| Hotline: 0983.970.780

'Không thể nói heo từ các tỉnh về TP. HCM là không an toàn'

Thứ Sáu 31/03/2023 , 07:21 (GMT+7)

TP. HCM Theo Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM Đinh Minh Hiệp, có một số thương lái chưa đưa heo vào giết mổ tại các nhà máy công nghiệp, tuy nhiên con số này không nhiều.

TP. HCM nâng công suất các nhà máy giết mổ công nghiệp để từng bước hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hoá, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

TP. HCM nâng công suất các nhà máy giết mổ công nghiệp để từng bước hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hoá, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sau nhiều lần gia hạn thời gian hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trên địa bàn TP. HCM thì đến ngày 1/4, TP. HCM có thể chính thức bước vào kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm của địa phương.

Thế nhưng, nhiều câu hỏi băn khoăn được đặt ra trong thời điểm hiện nay như: các chủ cơ sở thủ công không chấp nhận đem heo vào giết mổ tại các cơ sở công nghiệp, họ lo ngại nhiều vấn đề như chi phí tăng, không được kiểm soát quá trình giết mổ; dẫn đến tình trạng họ có thể đem heo về các tỉnh thành giết mổ và đem ngược trở lại tiêu thụ tại TP. HCM; các nhà máy giết mổ công nghiệp có đạt được công suất đặt ra hay không...?

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM Đinh Minh Hiệp cho rằng, việc triển khai thực hiện kế hoạch bố trí nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp trên địa bàn Thành phố, thời gian đầu khi ngưng hoạt động cơ sở giết mổ thủ công chuyển sang chuyển sang các nhà máy giết mổ công nghiệp, sẽ không tránh khỏi những bất cập trong sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, ông cho rằng, việc các cơ sở thủ công trên địa bàn đóng cửa và các nhà máy giết mổ hiện đại đi vào vận hành đã là thành công bước đầu.

Thời gian qua, Thành phố ghi nhận một số thương lái chưa đưa heo vào giết mổ tại các nhà máy công nghiệp do còn nghi ngại như chi phí cao, quầy thịt không đẹp, không được giám sát trực tiếp các công đoạn giết mổ... Tuy nhiên, theo ông Hiệp, con số này không nhiều.

"Có khả năng họ sẽ quay lại chuyển vào giết mổ tại các nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Vì nguồn thịt heo được giết mổ tại Thành phố vẫn có nhiều lợi thế, nhất là rất gần nơi tiêu thụ, khả năng đưa sản phẩm vào chợ đầu mối, các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị... thuận tiện hơn, định hướng xuất khẩu sau này.

Ngoài ra, các chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp cũng đã có những chính sách hỗ trợ ban đầu nhằm tạo điều kiện cho các thương lái đưa gia súc vào giết mổ như giảm giá chi phí giết mổ, cho phép chủ gia súc tham quan, giám sát việc thực hiện giết mổ tại nhà máy; đến khi công suất giết mổ tăng lên thì chi phí sẽ giảm, khi đó càng thu hút lượng heo từ các tỉnh đưa về", ông Đinh Minh Hiệp phân tích.

Về vấn đề các cơ sở giết mổ gia súc thủ công ngại đưa vào các cơ sở giết mổ công nghiệp, thay vào đó đưa ra các tỉnh lân cận giết mổ và vận chuyển ngược lại TP. HCM để tiêu thụ, ông Đinh Minh Hiệp cho biết, lượng heo từ các tỉnh đưa về là có, nhưng không phải con số chủ yếu.

Heo từ các tỉnh đưa về TP. HCM đều phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Heo từ các tỉnh đưa về TP. HCM đều phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Heo từ các tỉnh đưa về vẫn phải kiểm soát mọi thứ liên quan đến an toàn thực phẩm. Không thể nói heo từ các tỉnh về là không an toàn", ông Đinh Minh Hiệp nói.

Cũng theo ông Hiệp, để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm động vật cung ứng cho người dân Thành phố trong thời gian tới, cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường, các ngành chức năng của Thành phố như Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Thị trường, các đoàn liên ngành quận huyện, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với nguồn sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về Thành phố theo đúng quy định. 

Thời gian tới, TP.HCM sẽ có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án nhằm nâng dần công suất giết mổ công nghiệp phù hợp với định hướng xuất khẩu, tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp Thành phố.

Trước đó, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ đã gửi văn bản kiến nghị về việc dù đã đầu tư nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, công suất giết mổ 3.000 con heo/ngày và sắp đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, số thương lái đăng ký chuyển sang giết mổ công nghiệp chưa nhiều và nguy cơ công suất chỉ bằng 1/5 thiết kế. 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. HCM, số lượng heo giết mổ trên địa bàn TP. HCM sau ngày 31/3 khi ngưng hoạt động giết mổ các cơ sở thủ công dự kiến khoảng 6.210 con/ngày. 

Trong đó, 2.570 con giết mổ tại hai nhà xưởng của Nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng (Hóc Môn): chủ yếu từ các chủ gia công hiện đang hoạt động tại khu vực giết mổ thủ công của Cty Cổ phần chế biến thực phẩm Hóc Môn và cơ sở giết mổ trung tâm Bình Tân (quận Tân Bình); cơ sở giết mổ Tân Thạnh Đông (Củ Chi).

2.010 con tại Nhà máy giết mổ An Hạ (Củ Chi): là các chủ gia công hiện đang hoạt động tại cơ sở giết mổ Xuyên Á.

300 con tại Xí nghiệp thực phẩm Sargi (Củ Chi): được chuyển từ cơ sở giết mổ Phú Hoà Đông (Củ Chi) và cơ sở giết mổ trung tâm Bình Tân (quận Tân Bình).

800 con tại Nhà máy Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An; 500 con tại nhà máy Vissan; 30 con tại cơ sở Trung Tuyến (thủ công) Cần Giờ.

Ngoài ra, sau 1/4, sẽ có khoảng hơn 1.000 con heo sẽ được chuyển về giết mổ tại các tỉnh theo nguyện vọng các chủ gia công.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.