| Hotline: 0983.970.780

Gỡ thẻ vàng IUU - Mệnh lệnh vì lợi ích quốc gia

'Không rành quy định về IUU thì thà ở nhà...'

Thứ Năm 23/03/2023 , 08:00 (GMT+7)

Nhờ ngành chức năng các địa phương tăng cường tuyên truyền nên hầu hết ngư dân đã được nâng cao nhận thức về việc cần phải gỡ 'thẻ vàng' IUU để 'tự cứu mình'.

"Nghề cá nhân dân" chuyển sang nghề cá trách nhiệm

Ngư dân Đặng Hoài Vũ ở Hòn Rớ (TP. Nha Trang, Khánh Hòa), thuyền trưởng tàu cá KH 90217 TS chuyên hành nghề lưới rê đánh bắt cá ngừ sọc dưa, cá ngừ chù, cá cờ… cho biết, chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua nhiều tàu lưới cảng cập bến đều đạt sản lượng khá. Qua Tết, tàu của anh chuẩn bị 6.000 lít dầu, 600 cây đá và nhu yếu phẩm, với tổng chi phí gần 200 triệu đồng để bám biển kéo dài khoảng 20 ngày.

Empty

Đánh bắt thủy sản từng bước chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, tuân thủ các quy định. Ảnh: LK.

“Để góp phần gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC), thời gian qua, tàu của tôi đã cam kết đánh bắt thủy sản không xâm phạm vùng biển nước ngoài, chỉ khai thác tại ngư trường Trường Sa và các nhà giàn thuộc vùng biển của Việt Nam. Bên cạnh đó, tàu của tôi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và luôn bật thiết bị khi tham gia khai thác thủy sản trên biển”, ngư dân Đặng Hoài Vũ chia sẻ.

Tương tự, ngư dân Cao Văn Thơ, chủ tàu KH 96877 TS chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương có thâm niên ở Hòn Rớ (thành phố Nha Trang), cũng cho biết: "Để gỡ “thẻ vàng”, thời gian qua tàu của tôi tuân thủ các quy định về pháp luật khi tham gia khai thác trên biển. Tàu chỉ đánh bắt tại vùng biển Việt Nam, không xâm phạm vùng biển nước ngoài”.

Theo Văn phòng Đại diện thanh tra kiểm soát nghề cá tại cảng Hòn Rớ, hiện nay các ngư dân Khánh Hòa đã ý thức tốt, chấp hành các quy định về IUU. Tàu trước khi xuất bến đều khai báo cho cơ quan chức năng. Trong quá trình đánh bắt đều ghi chép, nộp nhật ký khai thác thủy sản đầy đủ.

Còn khi tàu chuẩn bị cập cảng đều thông tin, thông báo bằng kênh thông tin liên lạc cho Tổ kiểm soát tàu cá trước 1 giờ để bố trí cán bộ kiểm tra. Bên cạnh đó, qua theo dõi, hầu hết các tàu khi khai thác trên biển đều bật thiết bị giám sát hành trình và hoạt động trong vùng biển Việt Nam, không có xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Còn ở Bình Định, theo Chi cục Thủy sản tỉnh này, trong thời gian qua, nhờ tăng cường các giải pháp quản lý; kiểm soát chặt chẽ các thủ tục, giấy tờ đối với tàu cá ra vào cảng; xử lý nghiêm tàu cá vi phạm gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã giúp nhận thức ngư dân trong chấp hành Luật Thủy sản, chống khai thác IUU được nâng lên rõ rệt.

Ngư dân Nguyễn Ngọc Châu ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá vỏ thép BĐ 99169 TS, chia sẻ: “Qua các đợt tuyên truyền, tập huấn, hầu hết ngư dân đánh bắt xa bờ đều nắm bắt Luật Thủy sản, quy định IUU và cùng thực hiện. Bây giờ ngư dân Bình Định nắm rất rành về câu chuyện “thẻ vàng” thủy sản, không nắm quy định thì thà ở nhà, đừng ra biển”.

Empty

Hiện nay các ngư dân Khánh Hòa đã ý thức tốt, chấp hành các quy định về IUU. Ảnh: K.S.

Còn chủ tàu Võ Thành Trọng ở phường Đống Đa (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), thì cho biết: “Tàu của tôi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và làm thủ tục bổ sung các giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy theo quy định để được hoạt động. Mỗi lần ra vào cảng cá, tôi đều khai báo đầy đủ thủ tục, trình kiểm tra sổ danh bạ thuyền viên, các loại chứng chỉ, giấy phép”.

Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định Trần Văn Phúc nhìn nhận, hoạt động khai thác thủy sản ở tỉnh này lâu nay vẫn mang tính “nghề cá nhân dân”, giờ đã chuyển biến tích cực sang nghề cá có trách nhiệm, tuân thủ các quy định.

