| Hotline: 0983.970.780

Rừng FSC xóa tập quán ‘ăn xổi’

Thứ Ba 12/03/2024 , 09:15 (GMT+7)

Hà Tĩnh Hơn 1.800 hộ dân ở huyện Hương Sơn nay đã có thể làm giàu từ rừng. Họ đã thay đổi tập quán ‘ăn xổi’ bằng việc nuôi cây thành rừng gỗ lớn.

Khai thác đa giá trị từ rừng

Sau gần 10 năm thực hiện chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ, hơn 314 nghìn ha rừng của tỉnh Hà Tĩnh được ngành Lâm nghiệp, chính quyền các địa phương bảo vệ nghiêm ngặt, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng bình quân hàng năm tăng lên đạt gần 53%. Kể từ đó đến nay, kinh tế lâm nghiệp của hàng nghìn hộ dân sống gần rừng ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên hoàn toàn nhìn vào rừng trồng, chủ yếu là cây keo.

Hiệu quả tích cực từ trồng rừng gỗ lớn đã thu hút người dân Hà Tĩnh đăng ký tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC tăng lên chóng mặt. Ảnh: Thanh Nga.

Hiệu quả tích cực từ trồng rừng gỗ lớn đã thu hút người dân Hà Tĩnh đăng ký tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC tăng lên chóng mặt. Ảnh: Thanh Nga.

Nhằm góp phần thay đổi tập quán “ăn xổi”, khai thác keo non của một bộ phận người dân, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích bà con tham gia phát triển rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC của châu Âu. Đơn vị tiên phong thực hiện “cuộc cách mạng” này là Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim, huyện Hương Sơn.

Năm 2017, sau khi kiện toàn xong bộ máy tổ chức, Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim bắt tay tập huấn cho hàng trăm hộ dân 3 xã Sơn Kim 1, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng về tầm quan trọng của việc quản lý rừng bền vững. Kết quả, cuối năm 2018, những đồi keo xanh mơn mởn, đường kính từ 70 - 80cm trên dãy Trường Sơn thuộc các xã Sơn Hồng, Sơn Lĩnh được Tổ chức chứng nhận GFA cấp chứng chỉ rừng FSC.

Ông Võ Văn Biển, Giám đốc Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim cho hay, sau 5 năm thực hiện, hiệu quả của rừng FSC thì không phải bàn cãi nữa. Số lượng hộ dân, quy mô diện tích đăng ký tham gia phát triển rừng bền vững của Liên hiệp HTX tăng lên không ngừng.

“Để nối chứng chỉ bền vững, chúng tôi đã làm hồ sơ đề nghị đánh giá lại diện tích hơn 4.000ha hết hạn vào ngày 1/4/2024 và đánh giá mới gần 3.000ha rừng của 12 xã trên địa bàn huyện.

Điểm mới trong đợt đề nghị lần này là chúng tôi đưa vào một số diện tích rừng tự nhiên quản lý bền vững để tiến tới khai thác tín chỉ các bon, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân sống gần rừng”, ông Biển nói.

Trước đó, năm 2020, để có kinh phí mở rộng vùng nguyên liệu, Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim quyết định nâng quy mô đạt 10 HTX và 2 tổ hợp tác ở 11 xã, thị trấn gồm: Sơn Kim 2, Sơn Hồng, Quang Diệm, Sơn Trường, Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Tây, Sơn Kim 1, Sơn Lĩnh, Sơn Hàm và thị trấn Tây Sơn. Đồng thời, hợp tác với Nhà máy VBE Hà Tĩnh cung ứng nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến sâu cho nhà máy này.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Liên hiệp HTX, để phát triển vùng nguyên liệu rừng FSC, đầu tiên phải kéo được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn xóm cùng vào cuộc. Cán bộ phải hiểu tường tận thế nào là quản lý rừng bền vững, thế nào là chứng chỉ rừng FSC thì mới truyên truyền, vận động được người dân tham gia. Đặc biệt, phải cho người dân thấy được hiệu quả của việc tham gia quản lý rừng bền vững hơn hẳn sản xuất truyền thống, lúc đó bà con sẽ tự nguyện đăng ký.

Ngoài rừng trồng, nhiều diện tích rừng tự nhiên cũng nằm trong kế hoạch tham gia chứng chỉ FSC. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài rừng trồng, nhiều diện tích rừng tự nhiên cũng nằm trong kế hoạch tham gia chứng chỉ FSC. Ảnh: Thanh Nga.

