| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang câu chuyện dài hơn 20 năm kiên trì xây dựng khuyến nông cơ sở

Thứ Tư 15/12/2021 , 06:30 (GMT+7)

KIÊN GIANG Hơn 20 năm triển khai Tổ Kinh tế kỹ thuật, Kiên Giang có đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở phủ kín các xã, sát cánh cùng nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Khuyến nông cơ sở phủ kín các xã

Kiên Giang là tỉnh nông nghiệp, với diện tích canh tác lớn nhất khu vực ĐBSCL, dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 144 xã, phường, thị trấn, trong đó có 116 xã được thành lập Tổ Kinh tế kỹ thuật (khuyến nông cơ sở). Bình quân mỗi xã có từ 2 đến 3 viên chức.

Hiện chỉ còn 9 xã có cán bộ khuyến nông viên hoạt động không thành lập Tổ (tập trung ở TP. Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc và Kiên Hải). Nguyên nhân do cơ cấu nông nghiệp một số xã chiếm tỷ trọng thấp (do đô thị hóa) và một số xã hải đảo còn thiếu viên chức để thành lập Tổ.

Hiện tỉnh Kiên Giang có 116 Tổ Kinh tế kỹ thuật, được bố trí phòng làm việc riêng UBND các xã, phủ kín 100% xã sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện tỉnh Kiên Giang có 116 Tổ Kinh tế kỹ thuật, được bố trí phòng làm việc riêng UBND các xã, phủ kín 100% xã sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết: “Để có được lực lượng khuyến nông cơ sở hùng hậu, phủ kín, luôn sát cánh cùng nông dân trong phát triển sản xuất là câu chuyện dài hơn 20 năm kiên trì xây dựng. Trong đó, mất 11 năm hoạt động thí điểm, đánh giá, cán bộ hoạt động theo hợp đồng, không được tăng lương”.

Ông Hiển kể, năm 2000, UBND tỉnh Kiên Giang quyết định thí điểm thành lập mô hình Tổ Kinh tế kỹ thuật, đặt trụ sở tại UBND các xã, để cùng nông dân ra đồng, chuyển giao kỹ thuật.

Sau nhiều hội nghị đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổ Kinh tế kỹ thuật tại xã, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang khẳng định đây thật sự là lực lượng rất cần thiết đối với một địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Năm 2011, UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương để đưa lực lượng cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật vào biên chế sự nghiệp, hưởng lương và các chế độ khác theo quy định.

Tổ Kinh tế kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các Chi cục có liên quan như Chăn nuôi - Thú y và Trồng trọt - Bảo vệ thực vật giao. 

Theo ông Hiển, cơ cấu mỗi Tổ Kinh tế kỹ thuật gồm có 3 nhân sự, thuộc 3 lĩnh vực chính là: Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi - Thú y và  Nuôi trồng thủy sản. Số viên chức trực tiếp làm công tác khuyến nông ở cơ sở toàn tỉnh hiện có là 279/290 viên chức, có trình độ từ đại học trở lên chiếm hơn 60%. Lực lượng này được Trung tâm Khuyến nông tỉnh trực tiếp quản lý, trả lương theo bậc, hệ số và nâng lương theo quy định.

Cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật không chỉ tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân mà còn luôn sát cánh, đồng hành cùng nông dân trong phát triển sản xuất, phòng trừ dịch hại. Ảnh: Trung Chánh.

Cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật không chỉ tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân mà còn luôn sát cánh, đồng hành cùng nông dân trong phát triển sản xuất, phòng trừ dịch hại. Ảnh: Trung Chánh.

“Nhìn chung, công tác nhân sự ở các Tổ Kinh tế kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện hơn về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu công việc được giao. Bên cạnh đó, để công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân đạt hiệu quả ngày càng cao.

Trung tâm Khuyến nông còn thường xuyên phối hợp với các viện, trường mở nhiều lớp tập huấn nâng cao theo từng chuyên đề trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản cho cán bộ kỹ thuật khuyến nông cơ sở. Từ đó, nhằm bổ sung và cập nhật kịp thời các thông tin kiến thức khoa học kỹ thuật cho đội ngũ làm công tác khuyến nông ở địa phương, phổ biến, nhân rộng ra nông dân”, ông Hiển đánh giá.

Nhờ làm tốt công tác chuyên môn, hiệu quả trong công việc mà hiện nay, đã có trên 80% cán bộ (224/279 người) của các Tổ Kinh tế kỹ thuật đã được các địa phương xem xét kết nạp Đảng. Đây cũng là kênh tạo nguồn cán bộ cho địa phương, khi đã có nhiều anh em được chính quyền xem xét bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách sản xuất, lãnh đạo Hội Nông dân, HTX nông nghiệp…

Lực lượng đa năng

Cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật là nhân sự của Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang nhưng hoạt động tại xã, tham gia sinh hoạt đoàn thể, Đảng tại xã. Hiện tại có 116/144 xã có phòng làm việc riêng tại UBND xã, số còn lại chủ yếu ghép với ban ngành xã, phường, thị trấn.

