Theo Tổ công tác tiền phương của Bộ Công thương, nhìn chung, nguồn cung hàng hóa tại các địa phương đáp ứng đủ nhu cầu của người, không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc mua gom hàng hóa để tích trữ. Giá cả một số loại hàng hóa thiết yếu như: gạo, mì gói các loại, đường cát, khẩu trang, nước rửa tay khô, cồn 70o, 90o; găng tay y tế,… tương đối ổn định.
Tổ công tác đã có ý kiến khuyến khích các địa phương học tập kinh nghiệp của các tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương để làm công tác xúc tiến thương mại thông qua các sàn thương mại điện tử, đồng thời tăng cường truyền thông cho nông sản của địa phương. Về lâu dài, cần xây dựng các phương án tiêu thụ ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh để chủ động trong việc tiêu thụ nông sản.
Lác đác có hiện tượng "cháy" mặt hàng mì gói, song về cơ bản các tỉnh phía Nam đang đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Cụ thể như sau:
Thành phố Hồ Chí Minh: Hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi dồi dào, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả ổn định. Các siêu thị cũng tăng thời gian bán hàng, nhận đặt hàng qua điện thoại và giao tận nhà. Lượng hàng hóa tại các quầy thực phẩm chế biến sẵn để phục vụ người dân mua về sử dụng trực tiếp được tăng cường.
Bên cạnh đó, nhiều xe bán hàng lưu động được các siêu thị tổ chức để phục vụ người dân tại các khu vực phong tỏa, đồng thời áp dụng quy định mua giới hạn đối với một số loại hàng hóa được bình ổn giá để ngăn tình trạng người mua số lượng lớn để ra ngoài bán lại.
Tỉnh Bình Thuận: Do tâm lý lo ngại việc đến nơi tập trung đông người sẽ dễ bị lây nhiễm và lo sợ khu vực sinh sống bị phong tỏa nên người dân tăng mua tích trữ hàng hóa hơn so với hôm qua. Sức mua tăng đột biến, đặc biệt là tại các địa bàn xuất hiện các ca nhiễm và nghi nhiễm mới trong ngày như thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, các huyện Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc.
Giá một số mặt hàng tăng hơn so với ngày 18/7/2021 (gà công nghiệp tăng 10.000đ/kg; gà ta tăng 20.000đ/kg; cá lóc, cá điêu hồng tăng 5.000đ/kg; trứng tăng 5.000đ/chục; rau củ quả tăng 10.000-15.000đ/kg).
Nếu so với ngày 01/7/2021, hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống đều tăng cao (thịt heo, thịt bò tăng 7-12%; gà công nghiệp tăng 11%; gà ta tăng 17%; cá lóc, cá điêu hồng tăng 8%; trứng tăng 43-80%; rau củ quả tăng 50%; sả gừng tăng 50%). Riêng mặt hàng trứng gà, trứng vịt, gừng, dù giá tăng cao nhưng vẫn khá khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Tỉnh Bình Dương: Một số mặt hàng rau củ quả giảm giá từ 2.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh (tuỳ loại). Khoảng 21 giờ ngày 18/7/2021, đa số các cửa hàng, siêu thị tiện ích, Bách Hóa Xanh đã hết hàng, đến sáng nay hàng hóa được nhập về đảm bảo cung ứng thị trường. Tỉnh Bình Dương có 105 chợ truyền thống, đã đóng cửa 20 chợ. Tỉnh đang xem xét phun khử trùng và test covid để có phương án mở lại các chợ này.
Tỉnh Tiền Giang: Một vài Cửa hàng tạp hóa trên địa bàn huyện Tân Phước đã hết mặt hàng mì gói bán ra, do nguồn cung ứng không đến được các cửa hàng, Ban Quản lý chợ đã thống kê để báo cáo về Sở Công Thương có giải pháp cung ứng.
Tỉnh Hậu Giang: Mặt hàng mì Hảo Hảo, tại một số chợ truyền thống hiện đang hết do nguồn hàng bổ sung chậm.
Tỉnh Bạc Liêu: Chợ truyền thống và các siêu thị mở cửa bán bình thường, nguồn cung hàng hoá đầy đủ.
TP Cần Thơ: Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ chưa cho mở lại chợ truyền thống, tuy nhiên đến hôm nay UBND TP Cần Thơ đã cho mở 4 chợ tạm để cung ứng thực phẩm, rau củ quả cho người dân cụ thể: quận Ninh Kiều 02 chợ, quận Bình Thuỷ 01 chợ và huyện Phong Điền 01 chợ. Tình hình hàng hoá thiết yếu phục vụ cho người dân trên địa bàn TP Cần Thơ đến chiều nay nhìn chung đã ổn định, sức mua trong dân đã giảm nhiều.
Tỉnh Bình Phước: Hiện nay các chợ truyền thống đang đóng cửa. UBND tỉnh Bình Phước cho mở chợ tạm tại Thành phố Đồng Xoài. Các siêu thị, cửa hàng Bách hoá xanh vẫn mở cửa phục vụ người dân, nguồn hàng cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân.
Các tỉnh miền Nam khác: Chiều 18/7, người dân tăng mua hàng tại các chợ truyền thống, siêu thị. Tuy nhiên đến sáng 19/7, tình hình tiêu thụ hàng hóa tại các chợ truyền thống hoạt động bình thường trở lại, sức mua giảm nhiều so với các ngày trước, lượng hàng hóa đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng. Tại các siêu thị, sức mua và lượng hàng hóa tiêu thụ trưa 18/7 đến chiều tăng mạnh, đến ngày 19/7, sức mua và lượng hàng hóa tiêu thụ giảm, nguồn cung trong siêu thị bảo đảm.