Điều quan trọng nhất để thực hiện công tác này là ý thức ngư dân trong chấp hành, nhất là đối với đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh. Số tàu đánh bắt hải sản vi phạm IUU giảm dần từng năm.

Nếu trong 2 năm 2018 và 2019, cả tỉnh có 41 tàu cá với 305 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị nước ngoài bắt giữ; từ năm 2020 đến nay chỉ có 27 tàu cá với 170 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

Tuyên truyền giúp thay đổi tư duy

Nhờ ý thức của ngư dân từng bước được nâng cao, nên từ năm 2019 đến nay, tỉnh Phú Yên không có tàu cá nào khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, để đạt được kết quả trên, thời gian qua tỉnh Phú Yên đã quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về chống khai thác IUU đến ngư dân và các tổ chức, cá nhân liên quan. Sở NN-PTNT và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an, Cảnh Sát biển vùng III, vùng IV có quy chế phối hợp lực lượng.

Empty

Ý thức của ngư dân đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh Bình Định ngày càng được nâng cao. Ảnh: KS.

Cùng với đó phối hợp với Cục Kiểm ngư, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị, tập huấn tuyên truyền liên quan đến quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Ngoài ra, Phú Yên còn gửi tài liệu về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương để các địa phương, đơn vị triển khai phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân.

Với những biện pháp tuyên truyền rộng rãi đến và xử phạt nghiêm minh, thời gian qua, hầu hết ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đã nhận thức được vai trò của mình để cùng với cơ quan chức năng sớm gỡ được thẻ vàng IUU.

Theo ông Lê Quang Dũng ở xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam), chủ tàu cá QNa 91039 TS, trước đây, nghề đánh bắt hải sản trên biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của cha ông truyền lại, chứ không biết về các quy định đánh bắt thủy sản trên biển. Do đó, mỗi chuyến vươn khơi ngư dân chỉ biết làm sao đánh bắt được nhiều tôm cá đầy khoang thuyền là được. Việc đánh hải sản không cần khai báo và không theo quy định như bây giờ. Hễ khu vực vùng biển nào có nhiều cá là ngư dân cho tàu dừng lại rồi thả lưới đánh bắt chứ không chú ý đến các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp.

Empty

Tỉnh Quảng Ngãi thực hiện công tác chống khai thác vi phạm IUU đi vào trọng tâm, trọng điểm theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT. Ảnh: L.K.

“Từ khi chính quyền Quảng Nam cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, vận động và ký cam kết không vi phạm biển nước ngoài, mỗi chuyến vươn khơi tôi cùng nhiều dân khác mới nhận thức và tuân thủ nghiêm các quy định về pháp luật khi đánh bắt hải sản trên biển”, ngư dân Dũng nói.

Tỉnh Quảng Ngãi thì thực hiện công tác chống khai thác vi phạm IUU đi vào trọng tâm, trọng điểm theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT để chuyển biến ý thức của ngư dân, tập trung vào những địa phương thường có tàu cá vi phạm khai thác. Quảng Ngãi xác định những tàu cá có nguy cơ cao để tập trung theo dõi với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm làm tốt công tác tuyên truyền. Đặc biệt là cơ chế phối hợp của các đơn vị với nhau như Biên phòng, quản lý cảng cũng như chính quyền địa phương.

Ngư dân Lê Văn Thuận ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), cho biết: Trước đây ngư dân thường có suy nghĩ ở đâu có cá thì đánh bắt. Do đó nhiều tàu thuyền vì mải theo đàn cá đã vô tình điều khiển tàu chạy sang vùng biển nước ngoài. Thế nhưng khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thông qua hệ thống định vị đã giúp nhiều thuyền trưởng và ngư dân biết được vị trí tàu cá hành nghề trên biển nên mọi ngư dân rất tự tin khi đánh bắt xa bờ.

Ngư dân Lê Văn Thuận: “Tôi cũng như các ngư dân trong địa phương thường xuyên được các ngành chức năng tuyên truyền, phát tờ rơi tuyên truyền về đánh bắt hải sản hợp pháp. Nhờ vậy đã giúp tôi hiểu rõ, nắm vững Luật Thủy sản và mỗi ngư dân đều có kết cam kết với cơ quan chức năng không vi phạm vùng biển nước ngoài. Cùng với đó, tôi cũng hy vọng EC sớm gỡ đối với thủy sản Việt Nam để cho giá cá trong nước tăng cao và nguồn thủy sản có đầu ra ổn định. Qua đó giúp ngư dân có nguồn thu kinh tế cao hơn”.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.