| Hotline: 0983.970.780

Vùng trồng sầu riêng gắn liền với mùa vụ ở Việt Nam

Thứ Năm 09/11/2023 , 08:54 (GMT+7)

ĐBSCL Tổng quan về thực trạng phát triển một số vùng trồng sầu riêng trọng điểm trong cả nước gắn liền với thời vụ ra hoa và thu hoạch của từng vùng.

Ở Việt Nam, sầu riêng được trồng chủ yếu ở các tỉnh ở phía Nam, từ Đà Nẵng trở vào và một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung bộ là Thừa Thiên - Huế. 10 năm trước, diện tích trồng sầu riêng nhỏ lẻ, được xem là cây đặc sản chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.

Bài liên quan

Những năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng tăng rất nhanh và trở thành cây ăn trái chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Trong năm 2023, thống kê của Tổng cục Hải quan, cây sầu riêng được xem là cây tỷ đô vì giá trị xuất khẩu đến tháng 9/2023 đạt sản lượng 1 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu 1,63 tỷ USD.

Sầu riêng phát triển mạnh đã hình thành nên những vùng trồng và thời vụ thu hoạch khác nhau do khác biệt về điều kiện khí hậu. Để cạnh tranh hiệu quả, nhà vườn cần hiểu rõ thời vụ thu hoạch của từng vùng để bố trí thời vụ thu hoạch phù hợp, bán được giá cao.

Vùng trồng sầu riêng ở Việt Nam

Số liệu thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2023, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam ước tính đạt 131.000 ha, tăng gần 20% so với năm 2022. Trong đó, nhiều nhất là vùng Tây Nguyên chiếm 40,4%, tiếp theo là ĐBSCL chiếm 34,6%, miền Đông Nam bộ chiếm 19,4% và Duyên hải Nam Trung bộ chiếm 5,6%. Vùng Tây Nguyên đã vượt qua ĐBSCL, trở thành vùng sản xuất sầu riêng lớn nhất cả nước.

Ở ĐBSCL, sầu riêng được trồng ở vùng đất phù sa nước ngọt không bị ngập và mặn ven sông Tiền và sông Hậu. Tập trung nhiều nhất ở tỉnh Tiền Giang, tiếp theo là tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và TP Cần Thơ.

Tại Tiền Giang, sầu riêng được trồng tập trung ở huyện Cai Lậy, nổi tiếng với sầu riêng Khổ qua xanh ở cù lao Ngũ Hiệp và nhiều giống sầu riêng có chất lượng rất ngon như Chuồng bò hạt lép, 6 Hữu.

Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng mở rộng ra toàn huyện, thị xã Cai Lậy, huyện Châu Thành và cả huyện Cái Bè. Ở Bến Tre, sầu riêng trồng nhiều ở huyện Châu Thành và Chợ Lách. Ở tỉnh Vĩnh Long, sầu riêng trồng nhiều ở cù lao Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ và cù lao Thanh Bình của huyện Vũng Liêm. Tại TP Cần Thơ, sầu riêng trồng nhiều ở huyện Phong Điền và các vùng lân cận ở huyện Thới Lai và quận Ô Môn. Sầu riêng ở tỉnh Sóc Trăng được trồng nhiều ở huyện Kế Sách.

Giống sầu riêng ở ĐBSCL hiện nay phổ biến là Ri6, Monthong và một ít là cơm vàng sữa hạt lép, Chuồng bò hạt lép, 6 Hữu.

Vườn sầu riêng ở ĐBSCL thường có đê bao chủ động được nước, ngăn mặn và lũ nên có thể trồng và điều khiển cho cây ra hoa quanh năm. Tuy nhiên, năm 2016 và 2020, nước mặn xâm nhập sâu làm thiệt hại gây thiệt hại khá nặng sầu riêng ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre và huyện Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long.

