| Hotline: 0983.970.780

Kỹ thuật chiếu xạ bảo quản nông sản

Thứ Ba 14/07/2015 , 06:14 (GMT+7)

Thực phẩm chiếu xạ, với liều chiếu dưới 1 Mrach (10 KGY) không gây ra độc hại và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mức độ tổn thất sau thu hoạch ở nước ta cũng như trên thế giới là rất lớn. Do đó cần có những công nghệ, thiết bị thích hợp đáp ứng yêu cầu bảo quản nông sản, thực phẩm để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Quá trình phát triển kỹ thuật chiếu xạ

Từ xưa con người đã biết bảo quản nông sản và thực phẩm bằng cách phơi sấy, hun khói, ướp muối, đóng hộp.

Song các phương pháp này còn thô sơ, nhiều mặt hạn chế, với sự phát triển nhanh chóng của KHKT, từ những năm 50 của thế kỷ trước, việc nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật chiếu xạ đã được bắt đầu để bảo quản nông sản và thực phẩm trên thế giới.

Năm 1971, chương trình chiếu xạ thực phẩm quốc tế đầu tiên được triển khai, gồm 23 nước tham gia với mục đích chủ yếu là hợp tác nghiên cứu tình hình thực phẩm chiếu xạ và trao đổi thông tin về kỹ thuật chiếu xạ.

Năm 1980, nhóm chuyên gia hỗ trợ của 3 tổ chức quốc tế lớn là Y tế Thế giới (WHO), Nông lương thế giới (FAO) và Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) họp ở Geneve (Thụy Sỹ) để tổng kết các công trình nghiên cứu trong gần 30 năm ở các nước phát triển với kinh phí hàng tỷ đô la.

Nhóm chuyên gia đã đi đến kết luận: Thực phẩm chiếu xạ, với liều chiếu dưới 1 Mrach (10 KGY) không gây ra độc hại và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe người tiêu dùng.

Kết luận trên càng được củng cố vững chắc trong hội nghị của Ủy ban Quốc tế về vi sinh và an toàn thực phẩm (thuộc Liên Hợp Quốc), Các hội vi sinh tại Copenhagen (Đan Mạch) tháng 12/1982 đã khẳng định chiếu xạ là phương pháp hữu hiệu để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh và không gây tác hại đến sức khỏe con người.

Từ các kết quả nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn quốc tế, bắt đầu từ năm 1980, kỹ thuật chiếu xạ đã được phát triển nhanh chóng trên thế giới cũng như vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Cơ sở khoa học của kỹ thuật chiếu xạ

Cơ sở khoa học của kỹ thuật chiếu xạ là sử dụng bức xạ gamma hoặc beta được gia tốc đạt năng lượng không quá 5 Mev, tác động lên vật chiếu để diệt các vi sinh vật gây hư hại thực phẩm và nông sản, các dụng cụ y tế, ức chế các quá trình sinh trưởng như nảy mầm, chính hoặc ngược lại theo sự điều khiển của con người.

Nguồn đồng vị phóng xạ thường dùng là cobald – 60 phát ra 2 bức xạ gamma có năng lượng 1.17 Mev và 1.33 Mev, trung bình là 1.25 Mev.

Ngoài ra, kỹ thuật chiếu xạ cũng được sử dụng để xử lý các vật liệu như polyme, gỗ, cao su và nhiều lĩnh vực khác.

Ưu điểm của kỹ thuật chiếu xạ là nhanh chóng, thuận tiện, không phụ thuộc vào hình dáng bao gói, nhiệt độ, áp suất, không tiêu hao vật chiếu, giữ được màu sắc, mùi vị.

Ứng dụng kỹ thuật chiếu xạ ở Việt Nam

Cuối năm 1960, công trình nghiên cứu sử dụng kỹ thuật chiếu xạ để bảo quản dài ngày thịt lợn muối của Nguyễn Mạnh Kiên và cộng sự đã mở đầu cho việc ứng dụng kỹ thuật chiếu xạ ở Việt Nam.

