| Hotline: 0983.970.780

Ma trận giống cây ăn quả độc, lạ

'Kinh doanh giống cây độc, lạ là vi phạm pháp luật'

Thứ Năm 02/07/2020 , 10:40 (GMT+7)

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khẳng định, những giống cây độc, lạ bán tràn lan hiện nay hoàn toàn không nằm trong danh mục được sản xuất, kinh doanh chúng là vi phạm pháp luật.

Chuối là giống bắt buộc phải khảo nghiệm Quốc gia. Trên mạng, giống chuối tím được rao bán công khai, bất chấp pháp luật. Ảnh chụp màn hình.

Chuối là giống bắt buộc phải khảo nghiệm Quốc gia. Trên mạng, giống chuối tím được rao bán công khai, bất chấp pháp luật. Ảnh chụp màn hình.

Nới đầu vào, bóp đầu ra

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp, cây ăn quả (Cục Trồng trọt) cho biết, trước đây, theo Pháp lệnh Giống cây trồng cũ, chúng ta quản lý cây giống theo dạng tiền kiểm.

Nghĩa là tất cả cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm trước khi sản xuất kinh doanh phải làm thủ tục khảo nghiệm. Sau đó phải được hội đồng của Bộ công nhận, cho tất cả các loài. Khâu quản lý đầu vào của các loại giống rất chặt chẽ.

Sau này, Luật Trồng trọt có hiệu lực, phương thức quản lý về giống lại hoàn toàn ngược lại với pháp lệnh cũ. Việc quản lý chuyển sang tập trung vào khâu hậu kiểm. Nghĩa là, đầu vào được nới rộng rồi quản lý chặt ở đầu ra. Tư tưởng này thống nhất xuyên suốt trong Luật Trồng trọt.

Theo đó, Luật Trồng trọt hiện nay quy định, ngành NN-PTNT chỉ công nhận và lưu hành giống cho 3 loài cây ăn quả chính là cam, bưởi và chuối. Với 3 loài này, khi có giống mới, bắt buộc phải trải qua các bước khảo nghiệm. Khi khảo nghiệm thành công, đạt yêu cầu, Cục Trồng trọt sẽ cấp quyết định lưu hành cho giống.

Thời gian khảo nghiệm tối thiểu là 5 năm, tối đa lên tới 8 – 10 năm. Nhưng có những cây ăn quả như cây chuối, thời gian khảo nghiệm sẽ nhanh hơn, vì hằng năm cây đều cho ra quả sau khi trồng.

Cây có thời gian khảo nghiệm lâu nhất là cao su. Sau năm thứ 7, cây cao su mới cho mủ, năm thứ 8, 9 mới đánh giá được chất lượng của giống. Riêng đối với giống khá phổ biến hiện này là cam, bưởi, thường sau thời gian khảo nghiệm 4 – 5 năm mới biết được giống thành hay bại.

Trừ 3 cây trồng kể trên, toàn bộ giống cây ăn quả khác có thể tự công bố lưu hành. Có nghĩa là, những tác giả, cơ quan có giống sẽ tự tiến hành khảo nghiệm theo quy trình khảo nghiệm Quốc gia. Nếu giống nào chưa có quy trình khảo nghiệm Quốc gia, thì sẽ áp dụng quy trình cơ sở.

Nhộn nhịp mua bán cây giống tại các cơ sở kinh doanh giống gần Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Kế Toại.

Nhộn nhịp mua bán cây giống tại các cơ sở kinh doanh giống gần Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Kế Toại.

Điều này cho thấy, quy trình công nhận và lưu hành giống hiện nay đã được đơn giản hóa, không phải thẩm định, kiểm tra. Hồ sơ với những giống này khá đơn giản, chỉ cần một phụ lục có tất cả thông tin về giống, hai là kết quả khảo nghiệm, ba là một lá đơn của tác giả/doanh nghiệp sở hữu giống.

Bộ hồ sơ này nộp lên Cục Trồng trọt, Cục không phải thẩm định thực tế mà chỉ kiểm tra về mặt giấy tờ, pháp lý. Theo quy định, sau 5 năm làm việc kể từ khi nhận hồ sơ, Cục phải có thông tin phản hồi người gửi nếu hồ sơ đẩy đủ, không sai sót.

