Len lỏi giữa Sài Thành hoa lệ, có những dòng kênh đen ngòm, bốc mùi ô nhiễm bởi nó chứa đủ thứ rác trên đời, chỉ cần nhúng một chân xuống thôi, đã rùng mình. Vậy mà, vẫn có những người ngày ngày phải ngâm mình dưới dòng nước đặc quánh ấy, từ hàng chục năm nay, để mưu sinh.
>> Nghề giũ bụi
THÂN CÒ LẶN LỘI
Trưa tháng 6, trong cái nắng gay gắt, chúng tôi tìm đến KP.2, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM, len lỏi trong những con hẻm chật chội, ra khu vực ven kênh Ba Bò. Nơi đây có một xóm nghèo chuyên sống bằng nghề lượm ve chai dưới kênh. Xóm nghèo vắng hoe. Tìm mãi mới thấy một căn nhà nhỏ xíu đang mở cửa, tôi tấp vào hỏi thăm.
Một cụ bà ước chừng 70 tuổi đang đưa võng ru cháu ngủ, ngoái ra đáp: “Giờ này người ta đi nhặt ve chai ngoài kênh ấy, chứ ở nhà lấy gì bỏ vào mồm”. “Đường nào ra bờ kênh thế cụ?”, nghe tôi hỏi, bà cụ chỉ tay ra sau nhà, đáp gọn lỏn: “Kênh ngoài này. Đường nào ra cũng được”.
Lần theo con đường đất nhỏ, tôi đi theo hướng bà cụ vừa chỉ. Chừng vài chục bước chân đã thấy kênh Ba Bò. Lác đác vài người phụ nữ trong bộ đồ công nhân, nón lá, khẩu trang che kín mặt, vai đeo bao tải, tay cầm móc sắt, đang lầm lũi bước dọc bờ kênh, đôi mắt dán xuống bãi bùn lầy đen ngòm.
Một phụ nữ có thân hình gầy gò, thấp bé, đang ngồi bệt dưới đất, bên cạnh là chiếc bao tải khá to, căng phồng. Có lẽ, do trời nắng nóng, bao ve chai gần đầy khiến lưng áo chị ướt đẫm mồ hôi. Tôi tiến lại bắt chuyện và biết chị tên Nguyễn Thị Thu, 40 tuổi, quê ở Thanh Hóa.
Người phụ nữ vớt ve chai trên sông Sài Gòn
“Ở quê không có đất sản xuất, cũng chẳng có nghề gì nên năm 2005, vợ chồng tôi dắt 2 con lưu lạc vào Bình Dương, những mong kiếm một chỗ làm ổn định để lo cho 2 con ăn học. Nhưng rồi tai họa ập đến khi chồng tôi chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo.
Hồi mới vào, vợ chồng tôi làm công nhân ở Bình Dương, thu nhập không cao nhưng tằn tiện cũng tạm ổn. Đến khi chồng tôi bệnh, tôi cứ phải xin nghỉ làm để chăm sóc. Riết rồi họ giải quyết cho tôi nghỉ luôn. Cuối cùng, tôi đành chọn nghề đi lượm ve chai”, chị Thu kể.
“Nhặt ve chai thu nhập có khá không chị?”, tôi hỏi. “Thất thường lắm. Bình thường cũng kiếm hơn trăm. Cũng có khi kiếm được vài trăm. Vô chừng lắm”, chị đáp. “May mắn là cả 2 đứa nhỏ đều ngoan. Thằng lớn giờ cũng phụ mẹ đi làm được rồi, chỉ còn phải lo cho em nó thôi. Buồn nhất là không có điều kiện lo cho con ăn học đàng hoàng”, đôi mắt rơm rớm, chị Thu nói tiếp.
Cậu con trai lớn của chị đã phải bỏ học giữa chừng để phụ mẹ kiếm tiền. Cũng theo chị Thu, trong khu xóm chị ở, mọi người đều kiếm sống bằng nghề lượm ve chai, trong đó có gần 2 chục người chuyên “móc bọc” dưới kênh Ba Bò.
Tiếp tục hành trình, tôi đến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, con kênh ô nhiễm nặng không thua kênh Ba Bò bao nhiêu. Cái sự ô nhiễm ấy dù đã khiến cả triệu người khổ sở, nhưng lại giúp hàng chục người khác mưu sinh hằng ngày, từ bao năm nay.
Ông Hoàng đang mò ve chai dưới kênh Tân Hóa - Lò Gốm
"Biết là cực khổ, nhưng gia đình tui tính cả thằng con trai thì đã 3 đời làm nghề này rồi. Giờ mà bỏ chẳng biết làm gì, có nước đi ăn mày”, ông Hoàng nói. |
Một trong những người “kỳ cựu” nhất trong nghề lượm ve chai ở đây là ông Hoàng, năm nay 52 tuổi. Đều đặn mỗi ngày, bất kể nắng mưa, 7 giờ sáng ông Hoàng ra khỏi nhà (ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) đạp chiếc xe ba gác cà tàng, chở theo 2 chiếc thau nhôm khá to, đến kênh để bắt đầu một ngày làm việc.