Ở miền Đông Nam bộ, trước đây sầu riêng được trồng ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, nổi tiếng với vùng cây ăn trái ở Lái Thiêu. Hiện nay sầu riêng trồng nhiều ở vùng Long Khánh, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú của tỉnh Đồng Nai; vùng Gò Dầu, Lộc Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước.

Vùng trồng sầu riêng ở miền Đông Nam bộ hiện nay chủ yếu là đất có độ dốc nhỏ từ 3 – 5o, độ cao trung bình từ <200m so với mực nước biển, nguồn nước tưới nhờ vào sông, suối và đặc biệt là giếng nên thường thiếu nước trong mùa khô. Giáp ranh với huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai có vùng trồng sầu riêng khá lớn và tập trung của huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng với diện tích gần 5.000ha. Vùng sầu riêng ở huyện Đạ Hoai có độ dốc thấp, độ cao <350m nên điều kiện của vùng này khá giống với vùng Tân Phú của tỉnh Đồng Nai. Sầu riêng ở Đồng Nai thường được trồng xen canh với cà phê, tiêu hay cây ăn trái khác như bơ. Nông dân ở miền Đông Nam bộ chủ yếu canh tác theo điều kiện tự nhiên, rất ít hộ áp dụng kỹ thuật điều khiển ra hoa vụ nghịch.

Ở Tây Nguyên, trước đây sầu riêng trồng nhiều ở tỉnh Đăk Lăk (cả Đăk Nông hiện nay) và gần đây phát triển ở tỉnh Gia Lai, Kon Tum, ở độ cao từ 500 - 800m so với mặt nước biển và Bảo Lộc, Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) ở độ cao 700 - 800m so với mặt nước biển.

Tây Nguyên là vùng có diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh nhất (2,5 lần) trong cả nước trong ba năm qua. Diện tích trồng sầu riêng ở Tây Nguyên hiện nay đã vượt qua diện tích sầu riêng ở ĐBSCL, trở thành vùng trồng sầu riêng lớn nhất cả nước. Sầu riêng trồng mới ở Tây Nguyên hiện nay chủ yếu là những vườn chuyên canh, khác với trước đây sầu riêng chỉ trồng xen trong vườn cà phê. Hiện nay do giá cà phê giảm, giá sầu riêng tăng cao nên sầu riêng được đầu tư, chăm sóc để cho thu nhập cao. Do điều kiện ở Tây Nguyên là vùng đất dốc, không chủ động được nguồn nước nên nông dân canh tác sầu riêng chủ yếu theo điều kiện tự nhiên, rất ít nhà vườn áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ.

Ở các tỉnh Duyên hải ven biển miền Trung, sầu riêng được trồng nhiều ở các huyện giáp với tỉnh Lâm Đồng và Đồng nai của tỉnh Bình Thuận như Hàm Thuận Bắc, Đức Linh và nhiều nhất là ở huyện Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, sầu riêng cũng được trồng rải rác ở các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Nhìn chung, đây là vùng sầu riêng mới phát triển trong những năm gần đây.

Thống kê diện tích, năng suất và sản lượng sầu riêng của một số vùng trồng sầu riêng tập trung ở Việt Nam năm 2022 của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Kim Anh.

Thống kê diện tích, năng suất và sản lượng sầu riêng của một số vùng trồng sầu riêng tập trung ở Việt Nam năm 2022 của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Kim Anh.

Sự phát triển “nóng” của cây sầu riêng trong những năm qua, vượt qua mức quy hoạch 85.000ha của Bộ NN-PTNT, đã đặt ra nhiều thách thức cần phải giải quyết cho tất cả thành phần tham gia chuỗi giá trị ngành hàng.