Nhìn chung, cơ sở vật chất đa số được trang bị đầy đủ cho các Tổ Kinh tế kỹ thuật hoạt động, được Trung tâm Khuyến nông cấp máy vi tính, máy in, bàn ghế làm việc, có kết nối mạng internet phục vụ việc trao đổi công việc, cập nhật thông tin và nghiên cứu ngày càng tốt hơn.

Cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Tân An, huyện Tân Hiệp hướng dẫn người dân phun xịt thuốc sát trùng phòng bệnh trên gia súc, gia cầm bệnh dịch tả heo Châu Phi bùng phát. Ảnh: Trung Chánh.

Cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Tân An, huyện Tân Hiệp hướng dẫn người dân phun xịt thuốc sát trùng phòng bệnh trên gia súc, gia cầm bệnh dịch tả heo Châu Phi bùng phát. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Văn Dũng, Trưởng Phòng Thông tin Huấn luyện và Hợp tác (Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang) cho biết, ngoài làm nhiệm vụ chuyên môn theo phân công, chỉ đạo, lực lượng Tổ Kinh tế kỹ thuật còn thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho UBND xã trong việc chỉ đạo sản xuất tại địa phương, chấp hành nghiêm những chỉ đạo của UBND xã đối với Tổ. Đối với công tác phối hợp với các đơn vị khác trong việc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương tương cũng rất tốt.

Về công tác chuyên môn, đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở thường xuyên tuyên truyền phổ biến các văn bản, chỉ thị mới về sản xuất nông nghiệp như: Tư vấn kỹ thuật; cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc, giải đáp chính sách về khuyến nông; vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu giống, thời vụ gieo sạ và thả giống theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp đưa ra, ứng phó với điều kiện bất thường của thời tiết...

Cán bộ khuyến nông cơ sở có nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật mới, hướng dẫn nông dân áp dụng vào sản xuất mang lại kết quả thiết thực. Ảnh: Trung Chánh.

Cán bộ khuyến nông cơ sở có nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật mới, hướng dẫn nông dân áp dụng vào sản xuất mang lại kết quả thiết thực. Ảnh: Trung Chánh.

Ngoài công tác chuyên môn, các cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật còn tham gia rất nhiều hoạt động khác tại địa phương như phối hợp với các ngành chuyên môn thú y làm công tác tiêm phòng, bảo vệ thực vật, nắm tình hình dịch bệnh, làm các chương trình dự án nông nghiệp, xây dựng mô hình, phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới, dạy nghề nông thôn…

“Nhìn chung công tác tập huấn cho nông dân ngày càng được củng cố, trang bị dụng cụ hỗ trợ để cải thiện chất lượng và hình thức truyền đạt, tăng hiệu quả huấn luyện và trang bị kiến thức mới cho nông dân. Cán bộ khuyến nông cơ sở có nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất mang lại kết quả thiết thực.

Các Tổ Kinh tế kỹ thuật còn thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm giao như theo dõi các điểm trình diễn mô hình khuyến nông gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cơ giới hóa …”, ông Lê Văn Dũng đánh giá.

Tổ Kinh tế kỹ thuật còn làm thêm dịch vụ cho nông dân như giới thiệu cung ứng giống, vật tư sản xuất, tư vấn phòng và trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi... Ngoài ra, Tổ Kinh tế kỹ thuật là nguồn cung cấp cán bộ cho địa phương, một số đồng chí được quy hoạch chức danh lãnh đạo xã, thị trấn và nhiều đồng chí hiện đang là Phó Chủ tịch UBND dân xã.

Đội ngũ khuyến nông cơ sở tại Kiên Giang trực tiếp 'cầm tay chỉ việc', giúp đỡ nông dân xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Đội ngũ khuyến nông cơ sở tại Kiên Giang trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, giúp đỡ nông dân xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật còn tham gia tích cực trong công tác phòng chống dịch, hỗ trợ lực lượng y tế trong truy vết, lập danh sách tiêm ngừa vacxin, phun tiêu độc khử trùng các ổ dịch. Đặc biệt, đây là lực lượng nắm rất rõ sản lượng nông sản tồn tại địa phương nên đã kết nối tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho nông dân khá tốt.

Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn, lực lượng Tổ Kinh tế kỹ thuật được nông dân tin tưởng, là chỗ dựa tin cậy về kỹ thuật trong quá trình sản xuất của nông dân. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành tại địa phương, cán bộ khuyến nông cơ sở nhiệt tình, năng nổ, chịu khó đã mang lại kết quả rất quan trọng trong quá trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh trong thời gian qua.

Cầu nối giữa chính quyền, nông dân và doanh nghiệp

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn đánh giá, qua quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương cho thấy, đội ngũ cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật trên địa bàn tỉnh là những người luôn đồng hành, sát cánh cùng với nông dân, HTX, doanh nghiệp trong chỉ đạo, liên kết sản xuất.

Xây dựng các mô hình, chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp... Lực lượng Tổ kinh tế kỹ thuật tại các xã, phường, thị trấn kịp thời nắm bắt tình hình để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ nông dân các biện pháp kỹ thuật khi cần thiết.

Đây là chiếc cầu nối giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đội ngũ khuyến nông cơ sở trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, giúp đỡ nông dân xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.