![z6312675337444_00df797fa64a142545997ccb8283ce5c-094553_429-094554.jpg Gần 4.000ha lúa tại Quảng Trị bị ngập úng những ngày qua. Ảnh: Võ Dũng.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/14/z6312675337444_00df797fa64a142545997ccb8283ce5c-094553_429-094554-110542.jpg)
Gần 4.000ha lúa tại Quảng Trị bị ngập úng những ngày qua. Ảnh: Võ Dũng.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) Quảng Trị, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo trồng được hơn 26.000ha lúa, hơn 16.000ha rau màu. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ tối 7/2 đến sáng 9/2, trên địa bàn tỉnh có mưa diện rộng. Tại các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, mưa to đến rất to gây ngập úng khoảng 4.000 ha lúa đang ở thời kỳ đẻ nhánh và hơn 300ha rau màu tại các xã vùng trũng các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh.
Ông Lê Văn Tân, khóm 4, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng có 5 sào (2,5 nghìn m2) lúa đông xuân ở vùng thấp trũng bị ngập sâu 5 ngày dưới nước. Những ngày qua, các trạm bơm đã vận hành bơm tiêu úng nhưng đến nay mới giảm được một phần nước trên ruộng. Dự kiến, trong vài ngày tới, khi cây lúa cứng cáp trở lại, ông Tân mới bón bổ sung phân và dặm lại phần lúa chết do thối rễ, ốc bươu vàng gây hại.
Còn ông Lê Ngọc Trãi, nông dân xã Hải Định, huyện Hải Lăng có gần 6 sào lúa hiện vẫn đang ngập sâu dưới nước, gây thối rễ và chết. Thời điểm này, nếu nước rút, gia đình ông dự tính sẽ đi mua mạ về dặm cho kịp thời vụ.
![le-an-4616-094555_185-094555.jpg Các trạm bơm vận hành hết công suất để tiêu úng cứu lúa đông xuân. Ảnh: Võ Dũng.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/14/le-an-4616-094555_185-094555-110542.jpg)
Các trạm bơm vận hành hết công suất để tiêu úng cứu lúa đông xuân. Ảnh: Võ Dũng.
Đợt mưa lớn vừa qua đã làm 560ha trong tổng số 775ha lúa và 57,7ha rau màu tại xã Hải Định bị ngập sâu dưới nước từ 0,2 - 0,7m. Mặc dù địa phương đã huy động toàn bộ 23 trạm bơm với gần 30 máy bơm công suất lớn vận hành cả ngày lẫn đêm nhưng hiện vẫn còn khoảng 60ha lúa và 30ha rau màu các loại ngập sâu dưới nước, nguy cơ thiệt hại hoàn toàn.
Ông Bùi Như Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định cho biết, hiện đang là thời điểm triều cường dâng cao nên nước rút chậm. Với diện tích lúa bị ngập úng từ 4 - 5 ngày, địa phương đang chỉ đạo các hợp tác xã kiểm tra, nếu thấy cây lúa bị thối rễ sẽ phải gieo lại. Qua kiểm tra sơ bộ, cây rau màu bị thối rễ, rụng lá, thiệt hại toàn bộ diện tích 57,7ha.
Để khắc phục thiệt hại, UBND xã Hải Định đã đề xuất huyện Hải Lăng hỗ trợ giống lúa, giống lạc, sắn, ớt để nông dân trồng lại kịp thời vụ; hỗ trợ thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá để khôi phục diện tích lúa đã ngập úng…
![z6312675359472_5ff5808f0ba9664a610d4c733a79e44b-094801_426-094802.jpg Nông dân tập trung ra đồng chăm sóc lúa đông xuân ngay sau khi nước rút. Ảnh: Võ Dũng.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/14/z6312675359472_5ff5808f0ba9664a610d4c733a79e44b-094801_426-094802-110543.jpg)
Nông dân tập trung ra đồng chăm sóc lúa đông xuân ngay sau khi nước rút. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Quảng Trị cho hay, để giảm thiểu thiệt hại cho lúa và hoa màu bị ngập úng, các địa phương cần tăng cường kiểm tra tình hình ngập úng trên đồng ruộng, bố trí người trực để đóng, mở cống kịp thời. Ông Trang khuyến cáo, cần giữ mực nước trong ruộng từ 3 - 5cm để cây lúa không bị đổ, gãy thân, lá và nhanh phục hồi.
Sau khi tiêu úng từ 2 - 3 ngày, nông dân cần tỉa dặm, bón thúc đẻ nhánh; sử dụng các loại phân bón có tác dụng kích thích ra rễ mới, làm giảm ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ trên ruộng lúa giúp lúa mau ra rễ. Đối với diện tích rau màu mới trồng, cây con có bộ rễ chưa phát triển mạnh thì nên xới xáo nhẹ, phá váng mặt luống giúp cây hồi phục nhanh hơn kết hợp với trồng dặm các cây bị khuyết điểm để đảm bảo mật độ.
“Đơn vị đã tăng cường cán bộ về cơ sở để hướng dẫn nông dân các biện pháp khắc phục, phục hồi các diện tích cây trồng bị ngập úng, chỉ đạo phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại”, ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Quảng Trị cho biết.