| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát phát triển nóng sầu riêng, chanh leo, sản xuất theo chiều sâu

Thứ Năm 10/08/2023 , 16:07 (GMT+7)

Đó là tinh thần xuyên suốt tại hội nghị phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo bền vững tại các tỉnh phía Nam diễn ra ngày 10/8 tại thành phố Pleiku (Gia Lai).

Kiểm soát phát triển "nóng" chanh dây và sầu riêng

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đến hết năm 2022, diện tích cây ăn quả cả nước đạt 1,22 triệu ha, tổng sản lượng khoảng 13 triệu tấn, với hơn 50 chủng loại cây ăn quả nhiệt đới và á nhiệt đới.

Với khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, bên cạnh các loại cây trồng truyền thống, thời gian gần đây, sầu riêng và chanh leo đang dành được sự quan tâm đặc biệt của nông dân. Đến thời điểm hiện tại, diện tích sầu riêng cả nước đạt trên 112 ngàn ha, tăng gần 30 ngàn ha so với năm 2021, chiếm 9,2% diện tích cây ăn quả cả nước và xếp thứ ba sau xoài và chuối. Với hơn 112 ngàn ha hiện có, khoảng 55 ngàn ha sầu riêng đang cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 870 ngàn tấn mỗi năm.

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo cơ quan quản lý ngành nông nghiệp, các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu trái cây. Ảnh: Đăng Lâm.

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo cơ quan quản lý ngành nông nghiệp, các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu trái cây. Ảnh: Đăng Lâm.

Tây Nguyên là vùng có diện tích sầu riêng dẫn đầu cả nước với trên 52 ngàn ha. Trong đó tỉnh Đắk Lắk dẫn đầu với 22,5 ngàn ha, tiếp đến là vùng ĐBSCL có 33,2 ngàn ha, vùng Đông Nam bộ với 21,5 ngàn ha.

Với cây chanh leo, tuy mới chỉ phát triển chưa lâu tại Việt Nam, nhưng cũng đã khẳng định được vị thế của mình. Hiện cả nước có 9,5 ngàn ha chanh leo, sản lượng gần 190 ngàn tấn và thuộc nhóm 18 loại quả có sản lượng trên 100 ngàn tấn/năm.

Cũng như cây sầu riêng, diện tích chanh leo của nước ta chủ yếu cũng nằm ở các tỉnh Tây Nguyên với khoảng 8,2 ngàn ha. Nếu sầu riêng chủ yếu được trồng ở Đắk Lắk thì Gia Lai lại là thủ phủ của cây chanh leo với khoảng 4,5 ngàn ha. Với cây chanh leo thì ngoài diện tích, tỉnh Gia Lai cũng đang là địa phương dẫn đầu trong việc thu hút, tập trung các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, chế biến và tiêu thụ chanh leo.

Tại Gia Lai, chỉ trong một thời gian không lâu, đã có nhiều “ông lớn” đầu tư vào ngành hàng chanh leo như Doveco Gia Lai (thuộc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao) và mới đây nhất là Công ty Quicornac S.A cũng đã đặt nhà máy chế biến tại Khu công nghiệp Trà Đa (TP Pleiku).

Những vườn chanh leo trĩu quả ở Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Những vườn chanh leo trĩu quả ở Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Bên cạnh 2 đơn vị tập trung vào lĩnh vực chế biến sâu và xuất khẩu kể trên, không thể không nhắc đến một đơn vị sản xuất giống chanh leo với quy mô lớn, đang được người trồng chanh leo ở Tây Nguyên đặt trọn niềm tin, đó là Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ, với trung tâm sản xuất giống cây trồng chất lượng cao có tổng diện tích dự án 120 ngàn m2 đặt tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh (Gia Lai). Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị này đang tiến hành xây dựng nhà màng thứ 6, dự kiến cuối năm 2023 sẽ đưa vào hoạt động với tổng công suất trên 20 triệu cây giống chất lượng cao mỗi năm.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, ngành hàng cây ăn quả đã có những bước đột phá trong thời gian qua.

"Để đạt được trên 5 tỷ USD về xuất khẩu trong năm 2023, chúng ta phải xây dựng theo chuỗi giá trị. Hiện nay thị trường nhập khẩu của các nước trên thế giới đã thay đổi, buộc chúng ta cũng phải có sự thay đổi theo, nếu không sẽ tụt hậu. Chúng ta cũng cần phân tích những hạn chế của ngành hàng cây ăn quả để có những khắc phục kịp thời. Cụ thể, phải quan tâm nhiều hơn đến cây giống, chuẩn hóa quy trình chăm sóc để mang lại hiệu quả cao nhất”, ông Cường nhấn mạnh.

