| Hotline: 0983.970.780

Khuyến cáo vận hành hệ thống thủy lợi An Trạch khi độ mặn tăng

Thứ Sáu 07/04/2023 , 09:11 (GMT+7)

Trước việc độ mặn trên hệ thống thủy lợi An Trạch có xu hướng tăng, Viện khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên đã đưa ra khuyến cáo tại bản tin ngày 6/4.

Lấy mẫu phân tích chất lượng nước tại Trạm bơm Tứ Câu. Ảnh: T.L.

Lấy mẫu phân tích chất lượng nước tại Trạm bơm Tứ Câu. Ảnh: T.L.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, kết quả quan trắc chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi An Trạch ngày 5/4 phục vụ lấy nước sản xuất vụ đông xuân năm 2023 tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng cho thấy, tại thời điểm quan trắc, độ mặn tại vị trí Cầu Hòa Xuân và thượng lưu nhà máy nước Cầu Đỏ có xu hướng tăng cao hơn so với tuần trước, độ mặn đo được tại cầu Hòa Xuân đạt 2,3‰ (lúc 8 giờ 20 phút ngày 5/4) và tại thượng lưu nhà máy nước Cầu Đỏ là 0,35‰ (lúc 9 giờ 15 phút). Kết quả cho thấy, dấu hiệu xâm nhập mặn năm nay tại vị trí Cầu Đỏ xuất hiện sớm hơn, do vậy để đảm bảo cấp nước an toàn cần theo dõi thường xuyên diễn biến độ mặn tại vị trí này.

Tại vị trí trạm bơm Miếu Ông và Túy Loan đều không bị nhiễm mặn, do đó có thể lấy nước để phục vụ tưới cho lúa. Riêng tại vị trí trạm bơm Tứ Câu do chưa xây dựng đập tạm ngăn mặn nên chất lượng nước tại đây có dấu hiệu bị nhiễm mặn, độ mặn đo được cao hơn so với tuần trước, tại thời điểm quan trắc (12 giờ ngày 5/4) có độ mặn là 4,2‰.

Về chất lượng nước, tại các vị trí quan trắc nhìn chung chất lượng nước được cải thiện hơn so với tuần trước. Tuy nhiên, tại vị trí chân cầu Thuận Phước và trạm bơm Tứ Câu vẫn còn có một số chỉ tiêu vượt và xấp xỉ mức giới hạn cho phép. Cụ thể, tại vi trí cầu Thuận Phước (VT1) có 1 chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép, đó là chỉ tiêu Nitrit (NO2- -N) với mức vượt 16% và chỉ tiêu Photphat PO43- xấp xỉ giới hạn cho phép. Tại vị trí trạm bơm Tứ Câu (VT6) tại thời điểm quan trắc trên mặt nước có nổi nhiều váng, có 2/13 chỉ tiêu có hàm lượng vượt giới hạn cho phép là tổng chất rắn lơ lửng TSS (vượt 1,4%), chỉ tiêu PO43--P (vượt 4%); 1/13 chỉ tiêu NO2- -N có hàm lượng đạt bằng giới hạn cho phép (0,05 mg/L); 2/13 chỉ tiêu là BOD5 và COD có hàm lượng đạt xấp xỉ bằng giới hạn cho phép.

Kết quả tính toán chỉ số chất lượng nước WQI tại các vị trí quan trắc đều đạt mức tốt, đảm bảo cho mục đích tưới tiêu cũng như các mục đích tương tự khác. Đặc biệt, trạm bơm Tứ Câu chất lượng nước tuần này được cải thiện đáng kể, cao hơn so với tuần trước.

Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, chất lượng nước trong tuần tới (từ 7/4 - 13/4) ở các điểm quan trắc đảm bảo yêu cầu chất lượng nước tưới cho nông nghiệp. Hiện tại cây lúa trong khu vực đang trong giai đoạn làm đòng, một số khu vực đang ở giai đoạn chín sữa do đó cần có phương án đảm bảo nước tưới cả về trữ lượng và chất lượng. Trong quá trình vận hành hệ thống An Trạch các đơn vị liên quan cần chú ý:

Đối với Sở NN-PTNT Quảng Nam và TP Đà Nẵng cần quan tâm chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và Công ty Khai thác thủy lợi theo dõi diễn biến xâm nhập mặn, chất lượng nước để chủ động điều chỉnh các giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả nhằm cấp nước cho cây trồng vụ đông xuân.