Không cố định địa điểm, cứ chỗ nào nhiều rác là ông lại mừng rỡ nhào liền xuống kênh. Ông trầm mình xuống dòng nước đen, hai tay mò mẫm, lôi lên từ dưới bùn mọi thứ. Từ lon bia, chai nhựa, chai thủy tinh, giày dép, đến dây điện, tivi hỏng, áo mưa…
MỜ MỊT TƯƠNG LAI
Ông Phan Văn Bình, 57 tuổi, cũng là một trong những người cả đời gắn với nghề vớt ve chai dọc theo sông Vàm Thuật từ Gò Vấp hướng về cầu An Lộc (Q.12). Nhưng ông Bình không lặn ngụp dưới dòng nước đen mà vớt ve chai bằng cách ngồi trên xuồng, dùng vợt. Cách này không kiếm được nhiều như lặn trực tiếp xuống nước, nhưng bù lại da thịt không phải tiếp xúc với nước bẩn, tránh được khá nhiều rủi ro.
“Không phải tui lười hay sợ nước bẩn, mà vì lúc nhỏ tui bị trúng đạn lạc vào lưng, ảnh hưởng dây thần kinh, một chân bị teo nên không thể đi lại, lội nước như người ta được”, ông Bình thanh minh.
Từ mấy chục năm nay, ông Bình vẫn đơn độc mưu sinh trên “ngôi nhà di động” là chiếc xuồng này. Chật vật mưu sinh khiến khuôn mặt ông khắc khổ, mái tóc đã bạc hết hơn nửa. Ông Bình cho biết, trung bình một ngày ông kiếm được từ 30-50 ngàn đồng.
"Hồi xưa nhiều ve chai chứ bây giờ người ta cấm vứt rác xuống sông nên kiếm ve chai cũng khó lắm. Mai mốt nhà nước nạo vét kênh, dân lượm ve chai như tụi tui hết đất sống luôn quá. Lúc đó chưa biết làm gì”, ông Bình lo lắng cho ngày mai của mình.
Thành quả sau một ngày làm việc cật lực
Nói về “tai nạn nghề nghiệp”, ông Hoàng cho biết, dưới dòng nước đen ngòm này, cái gì cũng có cả. Nhưng nguy hiểm nhất là miểng (mảnh) chai và kim chích. “Tôi làm nghề này từ nhỏ, ban đầu cũng bị miểng, kim chích đâm hoài. Có lúc dẫm miểng chai, nhiễm trùng phải nằm viện cả tuần chứ hổng chơi đâu nha. Nhưng giờ tui thuộc con kênh này như lòng bàn tay rồi nên cũng ít bị”.
Mỗi ngày, ông Hoàng thu nhập từ 150- 200 ngàn đồng từ những thứ người ta vứt xuống kênh. “Cũng đủ trang trải, mắm muối qua ngày”, ông nói. Gia đình ông Hoàng có 6 miệng ăn, trong đó, cô lớn làm công nhân, cô nhỏ phụ bán café, tạm thời tự lo. Ông phải lo ăn cho 4 người bằng số tiền ve chai.
Rời kênh Lò Gốm, tôi trở về mà lòng trĩu nặng khi nhớ lại ánh mắt, giọng nói xót xa của chị Thu ở khu vực kênh Ba Bò: “Hồi ở quê, thằng Tùng, con trai lớn của tôi là một trong những đứa học giỏi nhất làng. Chẳng có ai kèm cặp mà năm nào cũng được nhận giấy khen học sinh khá giỏi của lớp.
Nghe tin Tùng không đi học nữa, thầy cô và các bạn đến nhà rất đông để động viên cho cháu tiếp tục đến lớp. Nhưng biết gia đình quá nghèo, Tùng đành chấp nhận gác việc học sang một bên để ở nhà phụ giúp bố mẹ. Vợ chồng tôi có lỗi rất lớn với cháu vì để nó thất học”.
Khi bóng chiều đã ngả, những người nhặt rác chợt đổ dài, xiêu vẹo và mỏng manh. Họ cứ lầm lũi cắm mặt xuống mặt nước kênh đen ngòm, hôi hám. Mặc bốn bề náo nhiệt, sầm uất, xa hoa. Mặc những ánh nhìn không thiện cảm của người đời. Bởi như ông Hoàng nói: “Dù đây có là nghề mạt hạng thì cũng là lao động chân chính, đồng tiền chúng kiếm được là đồng tiền sạch. Nên chẳng có gì phải mắc cỡ”.
“Sắp tới, nhà nước sẽ cải tạo, làm sạch hết những con kênh ô nhiễm này. Chẳng bao lâu nữa, tôi và nhiều người khác sẽ không còn kiếm ăn ở đây được nữa. Lúc ấy, chưa biết sẽ làm gì kiếm sống. Nhưng, nghĩ đến lúc nhìn kênh Tân Hóa – Lò Gốm và những kênh khác trong thành phố không còn rác, cái nào cũng đẹp như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thấy cũng vui”, ông Nguyễn Văn Hoàng nói. |