| Hotline: 0983.970.780

Không nên vội ban hành TCVN mới về khảo nghiệm giống lúa

Thứ Năm 15/12/2022 , 09:45 (GMT+7)

Nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu, lấy ý kiến kỹ khi sửa đổi, bổ sung TCVN về khảo nghiệm giống lúa. Nếu chưa thống nhất thì không nên vội ban hành TCVN mới.

Trong khuôn khổ hội thảo “Triển khai Luật Trồng trọt và một số văn bản hướng dẫn Luật trồng trọt” do Cục Trồng trọt phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam tổ chức ngày 14/12, các đại biểu đã nêu nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng Dự thảo sửa đổi bổ sung cho "Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 13381-1:2021): Giống cây trồng nông nghiệp - Khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng, Phần 1: Giống lúa." (sau đây gọi tắt là TCVN).

Sửa đổi, bổ sung TCVN theo hướng đơn giản, kế thừa

Theo Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA), Dự thảo sửa đổi, bổ sung TCVN do Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia (sau đây gọi tắt là Trung tâm KKN) thực hiện nêu khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng quá chi tiết và mang tính chất rào cản kỹ thuật cho việc khảo nghiệm chỉ được làm ở Trung tâm KKN.

Empty

Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam cho rằng, nên để cho Trung tâm KKN tự lựa chọn giống đối chứng.

Bài liên quan

Với các nội dung quy định như vậy thì kể cả Trung tâm KKN cũng không có trạm nào đủ điều kiện. Khảo nghiệm VCU chỉ là việc trồng một thí nghiệm đồng ruộng so sánh giống mới với giống đang phổ biến tại nơi khảo nghiệm. Do vậy, các yếu tố cần thiết là nguồn nhân lực với kỹ năng đánh giá giống; điều kiện đồng ruộng, nhà kho sân phơi, cơ sở vật chất cũng chỉ là cân, thước đo đếm… Việc có các trang thiết bị hiện đại là tốt nhưng không nhất thiết phải đưa ra những thiết bị mang tính chất dựng rào cản như máy tính, máy in, thiết bị ghi hình...

Về giống đối chứng, đây là quy định sẽ gây phiền hà, tạo ra các thủ tục phức tạp không cần thiết. Nguyên tắc lựa chọn giống đối chứng từ xưa đến nay và phù hợp với quốc tế là chọn giống đã được phép lưu hành phổ biến tại nơi khảo nghiệm, cùng nhóm giống với giống khảo nghiệm (thời gian sinh trưởng/nếp (tẻ)…). Như vậy, tổ chức khảo nghiệm có thể tự quyết định lựa chọn giống đối chứng mà không cần Cục Trồng trọt phê duyệt. Cục Trồng trọt phê duyệt danh sách giống đối chứng sẽ không đảm bảo cập nhật các thông tin về giống, mặt khác không đảm bảo tính khách quan.

Tiêu chuẩn chỉ nên nêu nguyên tắc lựa chọn giống đối chứng (như các Quy phạm/Tiêu chuẩn/Quy chuẩn trước đây).

Trên cơ sở đó, VSTA đề nghị: Sửa đổi, bổ sung TCVN cần chỉnh sửa nội dung cho phù hợp với thực tiễn theo hướng đơn giản, kế thừa các tiêu chuẩn quy phạm khảo nghiệm lúa trước đây (trước khi có Luật Trồng trọt), tập trung các chỉ tiêu năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất.

1234

Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đề nghị chưa ban hành TCVN mới với các nội dung như dự thảo thể hiện. Ảnh: TL.

Đối với các chỉ tiêu về tính chống chịu sâu bệnh (bạc lá, khô vằn, rầy nâu, sâu đục thân, sâu hại lá…) và điều kiện bất thuận (hạn, úng, nóng, mặn…), tác giả tự khai trong lý lịch giống. Quá trình khảo nghiệm theo dõi đánh giá ngoài đồng ruộng đối với các mức độ sâu bệnh hại là cần thiết với đơn vị làm khảo nghiệm, không nên cắt bỏ quy định này.

Về điểm khảo nghiệm, VSTA cho rằng, nhà nước chỉ quản lý các điểm của Trung tâm KKN (3 điểm của 3 miền đại diện). Bởi vì, nếu yêu cầu cả 34 điểm như trong TCVN có nghĩa Trung tâm sẽ thuê 31 điểm khảo nghiệm khác là bất hợp lý.

