| Hotline: 0983.970.780

Kiểm tra sản phẩm thủy sản đánh bắt ngay tại các cảng cá

Thứ Sáu 26/08/2022 , 14:13 (GMT+7)

Kiểm tra sản phẩm thủy sản đánh bắt ngay tại các cảng cá, từ chối tất cả các sản phẩm đánh bắt vi phạm 14 hành vi khai thác vi phạm IUU

Đơn giản hóa cách làm

Từ thực tế trên, ngày 25/8, tại Bình Định, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức buổi tập huấn chuyên đề về công tác kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác, bốc dỡ tại các cảng cá phòng chống khai thác vi phạm IUU. Tham gia tập huấn có lãnh đạo, nhân viên của 26 cảng cá trong nước.

Theo ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Luật Thủy sản quy định phải kiểm tra sản phẩm thủy sản đánh bắt ngay tại các cảng cá, nhằm ngăn chặn, từ chối tất cả các sản phẩm đánh bắt vi phạm IUU liên quan đến 14 hành vi khai thác vi phạm IUU. Do đó, các cảng cá có trách nhiệm phải kiểm soát sản phẩm thủy sản đánh bắt ngay trong lúc bốc dỡ tại cảng. Nếu phát hiện tàu cá vi phạm, các cảng cá phải từ chối bốc dỡ sản phẩm, sau đó chuyển cho cơ quan quản lý xử lý theo quy định.

Empty

Ông Vũ Duyên Hải, Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, thuyết trình tại buổi tập huấn. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Hải, làm được như thế thì tất cả sản phẩm thủy sản của Việt Nam lưu thông trên thị trường, từ thị trường nội địa đến thị trường toàn cầu sẽ không tồn tại sản phẩm vi phạm khai thác IUU. Điều này có ý nghĩa sản phẩm thủy sản của Việt Nam đảm bảo khai thác bền vững, tất cả tàu cá của Việt Nam đều tuân thủ theo quy định của pháp luật, giúp nguồn lợi thủy sản được bảo vệ tốt hơn, nghề cá phát triển theo hướng bền vững.

“Chúng ta đã cam kết với thế giới là mọi sản phẩm thủy sản khai thác ở Việt Nam đều theo quy định. Khi ấy chúng ta mới nâng cao thương hiệu thủy sản Việt Nam, giá trị của thủy sản Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường toàn cầu. Do đó, việc kiểm soát sản phẩm thủy sản đánh bắt trong lúc bốc dỡ tại cảng là rất quan trọng”, ông Hải chia sẻ.

Empty

Cán bộ Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) kiểm soát thủy sản đánh bắt cập cảng. Ảnh: V.Đ.T.

Nội dung buổi tập huấn được Tổng cục Thủy sản hệ thống hóa toàn bộ các quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau, Luật Thủy sản, các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật và các Thông tư để hướng dẫn các cảng cá những cách làm đúng nhất, thuận lợi nhất và đơn giản nhất. Tại buổi tập huấn, nhiều ý kiến của đại diện các cảng cá nêu bật những khó khăn, bất cập trong thực hiện kiểm soát sản phẩm thủy sản trong lúc bốc dỡ tại cảng cá.

Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), chia sẻ: “Nếu làm đúng theo quy trình nhưng với “công nghệ giấy tờ” như hiện nay là điều bất khả thi, nhất là đối với những cảng cá mỗi ngày có đến 50-70 chiếc cập bến. Mỗi cảng cá bây giờ sở hữu đến cả đống sổ sách, giấy tờ. Đau đầu nhất là việc ghi nhật ký của các tàu cá, 1 chuyến biển có khi đánh đến 15 mẻ cá, nhiều khi họ ghi sai cả tọa độ, sản lượng, phân loài… kiểu này là “bó tay”. Nhất định là trong thời gian tới đây, ngư dân đánh bắt xa bờ cần phải áp dụng ghi nhật ký khai thác điện tử thì các cảng cá mới nhẹ việc”.

Empty

Sản phẩm thủy sản đánh bắt cập Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) được thương lái thu mua. Ảnh: V.Đ.T.

Hệ thống phải thống nhất, đồng bộ

Cũng có ý kiến cho rằng, dù đã được hướng dẫn, nhưng hiện nay các cảng cá làm mỗi nơi mỗi phách, không đồng bộ; có cảng làm “thoải mái”, có cảng làm rất căng, nhất nhất tuân thủ quy định. Dẫn tới tình trạng có tàu cá trước đó ghé vào cảng kia bốc dỡ sản phẩm rất dễ dãi, thế nhưng sau đó cập vào cảng này thì khi bốc dỡ bị kiểm soát chặt chẽ nên phát sinh chuyện phàn nàn. Tất cả các cảng cá cần phải có sự thống nhất, đồng bộ trong việc trong việc quản lý tàu cá, kiểm soát sản phẩm thủy sản đánh bắt khi bốc dỡ tại cảng.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Cảng cá Quy Nhơn, qua buổi tập huấn, cán bộ giám sát tàu vào cảng, giám sát sản lượng lên cảng của các cảng cá biết cách kiểm tra toàn bộ thủy sản đánh bắt một cách đúng nhất, đơn giản nhất để công tác kiểm soát sản phẩm thủy sản đánh bắt bốc dỡ tại cảng đạt hiệu quả cao nhất.

Empty

Chủ tàu cá cho tàu cập bến vào Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) khai báo. Ảnh: V.Đ.T.

“Hiện nay, thị trường châu Âu đang áp dụng quy định IUU đối với thủy sản Việt Nam, tháng 12/2022 tới đây thị trường Nhật Bản và thị trường Trung Quốc cũng sẽ áp dụng quy định IUU, thì ngay bây giờ chúng ta phải làm thật căng cơ thì may ra mới hội nhập được. Nếu bây giờ chúng ta chỉ làm theo yêu cầu của thị trường châu Âu thì chỉ mang tính chất đối phó, không hệ thống, sau này các thị trường khác cũng yêu cầu áp dụng IUU thì lúc đó mới quay lại kiểm tra ngay từ đầu thì đã vất vả, hồ sơ lại cũ, nếu hồ sơ không đủ thì lại không làm được. Khi ấy mình phải từ chối thì sẽ gây thất thoát rất lớn cho doanh nghiệp”, ông Vũ Duyên Hải, Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, chia sẻ.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.