Phương thức trả lời là đăng công khai thông tin trên website của Cục Trồng trọt. Nội dung là cho phép tác giả sở hữu giống được tự công bố lưu hành. Đây được coi gần như là bản quyền giống. Các cá nhân, tập thể nào đó muốn kinh doanh, sản xuất giống bắt buộc phải được sự đồng ý của tác giả.

Vi phạm tràn lan

Ông Mạnh cho biết, không riêng gì mít da đỏ (sản phẩm photoshop), các loại cây trồng khác, hiện nay được quảng cáo tràn lan trên mạng internet.

Có thể chỉ ra, một loạt những giống đó không hề nằm trong danh mục được sản xuất, kinh doanh như mít ruột đỏ, chanh ngón tay và rất nhiều giống độc, lạ khác. “Với những giống độc, lạ đang rao bán tràn lan hiện nay, có thể khẳng định, đây là hành vi kinh doanh bất hợp pháp”, ông Mạnh nói.   

Tràn lan địa chỉ bán giống chanh ngón tay trên các trang mạng. Ảnh chụp màn hình.

Tràn lan địa chỉ bán giống chanh ngón tay trên các trang mạng. Ảnh chụp màn hình.

Vấn đề đau đầu nhất hiện nay là tình trạng quảng cáo thái quá, thậm chí đánh lừa người mua. Người dân mua giống này nhưng sau cả mấy năm lại cho ra quả giống khác. Thiệt hại trong sản xuất là rất lớn.

Mặc dù Luật Trồng trọt nới lỏng đầu vào, nhưng về mặt nguyên tắc, cá nhân/tập thể nào muốn kinh doanh giống vẫn buộc phải có quyết định công nhân lưu hành.

Cũng theo Luật Trồng trọt, muốn kinh doanh giống nào, ở đâu bắt buộc phải đăng ký với đơn vị quản lý là Sở NN-PTNT. Nhưng thực trạng hiện nay, nhiều cá nhân không hề sản xuất giống, không có cơ sở hạ tầng. Nhưng chỉ rao bán trên mạng, khi có người đặt mua thì nhập giống khắp nơi về giao cho khách mà không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Mạnh chia sẻ, việc kinh doanh trên mạng internet hiện nay rất khó kiểm tra và xử lý do người bán không có địa chỉ, số điện thoại rõ ràng. Về Luật quy định thì vẫn phải đăng ký với Sở NN-PTNT, kể cả kinh doanh trên mạng. Nhưng trên thực tế, hầu như chưa cá nhân/tập thể nào thực hiện việc này. Mà mạnh ai nấy bán.

Vấn đề xử phạt, hiện nay vẫn áp dụng theo Nghị định 31 liên quan tới xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng. Mức phạt cho hành vi vi phạm cao nhất đối với cá nhân là 50 triệu đồng, tập thể là 100 triệu đồng.

Thậm chí, nếu vi phạm ở mức độ cao hơn như buôn bán giống giả quy mô lớn, gây thiệt hại sản xuất nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Theo ông Mạnh, giai đoạn này, Nghị định đang được sửa đổi sao cho phù hợp với Luật Trồng trọt. Tinh thần chung là sẽ tăng mức độ xử phạt hành chính nhằm nâng tính răn đe với những đối tượng vi phạm.

Ai có quyền xử phạt?

Theo ông Mạnh, rất nhiều đơn vị có chức năng kiểm tra, xử phạt với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giống cây trồng. Trong hệ thống ngành NN-PTNT, đơn vị cao nhất là Thanh tra Bộ NN-PTNT, tiếp theo là Phòng Thanh tra pháp chế của Cục Trồng trọt. Hằng năm, những đơn vị này sẽ có kế hoạch thanh tra hoặc thanh tra đột xuất theo sự vụ.

Một cửa hàng kinh doanh online trên facebook bán bưởi ruby Thái Lan với hình ảnh được chỉnh sửa, quả đỏ như máu. Thực tế bưởi ruby Thái Lan có da màu xanh, ruột đỏ. Ảnh chụp từ màn hình.