Về số điểm khảo nghiệm, đề xuất TCVN rút số điểm từ 17 xuống 12 hoặc 13. Vùng lúa trọng điểm diện tích lớn thì cần số điểm nhiều, vùng lúa không phải sản phẩm chủ lực thì rút số điểm. Ví dụ, vùng ĐBSH cần 2 - 3 điểm khảo nghiệm; vùng Trung du miền núi phía Bắc chỉ cần 1 điểm; Bắc Trung Bộ 1; Duyên hải Nam Trung Bộ 1; Tây Nguyên và Đông Nam Bộ 1 và ĐBSCL từ 2 - 3 điểm. Tổng số điểm là 8 - 10 điểm.

Nhằm phù hợp với các quy định của Luật Trồng trọt, TCVN có thể xây dựng các mục đầy đủ nhưng phân làm 2 phần: Đối với giống sử dụng kinh phí của nhà nước thì bắt buộc làm dưới dạng đơn đặt hàng. Các giống còn lại làm đơn giản và tác giả phải tự khai trong báo cáo khảo nghiệm với các thí nghiệm ngoài 3 điểm khảo nghiệm do Trung tâm KKN nêu trên.

Cũng theo VSTA, theo Khoản 4, Điều 85 của Luật Trồng trọt, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các tài liệu hướng dẫn khảo nghiệm VCU đã ban hành trước đây để tiến hành các thủ tục cho doanh nghiệp triển khai công nhận giống bình thường trong thời gian chờ có TCVN mới đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tiễn được ban hành để thay thế. Do vậy, đề nghị chưa ban hành TCVN mới với các nội dung như thể hiện.

Nên bỏ yêu cầu đánh giá chất lượng cơm gạo theo vùng, vụ

Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển nông nghiệp ADI (Công ty ADI) kiến nghị: Trong nội dung khảo nghiệm đánh giá chất lượng cơm gạo theo dự thảo TCVN xuất bản lần 2 nên bỏ yêu cầu đánh giá chất lượng cơm gạo theo vùng, vụ. Bởi, lấy số liệu như thế nào để phục vụ công nhận giống tiêu chuẩn mới? Lấy theo trung bình tất cả các vùng được không?

Với những giống đã khảo nghiệm theo QCVN 01-55/2011 và TCVN 13381-1:2021 mà không có đánh giá chất lượng theo từng vùng, từng vụ thì xử lý báo cáo như thế nào để công nhận giống?

nên bỏ yêu cầu đánh giá chất lượng cơm gạo theo vùng, vụ. Ảnh: MH.

Công ty ADI cho rằng, nên bỏ yêu cầu đánh giá chất lượng cơm gạo theo vùng, vụ. Ảnh: MH.

Doanh nghiệp này cũng đề nghị, đối với yêu cầu về kết quả khảo nghiệm có kiểm soát của các giống xin gia hạn quyết định công nhận lưu hành, đề nghị sửa thành: "Trường hợp gia hạn quyết định công nhận lưu hành giống lúa đối với các giống được công nhận trước khi TCVN 13381-1:2021 có hiệu lực thì phải có kết quả khảo nghiệm kiểm soát đối với bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá và rầy nâu; và có ít nhất 1 đối tượng có cấp bệnh hoặc cấp hại nhỏ hơn hoặc bằng 7".

Đối với yêu cầu công nhận cho nhóm lúa tẻ năng suất cao: Nên điều chỉnh chế độ canh tác trong khảo nghiệm diện rộng theo đề xuất của đơn vị đăng ký khảo nghiệm để phát huy được hết tiềm năng của giống. Về chất lượng xay xát, nên điều chỉnh thành chất lượng xay xát có tỷ lệ gạo lật hoặc tỷ lệ gạo xát hoặc tỷ lệ gạo nguyên cao hơn giống đối chứng.

Bên cạnh đó, cần làm rõ yêu cầu để công nhận giống theo trường hợp khác ở dự thảo TCVN 13381-1:2022. Bởi, các giống đã khảo nghiệm trước khi TCVN 13381-1-2021 ban hành mà không có cùng nhóm đối chứng thì công nhận theo yêu cầu nào? Nếu không có đối chứng thì lấy cơ sở nào để làm hồ sơ công nhận lưu hành giống?

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.