| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông không chỉ làm mô hình mà phải tạo ra chuỗi sản xuất

Thứ Năm 30/12/2021 , 19:30 (GMT+7)

KIÊN GIANG Hoạt động khuyến nông không chỉ làm mô hình, chuyển giao kỹ thuật, mà cần tổ chức sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp tăng trưởng xanh.

Đó là chỉ đạo của ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang tại Hội nghị tổng kết công tác khuyến nông tỉnh năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022, tổ chức ngày 30/12 tại TP Rạch Giá. Hội nghị có sự tham dự của lực lượng khuyến nông, phòng NN-PTNT các địa phương, các doanh nghiệp đồng hành và 25 nông dân tiêu biểu thực hiện tốt mô hình khuyến nông.

Thực hiện 23 chương trình, dự án khuyến nông

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, trong năm 2021, đơn vị đã triển khai thực hiện 23 chương trình, dự án, đề tài, với trên 58 dạng mô hình trình diễn khuyến nông. Tổng kinh phí thực hiện hơn 34,3 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí đề tài, dự án hợp tác là gần 19,3 tỷ đồng.

Cán bộ khuyến nông tỉnh Kiên Giang đang tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân trong phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Cán bộ khuyến nông tỉnh Kiên Giang đang tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân trong phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Cụ thể trên cây lúa xây dựng mô hình trên diện tích 8.425 ha, trồng trọt kết hợp với thủy sản 1.611 ha (lúa – tôm, lúa – cá, khóm – tôm), 325 ha cây ăn trái, 116 điểm chăn nuôi, 24 điểm nuôi thủy sản, 88 điểm cơ giới hóa, 3 lớp dạy nghề nông thôn… Đã tư vấn, hỗ trợ cho 15 cơ sở đạt chứng nhận nông sản phù hợp quy phạm thực hành nông nghiệp tốt với tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ đối với 5 loại nông sản lúa, khóm (dứa), tôm, sầu riêng và măng cụt. Xây dựng hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR cho 10 chuỗi sản xuất ngành hàng nông nghiệp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức nông dân có chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.

Các mô hình trên cây lúa được ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, giảm lượng gống gieo sạ, giảm vật tư đầu vào, hạ giá thành sản xuất. Điển hình là sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao bằng máy cấy, máy sạ lúa theo bụi; dự án cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và thích ứng với biến đổi khí hậu; chương trình canh tác lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm… Các mô hình đã giúp nông dân giảm lượng lúa giống xuống chỉ còn 50 - 80 kg/ha, giảm chi phí, lợi nhuận tăng thêm từ 2,7 - 4,4 triệu đồng/ha, tùy vụ.

Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng trọt như tôm – lúa, cá - lúa không chỉ giúp nông dân Kiên Giang nâng cao thu nhập mà còn thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng trọt như tôm – lúa, cá - lúa không chỉ giúp nông dân Kiên Giang nâng cao thu nhập mà còn thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trung Chánh.

Các mô hình trên rau màu như trồng dưa lê, trồng sen luân canh trên nền đất lúa theo hướng VietGAP, trồng màu trên bờ vuông tôm, trồng nấm rơm trong nhà đạt chuẩn VietGAP, trồng rau ăn lá, ăn trái trong nhà lưới theo chuẩn an toàn… Mô hình đã giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác, tận dụng được phụ phẩn nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường, tạo việc làm trong lúc nông nhàn.

Các mô hình thủy sản gồm có kết hợp với trồng trọt như tôm – lúa, cá - lúa, tôm – khóm, mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn quản lý cộng đồng, nuôi tôm càng xanh toàn đực, sản xuất tôm giảm chi phí an toàn bằng chế phẩm sinh học, nuôi cá trê trên ruộng lúa, nuôi lươn không bùn trong bể bạt bằng thức ăn công nghiệp, nuôi cá chạch lấu thương phẩm trong ao đất…

Gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm

Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, các chương trình, dự án khuyến nông mà đơn vị thực hiện luôn có sự đồng hành của các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Cụ thể trong năm 2021 có sự tham gia của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty TNHH Xuân Phương, Công ty TNHH Nguyễn Kim Cương, Công ty XNK An Giang, HTX Tân Hòa, Nhà máy thu mua lúa Xuân Thành và các thương lái.

