| Hotline: 0983.970.780

Không để dịch tai xanh bùng phát

Thứ Hai 31/10/2016 , 08:53 (GMT+7)

Chiều 30/10, ông Trần Hùng, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, nhiệm vụ dập dịch tai xanh ở xã Cẩm Nam hiện đang được Chi cục và các đơn vị liên quan đặt lên hàng đầu.

13-36-56_2
Khử trùng chuồng trại
 

Ngay sau khi đàn lợn của hộ Võ Văn Chương, ở thôn Tiến Hưng, xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh tai xanh, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp khống chế, dập dịch.

Mặc dù phát hiện, triển khai đồng bộ các giải pháp bao vây, khống chế dịch kịp thời, nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp nên đến ngày 30/10 trên địa bàn xã Cẩm Nam đã có 5/9 thôn xuất hiện dịch lợn tai xanh. Tổng số lợn mắc bệnh toàn xã là 228/tổng đàn 4.315 con.

Ông Võ Văn Chương - hộ dân đầu tiên phát hiện lợn bị bệnh cho biết, sáng ngày 19/10, khi cho lợn ăn ông phát hiện đàn lợn có biểu hiện bỏ ăn, toàn thân đỏ ửng, mắt lờ đờ. Ngay sau đó ông đi mua thuốc về điều trị trong 2 ngày nhưng lợn không khỏi. Đến ngày 24/10, đàn lợn bắt đầu chết rải rác, lúc này ông trình báo lên chính quyền địa phương.

Nhận được tin báo, ngày 25/10, Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên phối hợp với Cơ quan Thú y vùng III (Cục Thú y) tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh tai xanh.

“Sau khi phát hiện ổ dịch lợn tai xanh chúng tôi lập tức tổ chức họp triển khai tiêu hủy số lợn bị bệnh. Thành lập 4 chốt chặn tại những con đường liên xã để ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển lợn bệnh ra ngoài; phối hợp cán bộ thú y theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh, hướng dẫn bà con cách ly số lợn khỏe với lợn mắc bệnh.

Đồng thời, tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi, nhất là mở rộng phun hóa chất tiêu độc khử trùng ra các địa phương lân cận”, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam thông tin.

13-36-56_3
Khử trùng người, phương tiện ra vào vùng dịch
 

Trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ở Cẩm Nam gần một tuần nay, ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho hay, năm 2008 dịch tai xanh ở lợn đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân Cẩm Xuyên, từ thời gian đó đến nay tồn dư của bệnh vẫn luôn luôn tiềm ẩn. Đợt dịch lần này được xác định do ảnh hưởng của trận mưa lũ vừa qua.

Để ngăn chặn dịch lây lan, trong vòng 3 ngày, huyện đã chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ 228 con lợn bị bệnh; tạm thời đình chỉ việc mua bán, vận chuyển giết mổ, tiêu thụ lợn và các sản phẩm của lợn tại xã Cẩm Nam; tổ chức kiểm tra giám sát chặt chẽ, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thành lập các rào chắn phun khử trùng trên các trục giao thông, cắt cử lực lượng trực 24/24 giờ. Ngoài ra, huyện cũng đã cấp 1.600 lít hóa chất phục vụ cho tiêu độc khử trùng; cấp 2.000 liều vacxin tiêm phòng bổ sung, bao vây dịch.

“Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, những ngày tới ảnh hưởng của không khí lạnh tiếp tục gây mưa lớn trên địa bàn. Với điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, việc dập dịch sẽ càng khó khăn hơn. Do đó, ngoài việc thực hiện các khuyến cáo phòng, chống dịch của cơ quan chức năng, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức tự giác trong việc phát hiện, báo cáo đàn lợn bị bệnh, không giấu dịch hay bán chạy lợn bị bệnh ra bên ngoài, hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan”, ông Hà nói.

13-36-56_4
Một con lợn bị dịch tai xanh chuẩn bị đem đi tiêu hủy
 

Chiều 30/10, ông Trần Hùng, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, nhiệm vụ dập dịch tai xanh ở xã Cẩm Nam hiện đang được Chi cục và các đơn vị liên quan đặt lên hàng đầu. Đây cũng là chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

“Mặc dù nhiều thôn của xã Cẩm Nam báo cáo có lợn bị ốm nhưng sau khi kiểm tra chúng tôi xác định mới có 5/9 thôn xuất hiện dịch lợn tai xanh. Hiện tại, ngoài số lợn đã tiêu hủy cơ quan chức năng chưa phát hiện thêm con lợn nào bị bệnh nữa. Công tác phòng, chống dịch cũng đang được kiểm soát chặt chẽ”, ông Hùng thông tin thêm.

Xem thêm
Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.