| Hotline: 0983.970.780

'Cây đại thụ' miền biên viễn

Nữ già làng thích làm trái lệ làng

Thứ Sáu 09/07/2021 , 07:50 (GMT+7)

Từng bị làng phạt 3 con bò vì dám vận động bà con từ bỏ những thứ vốn là tập tục, nhưng bà cho rằng đó là hủ tục… và chưa bao giờ nản chí.

Bây giờ thì, đồng bào J’rai ở làng K’rong, xã Ia Mơr, huyện biên giới Chư Prong, Gia Lai lại coi người phụ nữ ấy như một bà tiên. Họ bầu bà làm già làng, chuyện chưa từng xảy ra trong quá khứ. Đó là nữ già làng Ksor H’lâm.

Bản lĩnh nữ bộ đội Cụ Hồ

Theo chân anh bạn đồng nhiệp, tôi tìm đến nhà già làng Ksor H’lâm ở làng K’rong. Vừa bước lên những bậc cầu thang nhà sàn, đã thấy bà Ksor H’lâm đón bằng nụ cười đôn hậu.

Sinh năm 1945, mặc dù dấu thời gian đã in hằn qua những nếp nhăn trên khuôn mặt và mái tóc bạc, nhưng đôi mắt bà còn nhanh nhẹn và ánh lên niềm lạc quan, phong thái điềm tĩnh, đúng chất người lính và là “thủ lĩnh” một làng. Đặc biệt nụ cười toả nắng nhờ hàm răng trắng đều, khoẻ khoắn khiến người đối diện cảm nhận sự thân thiện ngày từ giây phút đầu gặp mặt.

Nữ chiến sĩ Ksor H’lâm những năm mới nhập ngũ. Ảnh chụp lại: Phúc Lập.

Nữ chiến sĩ Ksor H’lâm những năm mới nhập ngũ. Ảnh chụp lại: Phúc Lập.

Biết mục đích chúng tôi ghé thăm, già làng Ksor H'lâm bảo: “Những việc tôi làm rất bình thường, có gì đặc biệt đâu. Mình là người thoát ly, được đi nhiều, hiểu biết hơn bà con, thấy rõ cái gì đúng, cái gì nên bỏ, nên mình vận động bà con bỏ thôi. Đó là trách nhiệm của người Đảng viên và trách nhiệm với quê hương mình”.

Theo lời tâm sự của già làng Ksor H’lâm, năm 1962, khi vừa bước sang cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, cô gái Ksor H’lâm đầy nhiệt huyết, đã viết đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong. Sau đó, cô trở thành người “đa nhiệm”, việc gì cũng làm. Từ giao liên, làm hậu cần, chăm sóc thương binh, đến vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí thuốc men, dẫn đường cho bộ đội... Năm 1967, sau khi vinh dự trở thành đảng viên, Ksor H’lâm được gửi ra miền Bắc học tập, sau đó tiếp tục về quê đánh giặc... Sau năm 1975, già làng Ksor H’lâm về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai. Năm 1987, bà về nghỉ hưu sau mấy mươi năm khoác bộ quân phục.

Nụ cười tỏa nắng, phúc hậu ở cái tuổi ngoại thất thập. Ảnh: Phúc Lập.

Nụ cười tỏa nắng, phúc hậu ở cái tuổi ngoại thất thập. Ảnh: Phúc Lập.

Trở về quê hương, thấy khung cảnh làng quê vẫn nghèo, vẫn xác xơ, nhìn khắp làng không thấy căn nhà cho ra nhà. Đường đất đỏ bụi mù mịt, trạm y tế cũng chưa có. Xã có bốn làng thì tách biệt nhau như những "ốc đảo" trong rừng, đời sống đồng bào thiếu thốn, trẻ em không được đến trường...

Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà Ksor H’lâm quyết định lấy hết số tiền tích cóp được, mua 10 con bò giống. Dọn dẹp những khoảnh đất trống, bỏ hoang để canh tác, trồng đủ loại cây từ cây ăn trái lâu năm như mít, sầu riêng, đến cây nông nghiệp như tiêu, điều, mì, bắp. Và trồng lúa nước… chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vừa làm bà vừa vận động bà con làm theo. Những gia đình khó khăn, bà cho mượn vốn để mua cây giống, phân bón. Và, Ksor H'lâm chính là người đi tiên phong trong phòng trào cho mượn bò sinh sản, như cách mà hiện nay nhiều nơi đang làm.

“Tôi cho bà con mượn bò mẹ, sau khi nó đẻ, họ trả bò mẹ, giữ lại bê con nuôi. Bò mẹ sau đó giao cho nhà khác mượn. Sau mấy năm, nhiều nhà có bò nuôi mà không tốn tiền mua giống”, bà Ksor H'lâm kể.

Sáng kiến cho mượn bò của già làng Ksor H’lâm đã giúp nhiều gia đình có bò giống ban đầu làm của riêng. Ảnh: Phúc Lập.

Sáng kiến cho mượn bò của già làng Ksor H’lâm đã giúp nhiều gia đình có bò giống ban đầu làm của riêng. Ảnh: Phúc Lập.

Ngoài việc hỗ trợ bò, Ksor H’lâm còn hướng dẫn bà cách trồng lúa nước thay vì lúa rẫy như xưa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, bắp, mì để giải quyết vấn đề lương thực trước mắt.

“Muốn quê hương bình yên, an ninh trật tự tốt thì trước hết phải giúp bà con ấm cái bụng trước đã. Sau đó giúp bà con tạo sinh kế để thoát nghèo bền vững. Cuối cùng, cũng quan trọng không kém, đó là mình phải luôn gần dân, hiểu dân, hiểu những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của bà con để kip thời giúp họ tháo gỡ vướng mắc. Kinh tế ổn định, mọi người gần gũi, yêu thương nhau, sẵn sàng giúp nhau… vậy là bình yên thôi”.

“Nghe già nói có vẻ đơn giản?”, tôi thắc mắc. Ksor H'lâm cười: “Không đơn giản chút nào cả. Thay đổi được suy nghĩ, thói quen trong đầu bà con, rất khó. Mình phải vừa hiểu họ, vừa kiên trì. Và quan trọng nhất là mình phải làm trước cho họ thấy. Kết quả mình làm chính là cách thuyết phục hiệu quả nhất”, già Ksor H'lâm nói.

Nhiều hủ tục bị xoá bỏ

Thời điểm nữ cựu chiến binh Ksor H'lâm trở về quê lương, đời sống bà con không chỉ nghèo mà còn trình độ dân trí rất thấp. Chứng kiến những hủ tục còn tồn tại, khiến nhiều người chết oan, Ksor H'lâm đau lòng lắm. Lúc này, bà vừa lo giúp dân thay đổi cách làm ăn lạc hậu, vừa quyết tâm “tẩy não” cho họ. Nhờ đó mà từ ngày rời quân ngũ trở về, khoảng 20 đứa trẻ sơ sinh đã được bà cứu thoát khỏi hủ tục đau thương, tồn tại từ bao đời nay.

Anh Rơ Lan Thul, năm nay gần 30 tuổi, là một trong những "nạn nhân" suýt bị chôn sống vì hủ tục, nhờ có Ksor H'lâm mà anh thoát chết. “Tôi nghe mẹ Ksor H'lâm kề, lúc mẹ ruột sinh tôi ra bên bờ suối, lúc đó chỉ có mình bà, lúc sinh tôi xong thì mưa lớn, nước suối dâng cao, bà bị ngâm trong nước khá lâu, nên khi dân làng biết, chạy ra thì mẹ không còn hơi thở nữa. Theo luật tục của làng, tôi phải chết theo mẹ, nếu không tôi sẽ mang lại điềm xấu cho dân làng. Mẹ H'lâm biết tin, vội chạy ra ngăn cản dân làng. Phải thuyết phục rất lâu, dân làng mới đồng ý cho bà bế tôi về”, Rơ Lan Thul nói.