Nông dân ở các vùng trồng mới chưa biết kỹ thuật thiết kế vườn, kỹ thuật tạo tán tỉa cành cho cây, chăm sóc không đúng kỹ thuật nên cây chậm cho trái, năng suất thấp, không biết kỹ thuật quản lý sâu bệnh làm giảm năng suất và chất lượng trái. Đặc biệt, phát triển sầu riêng ở những vùng có điều kiện đất đai có nhiều trở ngại như đất phèn, thiếu nước tưới nên cây phát triển không tốt, tỷ lệ cây chết cao gây lãng phí rất lớn cho bản thân nông dân và xã hội.

Thiết kế vườn sầu riêng ở Tây Nguyên không đúng kỹ thuật, cây trồng ‘âm’ như cà phê, gốc cây bị đọng nước trong mùa mưa, rất dễ bị bệnh hại rễ. Ảnh: Kim Anh.

Thiết kế vườn sầu riêng ở Tây Nguyên không đúng kỹ thuật, cây trồng ‘âm’ như cà phê, gốc cây bị đọng nước trong mùa mưa, rất dễ bị bệnh hại rễ. Ảnh: Kim Anh.

Cán bộ khuyến nông và quản lý ngành nông nghiệp có kiến thức về kỹ thuật trồng sầu riêng ở địa phương không phát triển kịp thời để hỗ trợ nhà vườn. Vật tư, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh của các công ty chưa đáp ứng kịp thời dẫn đến hiệu quả không cao. Nhà khoa học chưa xây dựng được quy trình canh tác sầu riêng ở từng vùng cụ thể nên hiệu quả đạt được còn thấp. Chưa có đội ngũ kỹ thuật thu hoạch, nhất là thời điểm thu hoạch tập trung nên thu trái không đạt chất lượng. Cơ sở thu mua, đóng gói, xử lý sau thu hoạch còn thiếu dẫn đến chất lượng trái xuất khẩu không đạt làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Cây sầu riêng bị khô và rụng trái non sau khi đậu trái do nhà vườn tưới nước không đúng, sợ cây ra đọt gây rụng trái non. Ảnh: Kim Anh.

Cây sầu riêng bị khô và rụng trái non sau khi đậu trái do nhà vườn tưới nước không đúng, sợ cây ra đọt gây rụng trái non. Ảnh: Kim Anh.

Thời vụ ra hoa và thu hoạch

Mùa ra hoa tự nhiên của sầu riêng thay đổi tùy theo giống và điều kiện khí hậu của từng nơi. Ngoại trừ giống sầu riêng Monthong có thời gian phát triển từ 115-120 sau khi đậu trái trong điều kiện ở ĐBSCL như ở Thái Lan, các giống sầu riêng khác như Ri6, cơm vàng sữa hạt lép, 6 Hữu, Chuồng bò hạt lép đều có thời gian phát triển từ 90-100 ngày sau khi đậu trái.

Vùng cao có nhiệt độ thấp nên có thời gian ra hoa và trái phát triển chậm hơn so với vùng đồng bằng từ 20-30 ngày. Ở Tây nguyên vùng có độ cao 700-800 m so với mực nước biển thời gian phát triển trái sầu riêng Monthong kéo dài đến 135-150 ngày. Vùng trồng sầu riêng ở Việt Nam trải dài từ đồng bằng lên vùng cao nên khí hậu ở từng vùng là yếu tố quyết định và hình thành nên cơ cấu mùa vụ sầu riêng ở Việt Nam.

ĐBSCL có thời vụ thu hoạch sớm nhất do có điều kiện bằng phẳng ở vùng đồng bằng, tiếp theo là miền Đông Nam bộ là vùng đồi núi có độ dốc nhỏ, độ cao <200m so với mực nước biển và trễ nhất là vùng Tây Nguyên với độ cao từ 500 - 600m ở vùng Đắk Lắk đến 800 - 900m ở vùng Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng). Ở từng vùng giống sầu riêng Ri 6 và các giống khác sẽ thu hoạch trước, trễ nhất là sầu riêng Monthong.