Tham gia phát triển rừng FSC trước Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim, từ năm 2012 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn đăng ký bảo vệ, phát triển rừng FSC trên toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hơn 19.800ha do đơn vị quản lý. Đến năm 2014, 100% diện tích trên được Tổ chức chứng nhận GFA cấp chứng chỉ FSC.

Hiện nay, việc phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC đang mở ra nhiều tiềm năng trong việc thương mại hóa tín chỉ các bon. Riêng diện tích rừng do Công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn quản lý, theo tính toán, ước tính mỗi năm trữ lượng cô lập và lưu giữ các bon đạt khoảng 150 nghìn tấn, nếu bán với giá thấp nhất 5 USD/tấn, chủ rừng có thể thu về khoảng 18 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn phục vụ cho việc tái bảo vệ, phát triển rừng ngày càng bền vững hơn.

Phấn đấu mỗi năm mở rộng 3.000 - 5.000ha được cấp chứng chỉ FSC

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho rằng, phát triển rừng bền vững là cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, địa phương rất quan tâm chỉ đạo đối với nội dung này. Theo đó, huyện đã và đang kiện toàn lại Ban chỉ đạo chứng chỉ rừng bền vững từ cấp huyện đến xã để điều hành, hướng dẫn người dân thực hiện. Đồng thời, lồng ghép chính sách của tỉnh, huyện hỗ trợ thêm trong liên kết doanh nghiệp thu mua sản phẩm rừng FSC cho người dân.

Ông Nguyễn Kiều Hưng: “Hương Sơn đặt mục tiêu từ nay đến 2030 phấn đấu mỗi năm mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC thêm 3.000 - 5.000ha”. 

“Từ 2019 đến nay, trên địa bàn có hơn 23.900ha được cấp chứng chỉ FSC, trong đó, 19.900ha rừng tự nhiên và hơn 4.000ha rừng trồng tại 11 xã, với sự tham gia của hơn 1.800 hộ dân. Sau khi được cấp chứng chỉ, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, khai thác đa giá trị từ rừng tốt hơn rất nhiều”, ông Hưng nhấn mạnh.

Theo ông, những diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC phải trải qua quy trình đánh giá rất chặt chẽ, độc lập của tổ chức quốc tế. Quá trình chăm sóc, thu hoạch lâm sản phải đảm bảo duy trì tính đa dạng sinh học, có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho môi trường, giảm thiểu tình trạng khai thác gỗ từ phá rừng; đồng thời giúp người dân liên kết với các doanh nghiệp bền vững, lâu dài trong tiêu thụ sản phẩm.

Rừng được cấp chứng chỉ FSC cũng đồng nghĩa diện tích này đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, xã hội và kinh tế, sẽ là tiền đề, điều kiện cần thiết để bán tín chỉ các bon trong tương lai.

Tổ chức quốc tế đánh giá chứng chỉ rừng FSC tại Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim. Ảnh: Thanh Nga.

Tổ chức quốc tế đánh giá chứng chỉ rừng FSC tại Liên hiệp HTX Chứng chỉ rừng Tây Kim. Ảnh: Thanh Nga.

Bê cạnh đó, so sánh hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội thì gỗ rừng FSC có giá cao hơn trên thị trường, nhiều công ty thu mua xuất sang các nước phát triển; giúp duy trì sức khỏe đất đai, giảm nguy cơ mất mùa, tăng cường khả năng sản xuất trong tương lai.

Hơn nữa, chứng chỉ này cũng yêu cầu bảo vệ quyền lợi cộng đồng địa phương bao gồm quyền sử dụng đất, nguồn lợi từ tự nhiên, sự tham gia của cộng đồng trong quá trình quản lý, từ đó tạo ra môi trường có lợi cho sự tương tác tích cực đối với xã hội trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phát triển rừng hiệu quả.

Phải khẳng định rằng, việc chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn là xu hướng tất yếu trong thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận những chính sách về lâm nghiệp; nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gỗ theo chuỗi giá trị gỗ rừng trồng; khuyến khích người dân sử dụng giống có nguồn gốc, chất lượng để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng; đồng thời củng cố các HTX lâm nghiệp theo hướng bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 37 nghìn ha rừng trên địa bàn toàn tỉnh được cấp chứng chỉ FSC.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.