| Hotline: 0983.970.780

Không có chuyện trái cây xuất sang Trung Quốc bị kiểm tra chặt hơn nước khác

Thứ Hai 08/11/2021 , 19:00 (GMT+7)

Tất cả các lô hàng trái cây khi xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải thực hiện kiểm dịch thực vật, không có chuyện được miễn hay giảm tỷ lệ lấy mẫu các lô hàng.

Tại Diễn đàn trực tuyến Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248 & 249) do Tổ Điều hành Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970), Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức, diễn ra trong sáng 6/11, ông Thang Thành Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) có nêu thông tin: Hoa quả Việt Nam khi nhập khẩu vào Trung Quốc đang phải kiểm tra 100%, điều này khác với hoa quả nhập từ Thái Lan, nguồn hàng này chỉ phải kiểm tra trực tiếp 30%?

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: Lê Bền.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: Lê Bền.

Qua diễn đàn, ông Thang Thành Vỹ hi vọng Bộ NN-PTNT Việt Nam có thể ký kết các thủ tục với cơ quan chức năng Trung Quốc để có thể chỉ kiểm tra 30% (?)…

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: Đây là thông tin không có căn cứ về mặt pháp lý, không chính thống, và không phải là thông tin do cơ quan có thẩm quyền của phía Trung Quốc thông báo cho phía cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) của Việt Nam.

Ông Hoàng Trung cho biết theo thông lệ quốc tế (trong đó có Hiệp định SPS khi Việt Nam tham gia vào WTO), đối với hoạt động kiểm dịch thực vật (KDTV), không có quy định nào về việc hàng hóa giữa các nước được miễn, giảm hay kiểm tra các lô hàng theo xác suất. Tất cả các lô hàng khi xuất khẩu đều phải thực hiện các quy định về thủ tục KDTV đối với tất cả các đối tượng sinh vật gây hại thuộc diện phải kiểm dịch.

Hiện nay, Việt Nam cũng đã ký các nghị định thư về yêu cầu KDTV đối với một số sản phẩm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc như măng cụt, gạo, cám, thạch đen… Trong các nghị định thư này, cũng không có quy định nào về việc chỉ kiểm tra, kiểm dịch các lô hàng xuất khẩu với tỷ lệ bao nhiêu %.

Thực hiện thủ tục kiểm dịch thực vật trái cây xuất khẩu tại Việt Nam. Ảnh: LB.

Thực hiện thủ tục kiểm dịch thực vật trái cây xuất khẩu tại Việt Nam. Ảnh: LB.

“Tất cả các lô hàng thuộc diện phải KDTV, dù to, dù nhỏ khi xuất khẩu đi các nước (trong đó có Trung Quốc) đều phải thực hiện thủ tục kiểm dịch, không hề có chuyện được miễn hay giảm tỷ lệ lấy mẫu của các lô hàng. Có chăng, trong KDTV, chỉ là quy định về tỷ lệ lấy mẫu là bao nhiêu % trong một lô hàng (ví dụ thường là 2%/lô hàng)”, ông Hoàng Trung khẳng định.

Đối với 8 loại trái cây của nước ta hiện đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và đã được đăng tải chính thống trên hệ thống của hải quan phía Trung Quốc, đây là các mặt hàng trái cây đã được xuất khẩu truyền thống. Cơ quan có thẩm quyền về KDTV hai nước sẽ chuẩn hóa về thủ kiểm dịch để tiến tới ký chung một nghị định thư, với điều kiện giữ nguyên các quy định, thủ tục, biện pháp KDTV như hiện hành.

Về các quy định mới của phía Trung Quốc trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248 & 249), ông Hoàng Trung đánh giá, các quy định này sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu trái cây cũng như các mặt hàng nông sản thuộc diện KDTV của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Bởi các mặt hàng trái cây, nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đều đã có các nghị định thư cũng như đã thống nhất được các quy định giữa 2 nước về thủ tục KDTV. Các quy định mới trong Lệnh 248 và 249 cũng không có sự thay đổi về đối tượng sinh vật gây hại thuộc diện kiểm dịch nên đều không có những phát sinh mới…

Cục BVTV khuyến cáo các địa phương cần thực hiện nghiêm việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Ảnh: LB.

Cục BVTV khuyến cáo các địa phương cần thực hiện nghiêm việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Ảnh: LB.

Đối với vấn đề về kiểm soát vi khuẩn, tồn dư kim loại nặng, đây là những chỉ tiêu mà các mặt hàng trái cây của chúng ta rất ít nguy cơ nên cũng không đáng lo.

Cũng theo ông Hoàng Trung, hiện nay, đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của chúng ta hầu hết cũng đã thực hiện tốt các quy định của phía Trung Quốc liên quan tới các quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, các quy định về đóng gói, ghi nhãn… khi xuất khẩu mặt hàng trái cây sang thị trường Trung Quốc.

Mặc dù vậy, các địa phương, đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp cần tiếp tục chú trọng thực hiện nghiêm các quy định trong việc cấp, sử dụng mã số vùng trồng. Bởi các năm trước đây, phía Trung Quốc vẫn chấp nhận cơ chế cho phép phía Việt Nam chủ động cung cấp danh sách các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phía Trung Quốc kiểm tra hồ sơ và công nhận.

Tuy nhiên tới đây, phía Trung Quốc sẽ triển khai việc trực tiếp sang kiểm tra định kỳ đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói…

Đối với các đối tượng sinh vật gây hại có nguy cơ, các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất cần phải đặc biệt quan tâm nhằm kiểm soát tốt nhóm ruồi đục quả và rệp. Bởi đây là đối tượng kiểm dịch có nguy cơ cao.

“Cục BVTV sẽ giải quyết ngay nếu có những vấn đề phát sinh liên quan tới KDTV. Cái mà chúng ta cần quan tâm nhất khi xuất khẩu rau quả nói chung, trong đó có thị trường Trung Quốc nói riêng, đó là vấn đề về tồn dư hóa chất thuốc BVTV. Đáng mừng là từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù các mặt hàng trái cây chúng ta vẫn xuất khẩu bình thường sang Trung Quốc và vẫn tăng mạnh về lượng, song chưa có một lô hàng nào bị phía Trung Quốc thông báo về việc tồn dư hóa chất vượt mức tối đa cho phép (MRL)”, ông Hoàng Trung cho biết.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.