| Hotline: 0983.970.780

Ma trận giống cây ăn quả độc, lạ

Cơ sở bán giống 'bủa vây' nhà trường, viện nghiên cứu

Thứ Tư 01/07/2020 , 08:30 (GMT+7)

Trong ma trận giống cây ăn quả, nhiều cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống uy tín bị nhái thương hiệu một cách trắng trợn. Cuối cùng, người ngay bị thua thiệt trước "kẻ gian"!

Các cơ sở kinh doanh giống cây 'bao vây' Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Kế Toại. 

Các cơ sở kinh doanh giống cây "bao vây" Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Kế Toại. 

Như nấm sau mưa

Từ rất lâu, khu vực xung quanh Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đã hình thành nhiều cơ sở bán giống cây ăn quả.

Ban đầu khá ít nhưng vài năm trở lại đây, những cơ sở này mọc lên như nấm sau mưa khi mà, thị hiếu người dân ngày càng thích săn tìm những loại cây giống độc, lạ về trồng thử.

Đi một vòng ngoài khuôn viên Học viện, nhiều người thốt lên rằng, không biết đâu mà lần. Xung quanh trường, đâu đâu cũng là cửa hàng bán giống cây ăn quả với những biển hiệu hoành tráng, bắt mắt.

Đặc biệt, dải đất trên con đường mới thuộc xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm), giáp cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, hoạt động mua bán cây giống diễn ra nhộn nhịp vô cùng. Trước mỗi cơ sở bán giống, từng đoàn ô tô, xe máy xếp hàng, bên trong người bán, kẻ mua huyên náo.

Loại nho thân gỗ được quảng cáo là cực ngon, bán vài trăm nghìn mỗi cây. Ảnh: Kế Toại.

Loại nho thân gỗ được quảng cáo là cực ngon, bán vài trăm nghìn mỗi cây. Ảnh: Kế Toại.

Điều đáng bàn, dù không nằm trên đất cũng như thuộc sở hữu của Học viện, nhưng hầu hết những cơ sở kinh doanh này đều treo biển nhái thương hiệu. Như “Học viện Nông nghiệp VN”, “Trung tâm Cây giống Học viện Nông nghiệp VN”, “Trung tâm Giống cây trồng Học viện Nông nghiệp VN”…

Trong vai người đi mua cây giống, PV Báo NNVN ghé vào một cửa hàng kinh doanh tại khu vực Đa Tốn.

Ngay từ khi bước vào, PV đã được người bán hàng đon đả mời chào. Ngỏ ý muốn mua một vài giống cây độc, lạ đem về quê trồng, người bán khẳng định, hàng lúc nào cũng sẵn có với lời cam kết chắc nịch: “Giống của học viện nhập về, lúc nào cũng đảm bảo chất lượng, nhiều người mua trồng lắm rồi”.

“Táo đỏ, nho thân gỗ, cherry, bưởi ruby, ổi ruby, chanh ngón tay này… loại gì bên em cũng có. Riêng chanh ngón tay thì bên em đang hết hàng, phải đặt mới có, 300 nghìn một cây”- người bán khẳng định, đã bán những giống cây độc, lạ này một thời gian. Và theo phản hồi của người trồng thì cây đều cho quả!

Một nhà vườn khu vực xã Đa Tốn lấy thương hiệu 'Trung tâm Cây giống Học viện nông nghiệp'. Ảnh: Kế Toại.

Một nhà vườn khu vực xã Đa Tốn lấy thương hiệu "Trung tâm Cây giống Học viện nông nghiệp". Ảnh: Kế Toại.

PV tiếp tục ghé thêm vào một cửa hàng bán giống cây khác, tại đây vẫn được nghe lời khẳng định cam kết uy tín của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. PV nói muốn mua mấy cây bưởi ruby Thái Lan và hỏi, liệu cây có trồng và ra quả được ở miền Bắc hay không? Những người bán hàng đều “chốt” luôn: “Yên tâm, kiểu gì cũng có quả, ăn ngon là đằng khác”.

