Mở sổ theo dõi hoạt động gây nuôi động vật hoang dã
Tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) hiện có 12 cơ sở nuôi động vật hoang dã, nuôi động vật rừng thông thường. Số lượng cá thể tại các hộ gây nuôi đa số nhỏ lẻ với các loài chủ yếu là rắn hổ mang, cầy vòi, gấu ngựa, nhím, hươu sao, dúi…
Theo ông Trần Thế Hằng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên, trên địa bàn huyện hiện có hơn 100.000 ha đất có rừng chiếm 73,3% tổng diện tích đất tự nhiên. Ngoài ra, còn có Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với tổng diện tích tự nhiên gần 17.000 ha, có hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú, đa dạng mang tính điển hình của vùng núi phía Bắc Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Đây cũng là môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã cần được bảo vệ. Vì vậy, việc siết chặt quản lý cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã được cấp phép là rất cần thiết, góp phần hạn chế tình trạng người dân săn bắt động vật rừng ngoài tự nhiên.
Nhằm giúp cho các cơ sở trên địa bàn thực hiện hoạt động gây nuôi động vật hoang dã theo đúng quy định của pháp luật, Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo bộ phận pháp chế, cán bộ kiểm lâm địa bàn hướng dẫn các cơ sở về thủ tục đăng ký gây nuôi; mở sổ theo dõi hoạt động gây nuôi, cách ghi chép, tổng hợp số liệu vào sổ. Đặc biệt, hướng dẫn cho các cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị đăng ký mã số cơ sở nuôi đối với việc gây nuôi các loài nguy cấp, quý, hiếm.
Định kỳ tổ chức kiểm tra các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã và một số nhà hàng trên địa bàn huyện trong việc chấp hành pháp luật về quản lý động vật hoang dã. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ hướng dẫn các hộ nuôi mới làm các thủ tục cần thiết để được cấp mã số nuôi đối với các cá thể quý hiếm. Điều này giúp đơn vị thuận lợi trong việc nắm được sự biến động trong tổng đàn nuôi của các cơ sở.
Quản lý chặt việc nhập, xuất đàn
Gia đình bà Lý Thị Hoa ở xã Đông An là một trong những hộ dân lâu năm ở huyện Văn Yên nuôi hươu sao và nhím. Biết đây là loài động vật hoang dã, có giá trị kinh tế cao, bà Hoa đã chủ động khai báo với chính quyền địa phương, được Chi cục Kiểm lâm cấp chứng nhận cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, cấp mã số và mở sổ theo dõi. Hiện cơ sở của bà có 16 cá thể hươu sao và hơn 30 cá thể nhím bố mẹ, mỗi năm mang lại thụ nhập từ 170 – 200 triệu đồng.
Bà Hoa chia sẻ, trước khi nuôi các loài động vật hoang dã, gia đình bà được lực lượng kiểm lâm hướng dẫn đầy đủ hồ sơ thủ tục đăng ký để được cấp mã số cơ sở nuôi. Các thời điểm xuất, nhập đàn gia đình đều báo cáo đầy đủ với cán bộ kiểm lâm để có sự quản lý.
Cũng giống như nhà bà Hoa, gia đình bà Nguyễn Thị Tăng ở thị trấn Mậu A có cơ sở nuôi rắn hổ mang với quy mô trên 300 cá thể rắn bố mẹ. Khu vực nuôi được xây dựng biệt lập, kiên cố, lắp cửa lưới lớp trong lớp ngoài để đảm bảo những con hổ mang dữ tợn không thể thoát ra ngoài. Nền chuồng được tráng xi măng và rải một lớp đất khô giằm nhỏ. Loài rắn ưa môi trường sạch sẽ nên phải thường xuyên dọn chuồng.
Nghề nuôi rắn hổ mang đang mang lại thu nhập khá, vì vậy gia đình xin giấy phép của Hạt Kiểm lâm huyện, có giấy tờ xác nhận nguồn gốc rắn giống khi đưa về cơ sở nuôi. Thường xuyên báo cáo và chấp hành quy định về nguồn gốc vật nuôi và các thủ tục quy định khi xuất bán sản phẩm.
Theo bà Tăng, người gây nuôi động vật hoang dã nói chung và nuôi rắn hổ mang nói riêng phải chú ý tìm hiểu các kiến thức, kĩ năng, tập tính của các loài; gia cố chuồng trại, kiểm soát chặt chẽ, tránh để động vật thoát ra khỏi môi trường nuôi nhốt, gây nguy hiểm cho con người. Trong quá trình nuôi phải mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay để tránh nguy hiểm.
Không lợi dụng để trục lợi
Hiện nay, hoạt động gây nuôi động vật hoang dã được pháp luật cho phép với mục tiêu phát triển kinh tế, giảm áp lực lên các quần thể động vật hoang dã ngoài tự nhiên, hỗ trợ công tác bảo tồn loài trong môi trường hoang dã thông qua việc duy trì nguồn gen động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, toàn tỉnh hiện có 49 cơ sở đăng ký chăn nuôi động vật hoang dã quý hiếm theo hình thức nuôi nhốt trong chuồng trại tập trung với mục đích nuôi sinh sản kết hợp thương mại. Các loài động vật hoang dã chủ yếu các loài gồm: cầy vòi 472 cá thể, rắn hổ mang thường 3.326 cá thể, rắn ráo trầu 430 cá thể, gấu, chim công. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở nuôi động vật rừng thông thường như dúi, nhím, hươu sao, lợn rừng…
Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết, hầu hết các cá thể động vật hoang dã đang được gây nuôi tại các cơ sở là những loài có giá trị kinh tế cao trên thị trường, nhưng số cá thể trong tự nhiên lại đang có xu hướng giảm sút. Nếu không quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi này, sẽ dễ xảy ra hiện tượng lợi dụng đưa các cá thể động vật hoang dã ngoài tự nhiên vào trại nuôi, thu lợi bất chính, tăng nguy cơ săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã trái pháp luật.
Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Cục Kiểm lâm thực hiện kiểm tra định kỳ các cơ sở nuôi nhốt động vật quý hiếm có nguồn gốc được gắn chíp điện tử theo quy định để quản lý và theo dõi. Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm huyện phải xây dựng kế hoạch giám sát để thực hiện kiểm tra các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, chăn nuôi động vật rừng quý hiếm, thông thường để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong chăn nuôi động vật hoang dã.
Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm cấp mã số trại nuôi, cấp phát sổ theo dõi hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã cho từng cơ sở gây nuôi để các cơ sở ghi chép, lưu trữ những thông tin liên quan đến việc quản lý được thuận lợi, hiệu quả. Cùng với đó kiên quyết xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép gây nuôi đối với các cơ sở không tuân thủ các quy định.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái còn phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thẩm quyền CITES Việt Nam và các ngành chức năng thực hiện tốt công tác quản lý, xử lý, tiếp nhận, tái thả động vật về tự nhiên và bàn giao cứu hộ động vật rừng theo quy định của pháp luật.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm địa phương đã phát hiện xử lý 9 vụ việc vi phạm hành chính, tịch thu 17 cá thể động vật rừng quý, hiếm, 3 cá thể mèo rừng, xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước 33 triệu đồng. Tiếp nhận với 15 cá thể động vật quý hiếm các loại như khỉ, rùa núi viền, rùa sa nhân, rắn hổ chúa, cu li… thả lại về môi trường tự nhiên 7 cá thể khỉ.