Một cửa hàng kinh doanh online trên facebook bán bưởi ruby Thái Lan với hình ảnh được chỉnh sửa, quả đỏ như máu. Thực tế bưởi ruby Thái Lan có da màu xanh, ruột đỏ. Ảnh chụp từ màn hình.

Ngoài ra, có rất nhiều đơn vị có chức năng kiểm tra, xử phạt những vi phạm này. Như thanh tra Sở NN-PTNT, Quản lý thị trường, Công an… đều có quyền xử phạt hành vi kinh doanh, sản xuất giống bất hợp pháp.

Đối với những vi phạm cụ thể, ngay cả Phòng NN-PTNT cấp huyện cũng phải có trách nhiệm phát hiện và báo cáo lên cấp chuyên môn cao hơn là Sở NN-PTNT để xử lý.

Về việc nhái thương hiệu các đơn vị uy tín, ông Mạnh cho biết, đều có chế tài xử lý hành vi này. Có thể khẳng định, đây là hành vi vi phạm trắng trợn. Ông Mạnh cho rằng, với những cơ sở bán giống vi phạm quanh khu vực Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu rau quả, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý ngành NN-PTNT sở tại.

Vị này đưa ra lời khuyên, người dân nên đến những cơ sở sản xuất giống có uy tín, có sự bảo đảm. Tuyệt đối không mua giống cây ở những cửa hàng tạm bợ hoặc bán rong trên đường. Theo quy định, trên bất kỳ cây giống nào được bán ra đều được gắn thẻ nhằm truy xuất nguồn gốc. Những cây giống không có thẻ này, chắc chắn có vấn đề, người dân không nên mua.

Siết chặt quản lý thế nào?

Khi cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi những năm gần đây phát triển nóng, yêu cầu hàng đầu của ngành NN-PTNT là phải đảm bảo chất lượng giống. Ngoài vấn đề đúng, chuẩn giống thì tiêu chí quan trọng hơn là giống đó có sạch bệnh hay không?

Nhiều giống cây trồng độc, lạ dù không nằm trong danh mục sản xuất, kinh doanh nhưng người dân vẫn tìm mua vì sự tò mò. Ảnh: Kế Toại.

Nhiều giống cây trồng độc, lạ dù không nằm trong danh mục sản xuất, kinh doanh nhưng người dân vẫn tìm mua vì sự tò mò. Ảnh: Kế Toại.

Để giải quyết những việc này, Cục Trồng trọt đã đề xuất lãnh đạo Bộ NN- PTNT ban hành phương pháp kiểm định TCVN (Tiêu chuẩn Việt Nam) đối với cây công nghiệp và cây ăn quả từ năm 2018.

Theo quy định, giống trước khi xuất vườn, bắt buộc phải có một cán bộ kỹ thuật (được đào tạo, cấp chứng chỉ kiểm định) tiến hành kiểm tra. Giống xuất đi phải đúng tên giống trong quyết định công nhận, lưu hành và đảm bảo chất lượng.

Đồng thời, cây công nghiệp, cây ăn quả phải được nhân giống từ cây đầu dòng. Đủ 3 yếu tố, lô giống đó mới có thể xuất ra khỏi vườn.

Trong giai đoạn 2017 – 2019, bộ tiêu chuẩn cây giống cũng đã được ban hành đối với 4 cây công nghiệp chính là: cà phê, hồ tiêu, cao su, chè và nhóm cây ăn quả có múi. Sắp tới, với từng loại cây sẽ có tiêu chuẩn chi tiết về cây đầu dòng, sản xuất giống, phương pháp khảo nghiệm, giá trị canh tác, giá trị sử dụng.

Trong năm 2020, Cục Trồng trọt sẽ cố gắng hoàn thiện và ban hành các bộ tiêu chuẩn này.

“Về quy định nhập khẩu, các giống cây đưa về Việt Nam buộc phải nằm trong danh mục được phép sản xuất hoặc nhập số lượng ít về phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm. Tuy nhiên, nhiều cá nhân lợi dụng việc này đưa các giống độc, lạ về dưới danh nghĩa khảo nghiệm nhưng lại nhân giống rồi bán ra thị trường. Chúng tôi đang kiến nghị xử phạt những trường hợp này thật nặng trong Nghị định sửa đổi tới đây”, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp, cây ăn quả (Cục Trồng trọt).

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.