Khi hỏi vặn, cây bưởi phải trồng 4 – 5 năm mới cho quả trong khi giống mới bán lấy gì khẳng định được. Người bán trả lời PV bằng một cái lườm xéo xắt: “Có mua không sao hỏi nhiều thế”?

Trong khi ngồi làm việc tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, PV gọi điện cho một trang chuyên bán giống cây độc, lạ nhái tên nhà trường theo số 033xxx9999. Một phụ nữ nghe máy khẳng định chắc nịch, cơ sở trực thuộc Học viện.

“Chanh móng tay 8 tháng là cho quả, 199 nghìn 1 cây, mua 3 cây thì miễn phí ship toàn quốc. Giống này bên em trồng thử tất cả các loại đất rồi. Khi mua số lượng 100 cây thì mới được xem giống. Cần gì anh cứ inbox đặt hàng, sẽ có người tư vấn”, người phụ nữ nói.

Đau đầu vì bị nhái thương hiệu

Ông Nguyễn Công Tiệp, Chánh văn phòng Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, chưa bao giờ nhà trường nghiên cứu và bán những giống cây độc, lạ kể trên.

Thời gian qua, Học viện rất phiền phức vì bị nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng tên tuổi, uy tín nhà trường để kinh doanh cả trên mạng lẫn bên ngoài.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam bị nhái tên tuổi một cách trắng trợn. Ảnh: Kế Toại.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam bị nhái tên tuổi một cách trắng trợn. Ảnh: Kế Toại.

“Như vừa qua, mấy trang mạng lấy tên Học viện để bán giống hoa tử đằng làm cảnh. Rất nhiều bạn bè, người quen điện cho tôi hỏi thông tin về loài cây này. Nhưng thực tế, nhà trường không sản xuất cũng không bán giống cây này. Những loại cây độc, lạ khác cũng tương tự”, ông Tiệp than phiền.

Theo ông Tiệp, Học viện thực tế chỉ có khoảng 4 – 5 đơn vị có chức năng nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng như: Trung tâm đào tạo thực nghiệm và đào tạo nghề, Viện nghiên cứu phát triển cây trồng, một số bộ môn của Khoa Nông học, Trung tâm ươm tạo công nghệ…

Với những đơn vị đang kinh doanh giống bên trong khuôn viên, theo ông Tiệp, trước đây nhà trường có một đề án nâng cao năng lực thực tập và ngành nghề cho sinh viên.

Từ đó, nhà trường phối hợp với một số cá nhân (giảng viên) xây dựng mô hình để rèn nghề cho sinh viên. Đây vừa là chỗ cho sinh viên học tập về giống, nhưng có lồng ghép thêm hoạt động kinh doanh giống cây trồng.

Giống chanh ngón tay đang được nhiều nhà vườn tại khu vực Trâu Quỳ bán với giá 300 nghìn đồng/cây. Ảnh: Kế Toại.

Giống chanh ngón tay đang được nhiều nhà vườn tại khu vực Trâu Quỳ bán với giá 300 nghìn đồng/cây. Ảnh: Kế Toại.

Về việc nhái thương hiệu, theo ông Tiệp, nhà trường đang xúc tiến việc đăng ký thương hiệu bảo hộ độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) bao gồm tên, logo và các nhãn hiệu liên quan. Khi làm xong, trường sẽ có căn cứ đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt các cá nhân, tập thể có hành vi nhái thương hiệu.

Còn những cá nhân, tập thể đang làm việc tại Học viện, nếu sử dụng thương hiệu, trước hết phải chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm do mình nghiên cứu, kinh doanh.