Trong quá trình quan trắc chất lượng nước tại vị trí Trạm bơm Tứ Câu (VT6) trên sông Vĩnh Điện cho thấy từ ngày 4/3 đến nay bắt đầu xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn tại trạm bơm, độ mặn đang có xu hướng tăng cao, có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa; độ mặn lớn nhất quan trắc được là 5,2‰ (lúc 11 giờ ngày 3/4). Bên cạnh đó, tại thời điểm quan trắc (ngày 29/3) một số chỉ tiêu chất lượng nước như tổng chất rắn lơ lửng TSS, PO43--P có hàm lượng chất ô nhiễm vượt mức giới hạn cho phép; chỉ tiêu BOD5 và NO2--N có hàm lượng đạt xấp xỉ gần bằng hoặc bằng giới hạn cho phép.

Lấy mẫu phân tích chất lượng nước tại vị trí thượng lưu Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ảnh: T.L.  

Lấy mẫu phân tích chất lượng nước tại vị trí thượng lưu Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ảnh: T.L.  

Dự báo trong tuần tới độ mặn có xu hướng tiếp tục tăng lên (đạt đỉnh vào ngày 11/4), một số thời điểm dự báo chỉ tiêu BOD vượt giới hạn cho phép; do đó Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam xem xét nghiên cứu xây dựng đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện để giảm thiểu xâm nhập mặn cho trạm bơm Tứ Câu phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời xem xét lựa chọn thời điểm vận hành trạm bơm lấy nước phù hợp (vào buổi tối lúc triều xuống từ khoảng 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau). Đối với đập tạm trên sông Quảng Huế cần có giải pháp khắc phục, sửa chữa nhằm đảm bảo nguồn nước cấp cho khu vực hạ du.

Đối với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cần quản lý chặt chẽ nguồn nước và đảm bảo tưới cho các diện tích trong hệ thống; chỉ đạo các đơn vị theo dõi diễn biến mực nước, bám sát lịch thủy triều, lịch vận hành xả nước của các nhà máy thủy điện cũng như diễn biến xâm nhập mặn để đưa ra phương án vận hành và thời gian bơm nước đảm bảo cấp nước an toàn cho vụ đông xuân. Thực hiện vận hành các đập dâng An Trạch, Hà Thanh, Bàu Nít và Thanh Quýt theo quy định tại khoản 1, Điều 26 của QTVH 1865/2019/QĐ-TTg để đảm bảo mực nước yêu cầu tại các trạm bơm trên hệ thống.

Đối với nhà máy nước Cầu Đỏ, dự báo độ mặn tại vị trí thượng lưu Cầu Đỏ trong tuần tới dao động từ 0,05‰ ÷0,41‰, khuyến cáo Nhà máy nước Cầu Đỏ cần theo dõi diễn biến độ mặn tại vị trí này để có phương án vận hành khai thác theo quy định tại Mục a, b, Khoản 2, Điều 15 Quyết định số 1865/2019/QĐ-TTg nhằm đảm bảo cấp nước an toàn. Những thời điểm độ mặn nằm trong khoảng 200÷1000mg/l (0,2‰ ÷1,0‰) xem xét điều chỉnh giảm lưu lượng lấy qua cửa lấy nước của nhà máy và thực hiện lấy nước sông Vu Gia tối đa có thể từ trạm bơm nước tại đập dâng An Trạch theo quy định.

Đối với các nhà máy thủy điện, các chủ hồ vận hành các hồ tuân theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1865/2019/QĐ-TTg và Điều 28 Luật Thủy lợi nhằm hỗ trợ công tác phòng chống hạn hán xâm nhập mặn vùng hạ du. Trong quá trình vận hành cần có sự phối hợp vận hành giữa các nhà máy thủy điện có liên quan để đưa mực nước về Phụ lục III trong QTVH 1865/2019/QĐ-TTg.

Ngoài ra, các cơ quan liên quan cần liên tục cập nhật, thông tin thường xuyên về tình hình xâm nhập mặn và chất lượng nước để chủ động điều chỉnh các giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả; hướng dẫn thực hiện các biện pháp giảm mặn, tưới tiết kiệm. Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung-Tây Nguyên sẽ quan trắc thường xuyên và đưa ra những khuyến cáo kịp thời nhằm có phương án ứng phó trong trường hợp cần thiết.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.