. “Chúng ta đã có nhiều bộ giống lúa lai tốt nhưng SX F1 vẫn cứ đì đẹt, vì sao? Vấn đề là phải đưa các DN vào cuộc, có chính sách hỗ trợ DN SX thì mới có thể giải quyết được bài toán chủ động lúa lai. Về lâu dài, chúng ta phải đưa lúa lai vào SX để nâng cao năng suất, sản lượng lương thực. Tôi khẳng định miền Bắc trồng lúa lai vào trà xuân muộn bằng phương pháp gieo thẳng (gieo từ 10-15/2), thời điểm lúa trỗ từ 10-15/5 năng suất sẽ rất cao và ổn định nhất trong các trà lúa. Tôi cho rằng đây là mô hình trồng lúa tối ưu nhất ở miền Bắc, riêng các giống lúa lai HYT có thể cho năng suất từ 80-90 tạ/ha” - ông nói chắc nịch.

Xem thêm
Vịt Xiêm lai Pháp thích hợp cho chăn nuôi nhỏ lẻ

ĐBSCL Tại ĐBSCL, mô hình nuôi vịt Xiêm lai Pháp được bà con nông dân đánh giá mang lại hiệu quả cao, thích hợp cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Nam Định: Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp 5 - 7 lần năm trước

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, sau đợt phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 tập trung từ 30/4 - 4/5, mật độ sâu sau phun vẫn còn cao.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).