Đấy là chuyện tới đây, còn với hiện tại, hàng chục tài khoản, trang mạng xã hội vẫn nhởn nhơ dùng thương hiệu của Học viện Nông nghiệp VN để bán giống, lừa người tiêu dùng. Về vấn đề này, ông Tiệp cho rằng, với chức năng của nhà trường thì quá sức, gần như không thể làm gì.

Với những cửa hàng kinh doanh giống nhái thương hiệu trong khu vực, Học viện cũng nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương (UBND huyện Gia Lâm) phối hợp, thành lập đoàn liên ngành kiểm tra xử lý.

Cách đây vài năm, hai bên có kiểm tra một lần, nhưng chỉ mang tính chất nhắc nhở, răn đe, không tiến hành xử phạt. Và sau đợt kiểm tra, các cơ sở kinh doanh giống cây trồng nhái tên Học viện càng mọc lên như nấm sau mưa.

Không chỉ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngay cả đơn vị nghiên cứu là Viện Nghiêu cứu rau quả cũng bị lợi dụng tên tuổi để kinh doanh giống. TS Vũ Việt Hưng, Trưởng bộ môn Cây ăn quả của Viện chán nản kể, đã có lần ông giả làm người đi mua giống.

Người bán vẫn thao thao bất tuyệt rằng, đây là giống do Viện nghiên cứu, kinh doanh. TS Hưng thẳng thừng, tôi là người của Viện và Viện không có giống này, khi đó, người bán giống mới thôi “chém gió”.

“Học viện Nông nghiệp Việt Nam chẳng ai làm thế, cả Viện Nghiên cứu rau quả cũng vậy. Tất cả từ trên mạng cho tới cơ sở kinh doanh, họ vẫn mạo danh buôn bán đủ mọi loại giống, cực kỳ nguy hiểm”, ông Hưng thốt lên.

TS Vũ Việt Hưng cho rằng, việc người dân đổ xô mua các loại cây độc, lạ vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại sản xuất. Ảnh: Kế Toại.

TS Vũ Việt Hưng cho rằng, việc người dân đổ xô mua các loại cây độc, lạ vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại sản xuất. Ảnh: Kế Toại.

Vì sao nguy hiểm, theo ông Hưng, Học viện hay Viện nghiên cứu vốn có uy tín từ lâu. Chính vì vậy, người dân rất dễ đặt niềm tin và chọn mua các loại cây giống. Và rồi khi sản xuất những giống độc, lạ chưa hề qua kiểm tra, đánh giá, nếu có thiệt hại, khổ nhất vẫn là người nông dân.

Đồng thời, uy tín của các đơn vị bị mạo danh sẽ ảnh hưởng. Trong khi, những kẻ bán giống rởm vẫn nhởn nhơ kiếm lời trên sự đau khổ của nông dân.

Ông Hưng cho rằng, một mặt cần khuyến cáo người dân, nhưng mặt khác, cơ quan chức năng cũng phải có động thái rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, đặc biệt đối với cây ăn quả.

“Từ trước tới nay, về hành lang pháp lý luôn có đủ chế tài để xử phạt những hành vi này. Nhưng trên thực tế, hiếm khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Như cấp huyện thôi, Phòng NN-PTNT Gia Lâm cũng có chức năng quản lý giống. Cao hơn có là Sở NN-PTNT, như Viện chúng tôi, muốn đem một giống mới vào sản xuất thử ở một tỉnh khác, vẫn phải thông qua Sở NN-PTNT, nếu không thì không vào được. Nói như vậy để có thể thấy, chúng ta làm chưa nghiêm về chuyện kiểm tra, xử lý với những cơ sở kinh doanh giống trôi nổi”, ông Hưng chia sẻ.

“Cũng có người dân, tôi trực tiếp khuyến cáo không nên trồng. Thì họ nói rằng, tôi chỉ mua 2 – 3 cây về thử thôi. Ra quả cũng được, không ra quả thì thôi. Họ trả lời thế, biết nói gì nữa”, TS Vũ Việt Hưng phân trần.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.