Thực tế tại vùng ĐBSCL, do thâm canh, dẫn đến diện tích và mật độ nuôi tôm nước lợ ở các địa phương tăng cao so với trước đây. Kéo theo nhu cầu con giống cũng gia tăng, tạo áp lực lên các trại giống, phải có biện pháp tạo ra số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu.
GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh, Khoa Bệnh học thủy sản, Trường Thủy sản (Đại học Cần Thơ) cho biết, phương pháp lựa chọn tôm giống cơ bản của hộ nuôi hiện nay là “trông” vào những trại giống mà bà con đánh giá là uy tín rồi mua. Nhất là, trong trường hợp bà con đã chuẩn bị sẵn ao, mà không có đủ nguồn tôm giống chất lượng để thả nuôi.
Như vậy khâu chọn giống đôi khi không triệt để, dẫn đến việc khó kiểm soát một số dịch bệnh đã lưu hành trên tôm giống.
Nếu bà con quan tâm, lựa chọn ra những tôm giống chất lượng, trong quá trình nuôi, tôm sẽ phát triển nhanh, lớn đồng đều, tỷ lệ sống cao. Bên cạnh đó, tôm giống khỏe, khả năng kháng bệnh và thích ứng với điều kiện môi trường nước thường xuyên biến động cao hơn. Nhờ đó, người nuôi sẽ tiết giảm được chi phí thức ăn, rút ngắn thời gian nuôi, gia tăng hiệu quả kinh tế.
Chuyên gia cho rằng, chọn giống là cả một quy trình kỹ thuật, đi từ những bước rất đơn giản đến khâu khó khăn hơn. Trong đó, quy chuẩn đầu tiên, dễ dàng thực hiện theo kinh nghiệm của hộ nuôi là quan sát cảm quan.
Con giống được chọn phải đảm bảo đúng kích cỡ theo yêu cầu về độ dài, phản ứng linh hoạt… Khi nhìn bằng mắt thường, bà con sẽ thấy rõ đường tiêu hóa của tôm giống (như dạ dày, gan tụy và ruột giữa của con tôm).
Tại những trại nuôi hoặc doanh nghiệp tôm giống quy mô, các đơn vị sẽ trang bị thêm các thiết bị hỗ trợ như kính hiển vi. Hộ nuôi có kinh nghiệm, kỹ thuật, chuyên môn cao, có thể quan sát các mầm bệnh dưới kính hiển vi để có thể loại bỏ trường hợp tôm giống không đạt yêu cầu.
Ngoài ra, bà con có thể yêu cầu thực hiện các phương pháp xét nghiệm sơ bộ, lấy mẫu quan sát xem tỷ lệ cơ và ruột của tôm để xác định sự phát triển của tôm giống.
Với những bước cơ bản như trên, ban đầu hộ nuôi có thể loại ra được những lô tôm chưa chất lượng.
Cuối cùng là phương pháp xét nghiệm PCR, đòi hỏi chỉ có thể thực hiện được tại những phòng thí nghiệm. Phương pháp này, để hiểu đúng, GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh lưu ý hộ nuôi cần yêu cầu rõ kiểm tra bệnh gì và sử dụng kết quả như thế nào?
Bởi dựa trên kết quả xét nghiệm này, hộ nuôi có thể biết chính xác tôm giống có mang mầm bệnh. Tuy nhiên thực tế mầm bệnh trên tôm giống rất nhiều, nhưng mẫu tôm giống mang đi xét nghiệm lại hạn chế, chỉ đại diện cho một số lô hàng.
Do đó, rất khó tầm soát hết tất cả lô tôm giống đưa về trại nuôi. Vì vậy, GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh khuyến cáo kết hợp các thêm các đánh giá cảm quan và theo dõi hoạt động của tôm giống, để chọn lọc, đảm bảo giảm thiểu rủi ro bộc phát trong quá trình thả nuôi.
Bên cạnh đó, về mặt quản lý, GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh cho rằng, vấn đề an toàn sinh học trong các trại sản xuất giống cũng như trại ương dưỡng giống tôm nước lợ cần được cải tiến và nâng tầm. Bởi thực tế hiện nay, số lượng trại giống sản xuất giống đạt chuẩn an toàn sinh học không nhiều. Chỉ cần 1-2 trại không đảm bảo, dịch bệnh sẽ lây lan và bùng phát rất nhanh.
Căn cơ hơn, chuyên gia cho biết, quan điểm của bản thân là phải có biện pháp chủ động quản lý, kiểm soát chất lượng tôm bố mẹ. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào quy trình nuôi, để đảm bảo quá trình ương nuôi ấu trùng lên hậu ấu trùng, trước khi xuất trại thành công.