Trả lời phỏng vấn hãng truyền hình CNBC, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết không thể tiến hành khởi động lại quan hệ Nga - Mỹ chừng nào mà những lệnh trừng phạt đơn phương vẫn còn có hiệu lực.
“Điều này hoàn toàn là không thể có được. Chúng ta hãy làm rõ với nhau thế này: Chúng tôi không nghĩ ra những lệnh trừng phạt này. Các đối tác nước ngoài đã làm vậy” - Thủ tướng Medvedev nói.
Ông còn nói: "Chúng tôi sẽ khắc phục được trong tình hình có những lệnh cấm này. Tôi không có nghi ngờ gì sau một thời gian những lệnh trừng phạt rồi sẽ tan biến, sẽ không còn có lệnh trừng phạt nữa. Nhưng chúng tôi không phủ nhận thực tế là những lệnh trừng phạt này đã phá hủy mối quan hệ giữa chúng ta”.
Ông Medvedev cho rằng khi phương Tây tiến hành lệnh trừng phạt thì những quốc gia khác sẽ lấp chỗ trống thị phần mà các đối tác châu Âu từng đã từng giữ ở thị trường Nga.
“Xem xét một cách thực tế thì cơ hội kiếm tiền sẽ mở ra và những đầu ra thị trường này trong trường hợp các nhà sản xuất bỏ đi thì sẽ được thế chỗ. Tôi muốn lưu ý rằng chúng tôi không mong muốn một việc như vậy nhưng về lý thuyết mà nói thì tình hình hiện nay có thể thay đổi”.
Khi hỏi về việc Nga rút quân khỏi biên giới với Ukraine chứng tỏ điều gì thì Thủ tướng Medvedev giải thích: “Đây không phải là một tín hiệu bắn đi cho Washington. Đây là quyết định trong nước của Nga. Có thể hiểu theo cách nào cũng được nhưng không phải là một tín hiệu. Bất kỳ quyết định nào của Nga, trong đó có các quyết định liên quan đến các lực lượng vũ trang của chúng tôi, là những quyết định thuộc về quyền của chúng tôi, quyền của Tổng thống Nga, và không có liên quan đến tình hình mà chúng ta đang chứng kiến ở đó (Ukraine) mặc dù tất nhiên chúng ta rất quan tâm đến tình hình ở đó”.
Thủ tướng Nga còn cho rằng Ukraine thực sự đang bị phá sản nhưng Nga cũng muốn thấy Ukraine là một quốc gia ổn định về tài chính và xây dựng quan hệ với nước này. “Ukraine là một quốc gia đang đứng trước nguy cơ sụp đổ tài chính. Ukraine đã không thực hiện được các nghĩa vụ (tài chính), không trả được tiền cho khí đốt và nhiều mặt hàng cung cấp khác”.
“Chúng tôi muốn Ukraine trở thành một quốc gia bình thường, hiện đại và tin cậy về tài chính để xây dựng quan hệ (với họ)”.
Ông Medvedev cho rằng hình thức chính thể một nhà nước đơn nhất ở Ukraine là ngõ cụt cho nước này. “Tùy người Ukraine và chính quyền của họ quyết định. Nếu họ muốn sống trong một nhà nước đơn nhất thì họ có thể đi theo hướng đó. Tuy nhiên, riêng tôi thấy rằng họ đã đến chỗ bế tắc vì một phần của Ukraine cho rằng họ không thể sống như vậy. Nếu họ nhất trí về một nhà nước liên bang thì điều đó có thể thúc đẩy sự phát triển của Ukraine. Nhưng đây là quyết định trong nội bộ Ukraine - của chính quyền Ukraine và những người dân ở miền đông nước này với một quan điểm khác. Đây là một khả năng thôi”.
Về vụ rơi máy bay MH17 ở vùng Đông Ukraine, ông cho rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm hoàn toàn và nên thừa nhận rằng họ đã không kiểm soát được vùng lãnh thổ này của nước họ.
Về vấn đề quan hệ với đồng USD, Thủ tướng Nga cho rằng cần có một hệ thống tiền tệ cân bằng hơn và đa dạng hơn. Ông cho biết Nga đã từng phụ thuộc vào đồng đô la và cả nền kinh tế Mỹ. “Chúng tôi cho rằng chúng tôi cần phải tránh xa một sự phụ thuộc như vậy trong hệ thống tài chính của thế giới”. Và ông cho rằng không chỉ có Nga mà các nền kinh tế đang nổi cũng sẽ được hưởng lợi nếu có sự chuyển biến đó. “Kinh tế toàn cầu nói chung sẽ được hưởng lợi”.
Mặc dù có lệnh trừng phạt nhưng ông cho biết Tổng thống Vladimir Putin và cá nhân ông vẫn giữ quan hệ tốt với các lãnh đạo phương Tây. Ông cho rằng vấn đề quan hệ cá nhân không nên nhầm lẫn với các vấn đề kinh tế và chính trị. “Chúng tôi có thể vẫn gọi điện cho nhau hoặc gửi thiệp chúc mừng Năm mới”.
Trong quan hệ Nga - Trung, ông Medvedev cho rằng đó là mối quan hệ mang tính thực tiễn không phải là chính trị. “Chúng tôi đã phát triển quan hệ với Trung Quốc 25 năm nay. Trung Quốc là đối tác làm ăn lớn nhất của chúng tôi”.
Khi được hỏi liệu có phải việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc là để cho phương Tây (mà đại diện là Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama) thấy rằng Nga đang có hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng hóa phương Tây và tư bản (vốn) phương Tây hay không thì ông nói rằng nhận định này “hoàn toàn sai”.
“Chúng tôi là những con người thực tế và tôi cho rằng tất cả mọi người đều phải biết điều này kể cả các đối tác như Tổng thống Obama, Thủ tướng Merkel hay bất kỳ ai khác. Ý tưởng là làm ăn có lãi và có được các hợp đồng mang về lợi nhuận”.