Ngày 5/2/1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) phê duyệt tại Công văn số 470/V10 đồng ý cho Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia tiếp nhận dự án viện trợ kỹ thuật VIE/8/004 của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế cho Việt Nam.

Theo nội dung của dự án, cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế thông qua hợp đồng 54-06/9001 mua thiết bị chiếu xạ của Liên Xô (cũ) cung cấp cho Việt Nam, gồm 1 nguồn cobalt – 60 có hoạt độ 220 kci, cùng hệ thống băng tải và các thiết bị điều khiển để vận hành dây chuyền thiết bị này phục vụ bảo quản nông sản, thực phẩm và các yêu cầu khác.

Công trình Trung tâm Chiếu xạ Việt Nam là một liên hợp khoa học, SX do Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia và UBND TP Hà Nội phối hợp xây dựng.

dscf2201123235563_1
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tham quan Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội

Công trình được khởi công vào tháng 5/1988 và hoàn thành đưa vào sử dụng quý IV/1990.

"Hiện nay do yêu cầu SX và thương mại ngày càng tăng cao để khai thác và sử dụng hiệu quả hơn, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cần bổ sung thêm nguồn chiếu xạ cobalt - 60, các công trình phụ trợ, đặc biệt là hệ thống kho chứa hàng hóa trước và sau khi chiếu xạ, trong đó hệ thống kho lạnh hiện chưa được xây dựng". - TS. Nguyễn Văn Châu (nguyên Trưởng ban Quản lý công trình, nguyên GĐ Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội)

Tiếp theo, Trung tâm Chiếu xạ TP.HCM (Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia) được xây dựng và đến nay ở các tỉnh phía Nam đã có một số thiết bị chiếu xạ do các Cty, đơn vị xây dựng để phục vụ cho các mục đích khác nhau, nhằm bảo quản thực phẩm và nông sản, đặc biệt yêu cầu xuất khẩu.

Giới thiệu Trung tâm chiếu xạ Hà Nội

Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội được xây dựng ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, trên diện tích 1,8 ha. Trung tâm gồm 3 bộ phận chính:

- Thiết bị chiếu xạ bao gồm nguồn chiếu xạ cobalt – 60 kèm theo hệ thông băng tải để vận chuyển hàng hóa chiếu xạ theo quy trình công nghệ tự động.

- Nguồn cobalt – 60 đặt trong hầm kín được bảo quản khô, máy chiếu phẳng có tường bê tông dày 0,5 m ngăn cách, bảo đảm an toàn phóng xạ cho các hoạt động liên quan cũng như môi trường xung quanh.

Toàn bộ hệ thống thiết bị được hệ thống điều khiển đặt ở phía ngoài chỉ huy bằng các camera và đèn tín hiệu, tùy theo yêu cầu chiếu xạ của từng loại sản phẩm (cường độ chiếu, khối lượng, sản phẩm, kích thước, hình dáng của sản phẩm…) quyết định thời gian chiếu.

- Hệ thống kho chứa, để bảo quản hàng hóa trước và sau khi chiếu xạ. Theo thiết kế ban đầu, trung tâm có một kho chứa hàng bình thường, diện tích 750 m2, một kho lạnh ở nhiệt độ 0 độ C và 15 độ C với diện tích 750 m2, nhưng do điều kiện kinh phí nên trung tâm mới có được kho chứa 750 m2.

- Hệ thống các phòng thí nghiệm hóa học, hóa lý và sinh học để nghiên cứu, thí nghiệm liều chiếu xạ cho các loại sản phẩm khác nhau như khoai tây, hành tỏi, gia vị, thuốc lá, dược liệu, hoa quả tươi, thịt, mực khô, cá khô…

Tại đây cũng nghiên cứu, thử nghiệm, theo dõi, đánh giá các sản phẩm chiếu xạ để xây dựng quy trình chiếu với hiệu quả cao nhất.

Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội là sơ sở ứng dụng công nghệ bức xạ đầu tiên ở Việt Nam với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, thực nghiệm để chuyển giao công nghệ bức xạ Việt Nam.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.