Các chương trình, dự án khuyến nông Kiên Giang thực hiện luôn có sự đồng hành của doanh nghiệp hỗ trợ vật tư đầu vào, cơ giới hóa và bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Trung Chánh.

Các chương trình, dự án khuyến nông Kiên Giang thực hiện luôn có sự đồng hành của doanh nghiệp hỗ trợ vật tư đầu vào, cơ giới hóa và bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Trung Chánh.

Các mô hình, chương trình, dự án khuyến nông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2021 được triển khai phù hợp với đề xuất của địa phương, gắn với chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và gắn với liên kết tiêu thụ. Do đó, việc chọn hộ và ký hợp đồng với nông dân thực hiện đúng quy trình, mang lại hiệu quả kinh tế và mang đến sự hài lòng cho người sản xuất.

Các mô hình khuyến nông trên cây lúa là đã giúp người dân tăng lợi nhuận nhờ vào việc ứng dụng tốt quy trình kỹ thuật. Đối với các từ mô hình trên rau màu, lợi nhuận tăng thêm từ 14 - 21 triệu đồng/ha. Đặc biệt, đã xác định tốt đối tượng cây màu thích nghi và phù hợp với phát triển sản xuất từng địa phương, như trồng sen trên nền đất lúa tại Giang Thành, trồng dưa lê tại Vĩnh Thuận và Giang Thành.

Các mô hình chăn nuôi gia cầm tỷ lệ sống đạt cao, mang lại lợi nhuận cho các hộ chăn nuôi, đối tượng nuôi thích nghi tốt với điều kiện địa phương, góp phần tạo ra thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình trên gia súc phát triển đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện chất lượng đàn trâu, bò của tỉnh.

Hội nghị với sự tham dự của 25 nông dân tiêu biểu đã thực hiện tốt các mô hình khuyến nông trong năm 2021, được khen thưởng và doanh nghiệp tặng quà. Ảnh: Trung Chánh.

Hội nghị với sự tham dự của 25 nông dân tiêu biểu đã thực hiện tốt các mô hình khuyến nông trong năm 2021, được khen thưởng và doanh nghiệp tặng quà. Ảnh: Trung Chánh.

Nuôi trồng thủy sản kết hợp mang lại hiệu quả và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, phát huy thế mạnh vùng, hướng đến quy hoạch sản xuất hữu cơ, nâng cao giá trị nông sản. Xây dựng thương hiệu nông sản Kiên Giang trên một số sản phẩm chủ lực, như tôm hữu cơ, lúa hữu cơ, cá trê vàng và tôm càng xanh vùng U Minh Thượng.

Các mô hình thủy sản nước mặn, nước lợ phát huy thế mạnh biển đảo, tăng thu nhập cho người dân. Phong trào nuôi thủy sản lồng bè trên biển sử dụng lồng nuôi HDPE, sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn cá tạp nhằm hạn chế khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Trung Chánh.

“Nền nông nghiệp hiện nay đang chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ sản xuất hàng hóa thông thường sang sản xuất hàng hóa có trách nhiệm. Hoạt động của khuyến nông cũng phải thay đổi, không chỉ là xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật nhằm tăng năng suất, tăng sản lượng, chất lượng mà phải tổ chức sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp tăng trưởng xanh.

Hoạt động khuyến nông phải gắn với liên kết sản xuất, gắn kết sự đồng hành của doanh nghiệp với tổ chức nông dân, hộ sản xuất, cùng mua chung, bán chung, tạo ra hàng hóa lớn, phục vụ tốt tiêu dùng cũng như xuất khẩu”, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đề nghị.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.