Hất đổ máu đào chỉ vì tranh đất
Khi đất đai tăng giá, quyền lợi trực tiếp của người dân bị động tới, đó cũng la lúc nhiều vấn đề dần lộ ra tại Hải Phòng, nhiều người, chỉ sau vài tháng là có thể thành tỷ phú nhờ đất tăng giá.
Trước lợi ích, những người nhiều đất tranh thủ bán và kiếm được số tiền lớn, về cơ bản người dân địa phương được lợi nhưng cũng từ đó những bật cập dần xuất hiện, mâu thuẫn gia đình ở một số nơi đã xảy ra, mất tình làng, nghĩa xóm và thậm chí là án mạng.
Đến nay người dân đất Cảng vẫn còn nhớ rõ vụ ba anh em trai đã dùng hung khí đâm trọng thương vợ chồng người cô ruột và em chồng cô ruột tại xã An Thọ, huyện An Lão vì mâu thuẫn trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai.
Đó là trường hợp Mai Văn Cường, sinh năm 1994, Mai Văn Phú, sinh năm 1995 và Mai Văn Thắng, sinh năm 1996, cùng trú tại thôn Trung Thanh Lang 1, xã An Thái, huyện An Lão tìm đến nhà cô ruột là bà Mai Thị Thu D., sinh năm 1983, trú tại thôn Trần Thành, xã An Thọ để nói chuyện về việc giải quyết tranh chấp đất đai trong gia đình.
Kết quả là bà Mai Thị Thu D. cùng chồng là Nguyễn Đức N., sinh năm 1968 và em chồng là Nguyễn Đức H., sinh năm 1973 bị thương phải đi viện điều trị.
Vì đất đai, trước đó không lâu, tại huyện An Dương, một nhóm người mang theo máy xúc đập tường quây của một hộ dân, giữa hai bên xảy ra xô xát khiến một người chết. Đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Quyết, 35 tuổi, trú phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, cùng hơn chục người khác mang theo máy xúc và gậy đến nhà ông Lưu Văn Điệp, 55 tuổi, ở xóm 2 thôn Khinh Dao, xã Tân Tiến, huyện An Dương.
Khi chiếc máy xúc của nhóm ông Quyết đập đổ một mảng tường bao, 2 bên đã xảy ra xô xát, con trai ông Điệp là Lưu Văn Duy mang dao lao vào tấn công nhóm của Quyết, còn nhóm của Quyết dùng gậy và hung khí tấn công lại nhóm ông Điệp, khiến 1 người tử vong trên đường đi cấp cứu.
Cũng vì tranh chấp đất đai, ngày 7.3, tại ngõ Đặng Kim Nở, phường Cát Dài, quận Lê Chân, bà T.T.H, 53 tuổi, ngụ gác 2 nhà số 35 ngõ Đặng Kim Nở bị cháu (ngụ cùng địa chỉ) dùng dao bầu đâm hàng chục nhát vào người và tử vong ngay tại chỗ.
Sau khi hung thủ ra đầu thú, qua lời khai, cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân do mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai. Hung thủ trước lúc gây án là người sống hòa đồng, được lòng hàng xóm và chưa có tiền án tiền sử.
Chính quyền căng thẳng
Gặp PV vào cuối buổi trưa sau 2 cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thùy – Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cười xòa nói “Anh thấy làm Chủ tịch xã khổ chưa, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vốn đã nhiều việc, gần đây sốt đất xảy ra khiến nhiều việc nảy sinh, chúng tôi gần như còn thời gian nghỉ ngơi”.
Theo ông Thùy, là xã ven đô, được lựa chọn xây dựng nông thôn mới, hơn nữa theo quy hoạch, đến năm 2025 sẽ trở thành phường nên đất đai tại xã Đồng Thái, huyện An Dương cũng tăng giá không kém bất cứ nơi nào tại Hải Phòng.
Việc giá đất tại đại phương tăng nhiều lần so với trước đây, ngoài mặt tích cực là nhân dân địa phương có lợi thì hệ lụy đi theo ngày càng nhiều, việc xây dựng nông thôn mới cũng bị ảnh hưởng.
“Trước đây vận động hiến đất đai phục vụ nông thôn mới đã khó thì nay càng khó khăn hơn, nhất là khi tình trạng sốt đất xảy ra. Tất cả lãnh đạo, cán bộ xã đều làm việc gần như không có ngày nghỉ, dùng đủ mọi kênh, mối quan hệ để vận động người dân hiến đất làm đường nhưng với giá đất cao như vậy, việc vận động của chúng tôi chưa bao giờ vất vả như lúc này”, ông Thùy bộc bạch.
