Ngày 5/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cùng các đơn vị thuộc Bộ đã khảo sát thực tế mô hình thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phước Hảo và HTX nông nghiệp Phát Tài (huyện Châu Thành, Trà Vinh).
Các mô hình này được hỗ trợ bởi các đơn vị của Bộ NN-PTNT thông qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bao gồm 30% chi phí sạ cụm và 100% phân bón...
Tại các mô hình điểm, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, không bị sâu bệnh, trà lúa rất đẹp. Đại diện các HTX phấn khởi cho biết lúa trong Đề án phát triển tốt hơn so với lúa bên ngoài nhờ áp dụng các giải pháp canh tác tiên tiến.
Cụ thể, các thành viên HTX đã áp dụng phương pháp sạ cụm kết hợp với vùi phân và bón phân hữu cơ giúp lúa phát triển tốt. Nông dân đánh giá cao nhất việc giảm lượng giống từ 20kg xuống còn 6kg/công và quản lý nước hiệu quả.
Tuy nhiên, HTX còn gặp khó khăn do hệ thống kênh nội đồng cạn gây ngập úng khi mưa lớn và thiếu nước vào mùa khô, cùng với hạn chế về máy móc và công nghệ.
Sau khi nghe kiến nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh đưa vào chính sách hỗ trợ 1 máy cuộn rơm cho HTX nông nghiệp Phát Tài từ nguồn vốn vay Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup). Đối với HTX nông nghiệp Phước Hảo, máy gặt đập liên hợp và máy cuộn rơm sẽ được hỗ trợ nguồn vốn vay của Quỹ Thiện Tâm (gần 1 tỷ đồng).
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thời gian tới, việc đầu tư trạm bơm trong vùng sản xuất lúa cho HTX nông nghiệp Phát Tài cũng đã có trong Đề án, đề nghị HTX tập trung thực hiện đúng quy trình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn, bao gồm xử lý tốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch và quản lý nguồn nước hiệu quả.
Về việc phối hợp với doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Công ty RYNAN Technologies Việt Nam sử dụng thiết bị đo lượng khí phát thải trên mô hình mẫu, tận dụng những thiết bị phù hợp và hiệu quả nhất trên đồng ruộng miền Tây.
Cũng theo Thứ trưởng Nam, song song với việc thực hiện Đề án, tỉnh cần triển khai các mô hình canh tác lúa bền vững ngoài dự án. Mỗi huyện nên triển khai một mô hình để có cơ sở mở rộng.
Báo cáo với Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh - ông Trần Trường Giang cho biết, địa phương sẽ tập trung triển khai kịp thời việc nạo vét các tuyến kênh, đảm bảo đủ nguồn nước cho cuối vụ hè thu và vụ thu đông, đặc biệt là đến cuối năm.
Tuyến đường vào HTX nông nghiệp Phát Tài sẽ được đầu tư nâng cấp từ 3m lên 5m nhằm đáp ứng việc vận chuyển nông sản.
Sở NN-PTNT Trà Vinh cũng đã phối hợp với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng tổ chức tập huấn đầu vụ biện pháp sạ cụm và sạ cụm kết hợp với vùi phân cho 2 HTX với 60 đại biểu tham dự. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tập huấn quy trình sản xuất cho 2 HTX với 100 đại biểu tham dự. Bên cạnh đó, phối hợp với Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) rà soát và hoàn chỉnh sơ đồ chi tiết diện tích sản xuất từng thửa ruộng của hộ tham gia mô hình và chọn 10 điểm để tiến hành giám sát và đánh giá theo MRV.
Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cũng phối hợp với Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương cung ứng, hỗ trợ phân bón hữu cơ cho 2 HTX với tổng số lượng 49 tấn, trong đó HTX nông nghiệp Phước Hảo 25 tấn và HTX nông nghiệp Phát Tài 24 tấn.
Bên cạnh đó, Sở cũng liên hệ với Công ty Cổ phần Hóa nông AHA để làm việc với 2 HTX về việc áp dụng quy trình sản xuất mới.
Hiện tại, nông dân tại 2 HTX tham gia Đề án đã xuống giống dứt điểm diện tích 92,6ha của 84 hộ. Cụ thể, HTX nông nghiệp Phước Hảo đã xuống giống 50ha của 46 hộ và HTX nông nghiệp Phát Tài đã xuống giống 42,6ha của 38 hộ. Hiện lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, phát triển tốt.