Sầu riêng ra hoa và mang trái trên cành chính nên việc tạo tán cho cây sau khi trồng có ảnh hưởng rất lớn đến thời gian bắt đầu ra trái và khả năng cho năng suất. Cành cây sầu riêng có khuynh hướng mọc thẳng lên và lại tiếp tục có xu hướng mọc thẳng lên khi phân cành nếu không được tạo tán.
Cành mọc thẳng lên không mang trái nên nhà vườn thường gọi là cành “đực”. Cành ngang hay cành cấp một sẽ ra hoa và mang trái, nhà vườn gọi là cành “cái”, cành càng lớn sẽ có khả năng mang nhiều trái, cho năng suất càng cao.
Do đó, cành cấp 1, nếu không được tạo tán mà mọc thẳng, sau đó tiếp tục phát triển thành cành cấp 2, cấp 3 sẽ chậm cho trái và khả năng mang trái sẽ kém. Cành nhỏ sẽ khô sau khi thu hoạch nếu để trái quá nhiều. Như vậy, tạo tán và tỉa cành là kỹ thuật quan trọng, ảnh hưởng đến thời gian bắt đầu cho trái và khả năng cho trái của cây sầu riêng.
Kỹ thuật tạo tán
Do đặc điểm ra hoa trên cành chính nên sầu riêng được tạo tán theo kiểu trục trung tâm cho cây có tán dạng như hình cây thông. Khi trồng, cây được trồng thẳng, cho thân phát triển theo hướng thẳng đứng, cành cấp một mọc ngang xung quanh tán cây sẽ được kéo cho xòe ra cho cành phát triển, tăng kích thước để tăng khả năng mang trái.
Kéo cho cành ngang xòe ra, bằng cách dùng dây căng cành hay cắm cọc vào đất. Thời gian bắt đầu tạo tán khi thấy cành ngang bắt đầu mọc thẳng lên với gốc nhỏ hơn 60o, thường từ 6 tháng đến 1 năm sau khi trồng.
Cành ngang không được kéo xòe ra sẽ phát triển thành cành vượt, sẽ không ra hoa và phát triển theo chiều cao, tạo ra thân mới, cây sẽ chậm cho trái. Do đó, cây không được kéo cành, tạo tán thường có hai hay nhiều thân chính, nhỉn bên ngoài tán, cây xanh tốt nhưng bên trong cây không có cành có khả năng mang trái và sẽ rất chậm cho trái.
Kỹ thuật tỉa cành
Nguyên tắc tạo tán theo kiểu trục trung tâm là tạo cho cây có nhiều cành ngang mọc xung quanh tán cây để tạo cho cây có khả năng mang trái. Khoảng cách thích hợp giữa hai cành là 20 - 30cm, cành mọc đều xung quanh tán, không mọc chéo, mọc chồng lên nhau.
Dựa theo nguyên tắc này, trong giai đoạn cây chưa ra trái, cây cần phát triển thân, lá để đủ khả năng ra hoa, nuôi trái nên chỉ tỉa những cành nhỏ, nằm bên trong tán, không có khả năng quang hợp, mọc sát hay chồng chéo lẫn nhau.
Tuyệt đối không cắt cành dưới tán hay cành ngang xung quanh tán. Cắt cành dưới tán quá sớm làm mất cân bằng nguồn dinh dưỡng, cây sẽ bị “sựng”, không phát triển được. Cành dưới tán chỉ cắt khi cây đã đủ cành, lá, đủ khả năng cung cấp dinh dưỡng nuôi cây và ra trái sát mặt đất, có thể lây bệnh từ đất làm thối trái. Tỉa cành ngang cho bung tán thường thực hiện ở giai đoạn sau khi thu hoạch, khi cây trưởng thành, che rợp lẫn nhau.
Cắt đọt cho cây sầu riêng
Cắt đọt hay cố định chiều cao cây cũng là kỹ thuật quan trọng ảnh hưởng đến khả năng cho trái lâu dài của cây sầu riêng. Cây phát triển theo chiều cao, dù chậm khi cây đã cho trái nên cũng cần phải cắt đọt cố định chiều cao để cân bằng khả năng cung cấp dinh dưỡng của rễ với thân, lá trên mặt đất. Theo nguyên tắc này chiều cao cây cần cố định bằng hoặc thấp hơn khoảng cách giữa hai hàng.
Như vậy, nếu trồng với khoảng cách 8x8m thì chiều cao cây tối đa là 8m. Để làm rõ chiều cao cây thích hợp nhà vườn có thể quan tâm số cành ngang có khả năng mang trái để ước lượng năng suất của cây. Theo khuyến cáo của Thái Lan, cây sầu riêng Monthong trưởng thành thường để trung bình 70 trái/cây, với trọng lượng trung bình 3kg/trái, mỗi cây có năng suất khoảng 200kg/cây và trồng với khoảng cách 8x8m tức 164 cây/ha năng suất đạt được khoảng 30 tấn/ha.
Để đạt được năng suất này mỗi cây phải có từ 20 – 25 cành cấp 1, mỗi cành sẽ mang 3 – 4 trái. Như vậy muốn đạt được năng suất chấp nhận được nhà vườn không chỉ quan tâm đến chiều cao cây mà còn quan tâm đến số cành có khả năng mang trái. Cây có 20 – 25 cành, với khoảng cách giữa hai cành là 20 – 30cm có nghĩa bỏ phần dưới gốc khoảng 1m và trên ngọn 1m, cây sầu riêng phải cao từ 6 – 7m.
Nếu cố định chiều cao cây thấp, cây cho năng suất không cao. Nhiều nhà vườn có quan điểm cắt đọt sớm cho cành ngang phát triển, cây sẽ cho trái sớm. Thật ra nếu cắt đọt nhưng không tạo tán, kéo cành, cành ngang không xòe ra được và cây lại tiếp tục phát triển chiều cao, tạo thành tán thứ hai với nhiều chồi ngọn càng làm cho cây chậm cho trái.
Đối với vùng có nhiều gió, cành mọc từ tán thứ hai rất dễ bị gãy đọt. Điều cần lưu ý là khi đã cắt đọt, cố định chiều cao, cần phải tiếp tục cắt đọt khi đọt non mới xuất hiện để giữ ổn định chiều cao cây.
Tóm lại, tạo tán và tỉa cành là kỹ thuật quan trọng trong kỹ thuật trồng sầu riêng. Tạo tán và tỉa cành đúng giúp cho cây có khả năng ra hoa sớm, có khả năng cho năng suất cao. Ngược lại, cây chỉ phát triển thân, lá, không ra hoa và khả năng cho năng suất không cao. Tỉa cành và tạo tán đúng cách còn tạo điều kiện thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh. Tạo tán và tỉa cành thông thoáng sẽ giúp cho cây quang hợp tốt, dễ ra hoa, đậu trái và giảm sự phát triển của bệnh, nhất là trong mùa mưa.