Vấn đề “tăng nóng” diện tích cây ăn quả, nhất là với hai loại cây sầu riêng và chanh leo cũng được Hội nghị đặc biệt quan tâm. Ông Nguyên Như Cường trăn trở: “Hiện nay, việc tăng trưởng nóng về diện tích, sản lượng, đặc biệt với cây sầu riêng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Nếu cứ tăng diện tích nóng như bây giời thì 3 - 5 năm nữa, khó có thể hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra”.

Vườn ươm giống chanh leo chất lượng cao của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ. Ảnh: Đăng Lâm.

Vườn ươm giống chanh leo chất lượng cao của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ. Ảnh: Đăng Lâm.

“Các địa phương căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế để phát triển dựa theo đề án do Bộ NN-PTNT đã ban hành nhằm có những giải pháp phát triển bền vững, căn cơ, từ việc xây dựng cây giống đạt chuẩn, đến quy trình chăm sóc, chế biến, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương cũng cần cơ cấu lại cây trồng để đa dạng hóa sản phẩm, tránh tình trạng “bỏ trứng vào 1 giỏ” dẫn đến nhiều rủi ro”, ông Nguyễn Như Cường đề nghị.

Bước tiến đáng mừng về áp dụng khoa học kỹ thuật

Để sản phẩm cây ăn quả của Việt Nam "vươn khơi", rộng đường vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU…, điều kiện tiên quyết là phải ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến, đóng gói sản phẩm…

Với cây giống, rất cần những vườn ươm cây giống có địa chỉ rõ ràng, đã được chứng nhận đầu dòng với cây giống chất lượng cao, sạch bệnh như trung tâm giống chanh leo của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ đặt tại huyện Chư Pưh.

Thời gian qua, không ít địa phương đã quan tâm đến việc bình tuyển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng sầu riêng, chanh leo nhằm phục vụ sản xuất giống. Tại tỉnh Gia Lai, tính đến giữa tháng 9/2022, Sở NN-PTNT tỉnh này đã công nhận 50 cây đầu dòng sầu riêng DONA, 100 cây đầu dòng và 14 vườn chanh leo đầu dòng.

Gia Lai cũng đã hình thành hệ thống sản xuất giống chanh leo 3 cấp trong nhà lưới tiên tiến, đảm bảo sạch bệnh với quy mô hàng triệu cây giống mỗi năm tại các đơn vị như Công ty Nafoods, Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ…

Sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên. Ảnh: Đăng Lâm.

Sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên. Ảnh: Đăng Lâm.

Bên cạnh giống, việc áp dụng cơ giới hóa trong tưới nước tiết kiệm cũng hết sức quan trọng. Công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa được ứng dụng vào sản xuất ngày càng tăng.

Với cây sầu riêng, Tiền Giang là tỉnh có khoảng 96% diện tích được áp dụng cơ giới hóa trong tưới nước. Còn với cây chanh leo, Gia Lai lại là tỉnh có gần 2.500ha được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm. Theo tính toán, việc áp dụng tưới tiết kiệm cho năng suất tăng từ 15 - 30% so với việc tưới nước truyền thống.

Việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất để xử lý phân chuồng, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, nấm Trichoderma sp., các phế phụ phẩm trong sản xuất sầu riêng giúp kiểm soát các loại nấm hại rễ cũng đã được áp dụng triệt để. Cũng tại Tiền Giang, diện tích sử dụng phân bón hữu cơ đạt trên 90% diện tích, sử dụng nấm Trichoderma sp. chiếm hơn 65%, sử dụng thuốc BVTV sinh học chiếm trên 67% diện tích sầu riêng trong vùng đề án của tỉnh.

Bên cạnh đó, kỹ thuật trồng rải vụ sầu riêng cũng đã được áp dụng phổ biến, cho hiệu quả kinh tế cao với các biện pháp canh tác như tạo khô hạn, phủ ni lông; phun hóa chất Paclobutrazol ức chế quá trình sinh trưởng. Theo ghi nhận thực tế tại vựa sầu riêng của tỉnh Tiền Giang, sầu riêng nghịch vụ cho hiệu quả kinh tế cao hơn sầu riêng chính vụ trung bình từ 1,7 - 2,3 lần.

Việc thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất đã được các địa phương quan tâm đúng mức, bước đầu có kết quả khả quan. Tại Gia Lai, có trên 2.900ha chanh leo được áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt. Cũng tại địa phương này có gần 866ha sầu riêng sản xuất được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Không chỉ áp dụng các tiến bộ khoa học trong quá trình sản xuất, các biện pháp sơ chế, bảo quản sau thu hoạch đối với quả sầu riêng cũng đang có nhiều tiến bộ vượt bậc như ứng dụng công nghệ cấp đông (nguyên trái, nguyên múi) bằng khí ni tơ lỏng, tạo thuận lợi, hiệu quả cao cho việc bảo quản, tiêu thụ.

Việc ưu tiên ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản đối với ngành hàng cây ăn quả đã được đông đảo các địa phương, các nhà khoa học đánh giá cao tại Hội nghị.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất