| Hotline: 0983.970.780

Gỡ thẻ vàng IUU - Mệnh lệnh vì lợi ích quốc gia

Kiên Giang 'đau đầu' với 2.500 tàu cá tự phát

Chủ Nhật 02/04/2023 , 07:47 (GMT+7)

Mặc dù đã có quyết định không cấp phép đóng mới tàu cá nhưng tỉnh Kiên Giang đã phát sinh hơn 2.500 tàu cá đóng mới, gây áp lực chống khai thác IUU.

Phát sinh hàng ngàn tàu cá đóng mới

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đã có văn bản gửi các huyện, thành phố trong tỉnh về việc rà soát tình trạng phát sinh thêm tàu cá đóng mới không đúng quy định.

Theo ông Thao, qua rà soát của ngành thủy sản, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã phát sinh hơn 2.500 tàu cá đóng mới nhưng không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã phát sinh hơn 2.500 tàu cá đóng mới nhưng không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, Ảnh: Trung Chánh.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã phát sinh hơn 2.500 tàu cá đóng mới nhưng không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, gây áp lực chống khai thác IUU. Ảnh: Trung Chánh.

Phần lớn các tàu cá đóng mới tự phát này là tàu cá nhỏ, vỏ gỗ, hoạt động khai thác vùng ven bờ. Tình trạng tự phát đóng mới tàu cá nếu chưa được giải quyết triệt để sẽ tạo sức ép rất lớn đến nguồn lợi thủy sản, gây khó khăn trong công tác quản lý. Đặc biệt là việc thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về công tác quản lý đội tàu cá, đảm bảo cân bằng giữa cường lực khai thác với hiện trạng nguồn lợi thủy sản.

Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang đã giao cho Chi cục Kiểm ngư in 5.000 thư kêu gọi lần 2 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang về hưởng ứng việc chống khai thác hải sản IUU theo Khuyến nghị của EC, gửi các đơn vị và địa phương, yêu cầu cấp phát và đóng trực tiếp lên cabin của các chủ tàu cá.

Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước, có thời điểm lên đến hơn 10.000 chiếc. Sau thời gian dài rà soát, sắp xếp lại đội tàu, số lượng đã giảm cả ngàn tàu.

Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, tổng số tàu cá đăng ký hiện nay của tỉnh là 9.177 chiếc. Trong đó, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới 12 m là 3.942 chiếc, tàu từ 12 m đến dưới 15 m là 1.544 chiếc và tàu có chiều dài từ 15 m trở lên là 3.691 chiếc.

Để quản lý tốt đội tàu cá, từ tháng 4/2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định ban hành tiêu chí đặc thù về đóng mới, thuê, mua tàu cá trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh chủ trương không cho phép đóng mới tàu cá đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời gian này, sẽ cho phép đóng mới tàu cá hoạt động vùng khơi nếu đảm bảo số lượng hạn ngạch vùng khơi được Bộ NN-PTNT giao cho tỉnh.

Đến tháng 6/2022, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành quy định về quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó giao UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch ngăn chặn phát sinh tàu cá đóng mới không theo quy định. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương các cơ sở đóng tàu vẫn hoạt động và nhiều ngư dân vẫn âm thầm đầu tư đóng mới tàu cá dù không có văn bản chấp thuận của chính quyền.  

Sở NN-PTNT yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức kiểm tra, nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng đóng mới tàu cá tự phát, không để phát sinh thêm tàu cá đóng mới trên địa bàn mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức kiểm tra, nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng đóng mới tàu cá tự phát, không để phát sinh thêm tàu cá đóng mới trên địa bàn mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Quảng Trọng Thao cho biết, nhằm quản lý tốt hoạt động khai thác thủy sản, hướng tới khai thác thủy sản bền vững, hiệu quả, Sở NN-PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ban, ngành có liên, UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát lại đội tàu. Tích cực tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đóng mới, hoán cải tàu cá cho các cơ sở đóng tàu và chủ tàu cá.

Tổ chức kiểm tra, rà soát thường xuyên, nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng đóng mới tàu cá tự phát, không để phát sinh thêm tàu cá đóng mới trên địa bàn mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá trên địa bàn, đảm bảo việc đóng mới, cải hoán tàu cá được thực hiện đúng quy định. Nếu phát hiện trường hợp tàu cá đóng mới không có văn bản chấp thuận, tiến hành lập biên bản xử lý và bắt buộc tháo dỡ.

Ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Từ đầu năm 2023 cho đến nay, Kiên Giang không có tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm khai thác IUU ở vùng biển trong nước vẫn còn xảy ra. Qua theo dõi giám sát hoạt động tàu cá từ trạm quản lý bờ đối với 3.624 tàu đã gắn thiết bị giám sát hành trình(VMS), Chi cục Thủy sản đã thực hiện 53 cuộc gọi đối với 49 tàu cá vượt ranh giới trên biển. Đã có 45 tàu cá sau khi nhận cuộc gọi đã quay về vùng biển Việt Nam hoạt động. Còn lại phát hành 4 văn bản cảnh báo đối với 4 tàu vượt ranh giới biển.

Ngoài ra, lực lượng chức năng đã thực hiện 3.406 cuộc gọi đối với 944 tàu cá mất kết nối trên biển. Theo đó, đã có 883 tàu cá bật lại thiết bị VMS kết nối trở lại với hệ thống giám sát. Đồng thời, phát hành 29 thông báo đối với 62 tàu cá mất kết nối trên biển từ 10 ngày trở lên.

Các lực lượng chức năng như Thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phối hợp mở nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên biển và đã tiến hành xử lý các phương tiện vi phạm khai thác IUU. Trong đó, lực lượng trực thuộc Sở NN-PTNT đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 16 trường hợp, với số tiền phạt 373 triệu đồng.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh điều tra xử lý 14 tàu cá. Đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 444 triệu đồng. Các đồn biên phòng xử phạt 229 triệu đồng, tịch thu 44 bộ kích điện dùng để khai thác hải sản trái phép. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 ra đã lập biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính 128 vụ/28 tàu cá, với số tiền phạt 387 triệu đồng.

Các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang gặp gỡ ngư dân, cấp phát  tờ rơi về vùng hoạt động khai thác thủy sản và Thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chung tay chống khai thác IUU.. Ảnh: Trung Chánh.

Các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang gặp gỡ ngư dân, cấp phát tờ rơi về vùng hoạt động khai thác thủy sản và Thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chung tay chống khai thác IUU. Ảnh: Trung Chánh.

Đáng lo ngại là tình trạng tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình tàu cá, gom lại gửi sang tàu khác, gửi lên bè nuôi cá ở quanh các đảo… xảy ra nhiều vụ. Nhiều chủ tàu cá, bè cá bị phạt rất nặng về lỗi này. Quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng Kiểm ngư đã phát hiện 2 thiết bị giám sát hành trình của tàu cá KG-93504-TS và KG-95741-TS để trên bè cá.

Qua đó, đã tiến hành xử phạt thuyền trưởng của 2 tàu cá này với số tiền 58 triệu đồng. Đối với chủ bè cá nhận giữ thiết bị, Chi cục Kiểm ngư đã lập biên bản trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 500 triệu đồng về hành vi che giấu chứng cứ vi phạm.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã hoàn thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ/3 tàu cá, gồm 1 tàu chở 2 thiết bị giám sát hành trình của tàu khác, 2 tàu gỡ và gửi thiết bị giám sát hành trình trên tàu này. Trong đó, đề xuất xử phạt chủ 2 tàu cá KG-94854-TS và KG-2700-TS là ông Nguyễn Hồng Em với số tiền 379,5 triệu đồng. Xử phạt ông Nguyễn Văn Hải, chủ tàu cá KG-61868-TS số tiền 65 triệu đồng.

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện tàu cá KG-93524-TS chở 21 thiết bị giám sát hành trình của các tàu các khác gom lại gửi. Theo đó, đã lập biên bản tạm giữ tàu và lập biên bản vi phạm hành chính, bàn giao cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt. Sở NN-PTNT đã tiếp nhận 21 thiết bị giám sát hành trình tàu cá này từ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bàn giao để tiến hành xử phạt các chủ tàu theo quy định.

Từ tháng 2/2023 cho đến nay, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh Kiên Giang, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh - Phó trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn, cùng các thành viên của các Sở, ngành đã đến thăm hỏi một số chủ tàu cá bị nước ngoài bắt giữ và làm việc với các địa phương. Đoàn công tác đã trao đổi, nắm thông tin về tình hình hoạt động khai thác thủy sản, đồng thời tuyên truyền, vận động hàng chục chủ tàu cá không vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Cấp phát hơn 100 tờ rơi về vùng hoạt động khai thác thủy sản và Thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chung tay chống khai thác IUU.

Xem thêm
Hải Dương thiệt hại thủy sản khoảng 600 tỷ đồng

Đoàn công tác của Cục Thủy sản phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương trực tiếp thị sát tình hình của người dân tại các điểm nuôi cá lồng thuộc địa bàn TP Chí Linh.

Chỉ rõ những bất cập trong công tác chống khai thác IUU tại Thừa Thiên - Huế

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế phải nhìn thẳng sự thật, thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, tồn tại trong thực hiện công tác chống khai thác IUU để tập trung khắc phục. 

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính minh bạch của sản phẩm thủy sản

84,6% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.

'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển' đến với Khánh Hòa

Khánh Hòa là địa phương có biển thứ 16 mà Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.