Ở ĐBSCL, sầu riêng ra hoa từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau, thu hoạch vào tháng 4 - 5 do có địa hình bằng phẳng, nhiệt độ trung bình cao, thời gian phát triển trái ngắn. Thời vụ thu hoạch sầu riêng ở ĐBSCL trùng với thời vụ thu hoạch sầu riêng ở miền Đông của Thái Lan. Nhà vườn chủ động được nước trong mùa khô và mùa mưa nên có thể áp dụng kỹ thuật xử lý cho sầu riêng ra hoa rải vụ gần như quanh năm, đặc biệt là trái vụ với các vùng khác trong nước.

Tại miền Đông Nam bộ, do điều kiện thiếu nước, sầu riêng ra hoa từ tháng 1 - 3, thu hoạch vào tháng 5 - 7. Ở Tây Nguyên, sầu riêng trồng ở những có độ cao khác nhau đã ảnh hưởng đến thời gian ra hoa và thu hoạch. Ngoại trừ vùng Đạ Huoai có điều kiện khí hậu tương đối nóng giống như vùng Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, sầu riêng ra hoa tháng 1 - 2 và thu hoạch sớm vào tháng 5 - 6, các vùng khác ra hoa vào tháng 2 - 3 thu hoạch vào tháng 6 - 7.

Vùng Tây nguyên có độ cao 500 - 600m sầu riêng ra hoa từ tháng 3 - 4 và thu hoạch từ tháng 8 - 9 và vùng cao 700 - 800m ra hoa vào tháng 4 - 5 và thu hoạch vào tháng 9 - 10.

Thời vụ ra hoa và thu hoạch sầu riêng ở các vùng trong cả nước. Ảnh: Kim Anh.

Thời vụ ra hoa và thu hoạch sầu riêng ở các vùng trong cả nước. Ảnh: Kim Anh.

Thời vụ thu hoạch sầu riêng ở Tây Nguyên trùng với thời vụ thu hoạch sầu riêng ở miền Nam của Thái Lan. Khác với ĐBSCL, sầu riêng ở miền Đông Nam Bộ và Tây nguyên chủ yếu ra hoa do ảnh hưởng của thời tiết, rất ít nhà vườn áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch hay rải vụ. Do đó, thời vụ thu hoạch sầu riêng ở hai vùng này có thể sớm hay muộn, trúng hay thất phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết hàng năm. Như vậy, ngoại trừ vùng ĐBSCL có thể điều khiển cho sầu riêng ra hoa rải vụ quanh năm, sầu riêng của Việt Nam có thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 4 - 10, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau là vụ nghịch.

Tóm lại, hiện nay sầu riêng ở Việt Nam đã hình thành nên bốn vùng sản xuất với các điều kiện tự nhiên, khí hậu khác nhau dẫn đến thời vụ thu hoạch khác nhau đã kéo dài thời vụ thu hoạch sầu riêng từ tháng 4 đến tháng 10 so với trước đây tập trung từ tháng 4 - 6 như ở vùng ĐBSCL.

Đây là điều kiện thuận lợi để sầu riêng Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, giữa các vùng trong cả nước cũng sẽ có sự cạnh tranh lẫn nhau mà để đạt được hiệu quả cao nhà vườn cũng cần hiểu rõ thời vụ của từng vùng.

Vùng Tây Nguyên với điều kiện đất đai rộng lớn, điều kiện khí hậu thuận lợi, đã trở thành vùng trồng sầu riêng lớn nhất cả nước. ĐBSCL với lợi thế chủ động được nước và kinh nghiệm canh tác lâu năm, đặc biệt là sản xuất vụ nghịch sẽ không phải so với điều kiện ở ĐBSCL mà phải nghịch với tất cả các vùng trồng sầu riêng trong cả nước và thậm chí các nước có điều kiện tương tự trong khu vực.

GS.TS Trần Văn Hâu

Cựu giảng viên cao cấp, Trường Đại học Cần Thơ

(Thực hiện)

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.