| Hotline: 0983.970.780

Sốt ruột vì con bị kẹt ở nước ngoài do virus Corona

Thứ Hai 20/07/2020 , 09:16 (GMT+7)

Không ai ngờ virus Corona nó làm cho mọi thứ đảo lộn đến mức này. Con trai cháu du học năm ngoái, nguyên học kỳ II lockdown cho tới mùa hè này đó cô

Cô kính mến!

Không ai ngờ virus Corona nó làm cho mọi thứ đảo lộn đến mức này. Không chỉ các chuyên gia nhận định mà người người đều linh cảm xấu cho kinh tế của chính mình, dẫn đến những âu lo rất quan trọng khác.

Con trai của vợ chồng cháu du học năm ngoái, may mà không xin học ở Mỹ. Nó qua đó bắt đầu học lại lớp 11, vì như cô biết, học hành kiểu nước mình không ăn thua.

Nguyên học kỳ II lockdown cho tới mùa hè này đó cô. Tiền bạc vẫn chi phí vậy nhưng học online thì sao bằng lên lớp, đúng không cô?

Thôi thì cầu mong nó bình an, không bị trầm cảm là may rồi. Kết thúc niên khóa, nó được lên lớp, điểm tốt, vợ chồng cháu mừng quá cô ơi.

Vấn đề là tương lai học hành của nó. Chắc chắn là năm lớp 12 phải bám ở bên ấy. Tiền bạc các cháu đã dự phòng nhưng nỗi lo thì không vơi. Nếu dịch bệnh vẫn kéo dài thì vẫn là học online, vợ chồng cháu bắt đầu không đồng thuận.

Chồng cháu nói, mình tính không bằng trời tính, có hàng ngàn học sinh như vậy chứ đâu riêng con mình. Cháu nói, không có trời gì ở đây cả, năm lớp 12 đành chịu, vậy sau đó phải kéo con về để học đại học trong nước, tiền chừng ấy, học ở đây, cha mẹ con cái có nhau trong mọi hoàn cảnh.

Chồng cháu gạt ngang, lẩm cẩm, về để học vớ học vẩn rồi chạy vạy xin việc và rồi lay lắt hết cả cuộc đời ở cái xứ ngược đời này sao?

Bạn thân của cháu có con học ở Úc, cô ấy sang du lịch với con rồi đi Mỹ chơi với bà con bên ấy. Kẹt từ tết âm lịch tới giờ cô ơi.

Cô ấy gọi điện cho cháu hàng ngày nói sợ quá, chỉ muốn về thôi, rất nhiều người có con học bên này giờ như mắc kẹt. Mà có tiền cũng không về được, rất nhiều tiền cũng không về được. Rồi cô ấy khóc.

Cháu không nghe ông bà cha mẹ gì cả. Vợ chồng đang bất phân thắng bại chuyện này đó cô. Sau năm lớp 12 đem con về học đại học trong nước là phải nhất, đúng không cô? Cháu sợ cái cảnh cha mẹ con cái cách trở nghìn trùng như vầy lắm rồi cô.

----------------------

Cháu thân mến!

Đúng như cháu viết, dịch bệnh là cái họa của toàn cầu, có Trời không, có Thượng đế không, có đấy, Trời Phật và Thượng đế đang nổi giận vì loài người tàn phá môi sinh quá thể.

Cả thế giới lóp ngóp, vì vậy nên cũng không chỗ nào bình an hoàn toàn và cũng không ai bình tâm được. Ấy là chưa nói cuộc sống khó khăn, biết bao gia đình kiệt quệ, biết bao người thất nghiệp, ra đường. Câu chuyện phục hồi còn xa xôi và không ai dám chắc mình sẽ thoát hiểm.

Con của vợ chồng cháu du học khi cháu chưa trưởng thành, thương thêm ở chỗ đó nữa. Đứa nào chẳng háo hức đi nhưng nhà có tiền, sẽ khác. Thế là thỏa chí sớm, tang bồng.

Không ngờ con Corona dội nước lạnh cho hàng trăm triệu du học sinh như nó tính riêng châu Á mình, mà châu Á như Trung Quốc, Việt Nam hay một số nước nền giáo dục áp đặt thì số du học sinh là nguồn thu của Âu, của Mỹ, của Úc…

Mỗi nhà một bài toán tiếp theo cho con trong đại dịch. Muốn về cũng đâu có dễ. Như cô bạn của cháu đó, 5 tháng trời kẹt ở nơi mà ngày thường ta gọi là thiên đường, giờ làm gì cho hết thời gian cách ly? Cháu không nói rõ con học ở nước nào, chỉ thấy là không phải Mỹ. Nghĩa là nơi đó còn thưa du học sinh, nghĩa là nó có thể trụ lại một năm nữa, cho hết lớp 12.

Hãy tính tiếp vào năm tới đi cháu, cho không khí vợ chồng nhẹ nhàng. Hết năm nay chắc chắn có vacxin thì sẽ đỡ hốt hoảng, sinh hoạt sẽ dần trở lại bình thường và việc học của con của cháu sẽ không gặp vấn đề tâm lý như cháu đang lo lắng.

Tháng 9 này nó sẽ vào 12, học kỳ 2 chắc chắn nó sẽ có câu trả lời là học lên ở bên ấy hay quay về. Phải nghe con chứ ở cái thềm đại học, mình không quyết cho nó hoàn toàn như khi nó ở phổ thông đâu. Dĩ nhiên câu chuyện tiền nong ở nhà cháu chắc đã nằm ngoài sự toan tính này, đúng không?

Cô thấy mỗi tháng là một bài toán nhỏ gắn với Covid-19. Từ đây đến cuối năm không ai nói trước một cách rành mạch chuyện gì. Con ở xa, vợ chồng thương con thì càng phải thương nhau, đừng vì bất cứ chuyện gì mà hục hặc.

Nó cách trở, cũng là một trải nghiệm không thể có được nếu sau này tốt hơn, con người nhớ lại và nghĩ lại. Không gì trượt qua chúng ta mà không để lại dấu vết cả, nghe cô, bình tâm, tính từ 6 tháng một, nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.