Cũng theo ông Thùy, ngoài vấn đề nói trên, từ khi đất đai tăng giá, đơn từ người dân gửi lên nhiều hơn bình thường, các vụ việc tranh chấp đất đai tăng cao, tình nghĩa làng xóm đôi lúc đi xuống, nội bộ một số gia đình bất hòa vì liên quan đến tranh giành quyền lợi.
Đơn cử như mới đây, dư luận tại Hải Phòng được phen tẽn tò khi xảy ra việc 2 anh em tại xã Nam Sơn, huyện An Dương dùng gạch chia đôi đường đi do mâu thuẫn mà nguyên nhân sâu xa cũng vì đất đai mà ra.
Sự việc sau đó được chính quyền xã Nam Sơn ngay lập tức xử lý tuy nhiên đã phần nào phản ánh thực trạng những bất hòa tiềm ẩn tại các làng quê liên quan đến đất đai, khi tài sản này có giá.
Những vấn đề này ít nhiều khiến chính quyền địa phương đau đầu và lúng túng không biết xử lý thế nào cho hợp tình hợp lý. Có những cán bộ, lãnh đạo sợ dư luận đến mức số người lạ gọi không dám nghe máy, nhắn tin không trả lời.
Làm tất cả vì đất
Tiếp tục tìm hiểu, hầu như lãnh đạo các địa phương đều khẳng định việc sốt đất tại các làng quê chưa ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh chính trị, tuy nhiên xâu chuỗi lại chúng tôi không khỏi bàng hoàng với những gì mắt thấy tai nghe. Đúng có, sai có và vô lý cũng có,… tất cả đều vì lòng tham trước lợi ích quá lớn.
“Đơn từ chúng tôi nhận được nhiều lắm rồi, chính quyền đã giải quyết nhưng họ cứ phô tô ra rồi gửi đi khắp nơi, có người gửi đơn lên cả Trung ương, sẵn sàng làm mọi cách để có thêm đất tái định cư. Tuy nhiên, vì họ làm những điều pháp luật không cấm nên chính quyền địa phương khá đau đầu để hài hòa”, 1 cán bộ Trung tâm quỹ đất huyện Thủy Nguyên tên H., chia sẻ.
Theo vị cán bộ này, có những nơi trước đây đất đai “cho không ai lấy, tặng không ai nhận” và nhiều hộ dân sinh sống tại đây tuyệt nhiên không có giấy tờ mua bán hay chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vậy nhưng từ khi có dự án của TP Hải Phòng đi qua, giá đất tại đây đã lên đến vài chục triệu/1m2, nhiều hộ bỗng dưng có tiền tỷ trong tay và trở thành đại gia, có nhà cao cửa rộng, có vốn tích lũy.
“Lợi ích quá lớn mà phía người dân cũng nghĩ đủ chiêu trò để hòng được lợi, ví dụ như con cái đi làm ăn đã lâu năm, thậm chí đã ở nước ngoài nay bỗng dưng trở về để có đất tái định cư. Vừa qua có những hộ ngoài việc đền bù tiền tỷ, sau khi nhận các lô đất tái định cư họ bán đi kiếm được 5-6 tỷ/1 lô nhưng sau đó lại đòi nhà nước cấp thêm lô đất tái định cư nữa”, ông H cho biết.
Theo tìm hiểu của PV tại một số xã ở huyện Thủy Nguyên, tuy chưa rõ ràng nhưng cũng đã có dấu hiệu như những gì vị cán bộ tên H., đã chỉ ra. Như tại xã Dương Quan, nơi đang có dự án lớn đi qua, chia sẻ với PV, có những hộ yêu cầu chính quyền phải tính cả nghìn m2 đất của gia đình họ đang sử dụng là đất ở hoặc phải được bố trí thêm các suất đất tái định cư thì mới đồng ý bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
Có những gia đình "bỗng dưng" ly hôn, hoặc có những cuộc hôn nhân vội vàng kèm theo đó là yêu sách cần bố trí thêm suất đất tái định cư. Trong trường hợp nếu không được đáp ứng thì đơn thư tiếp tục được rải đi khắp nơi, trong đó có những đòi hỏi chính đáng nhưng cũng không ít lá đơn vô lí được gửi từ những người đã nhận tiền đền bù hoặc những người sống tại địa phương nhưng không thuộc đối tượng được hưởng quyền lợi.
Liên quan đến vấn đề này, tiếp tục tìm hiểu, hầu khắp các làng quê tại Hải Phòng người dân sẵn sàng bất chấp pháp luật để xâm lấn đất nông nghiệp, lấn kênh mương làm đường để bán đất hoặc thậm chí thuê đất hành lang đê điều để xây dựng công trình trái phép hoặc đón đầu quy hoạch, chờ cơ hội hợp thức hóa thành đất ở.