Hiện nay, nữ già làng Ksor H’lâm là người có uy tín nhất xã Ia Mơr, được người dân yêu quý, tin tưởng. Ảnh: Phúc Lập.

Hiện nay, nữ già làng Ksor H’lâm là người có uy tín nhất xã Ia Mơr, được người dân yêu quý, tin tưởng. Ảnh: Phúc Lập.

“Thằng Ksor Luyến cũng được mình cứu sống. Nó không may bị dị tật bẩm sinh. Gia đình sợ dân làng phạt, bắt giết con, nên định mang ra rừng bỏ... Nhìn thấy đứa bé tội nghiệp, mình lại thuyết phục gia đình đưa nó về chăm. Nhưng cha thằng Luyến không đồng ý, bảo: "Nó bị dị tật, không nuôi được đâu, với lại sẽ bị làng phạt to lắm, không có tiền mua heo, bò, rượu để cúng Yàng đâu”. Mình phải ngồi giảng giải cho họ nghe, cam kết là làng không phạt. Cuối cùng họ cũng đồng ý. Bây giờ thằng Luyến lớn lắm rồi, nó chỉ bị dị tật 1 chút ở tay thôi.

Cách đây 16 năm, chị Rơ Châm Thon đã sinh đôi ra 2 bé trai kháu khỉnh, nhưng vì sinh đôi mà dân làng bắt phải bóp chết 1 đứa. Mình phải mất rất nhiều công sức thuyết phục, phân tích cho họ hiểu, đó là việc xấu, cần phải bỏ, chưa kể nếu làm vậy, dân làng sẽ phạm tội giết người… Sau đó mình nhận 2 đứa trẻ làm con nuôi. Bây giờ cả 2 thằng Rơ Châm Phót, Rơ Châm Phét đều cao lớn, đẹp trai và ngoan nữa”, giọng già làng H’lâm đầy tự hào.

Trở về đời thường, nữ già làng không chịu nghỉ ngơi, bà vẫn tiếp tục cống hiến cho quê hương. Mỗi ngày, bà đi một vòng quanh làng, thăm hỏi bà con và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Ảnh: Phúc Lập.

Trở về đời thường, nữ già làng không chịu nghỉ ngơi, bà vẫn tiếp tục cống hiến cho quê hương. Mỗi ngày, bà đi một vòng quanh làng, thăm hỏi bà con và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Ảnh: Phúc Lập.

Một hủ tục khác không kém phần ghê rợn, đó chính là tục người chết chôn chung. Theo quan niệm của người J’rai, thì chết là bước sang một cuộc sống khác. Vì thế mới có tục chia của cho người chết. Khi sống, các thành viên ở chung nhà, thì chết cũng nằm chung. Vì thế, khi gia đình có người qua đời, họ mang ra mộ của người trước, bật nắp áo quan lên và đặt người mới lên. Đồng thời, hàng này sẽ có người mang thức ăn ra mộ cho người chết… ăn, y như lúc còn sống. Cho đến khi làm lễ bỏ mả (Pơ thi) mới thôi.

“Đó là ngày xưa, còn bây giờ hủ tục này bỏ rồi. Hồi đó, mình bị phạt 3 con bò vì vận động bà con bỏ tập tục chôn chung, lập một nghĩa trang của làng. Nhưng dân làng không nghe, cho rằng mình đã phạm lời nguyền của thần linh, có tội với Atâu... Họ đòi đuổi khỏi làng "để làm con ma lẻ". Nếu không muốn bị đuổi thì pải nột phạt ba con bò để cúng thần linh, cúng Yàng trong 3 ngày, xin thần linh tha thứ”, già làng Ksor H’lâm cho biết.

“Ở xã này, già làng Ksor H’lâm là người được dân rất tin tưởng, quý trọng. Có những việc chính quyền không thể vận động được với người dân bản địa, chỉ cần già H’lâm đến tận nhà nói mấy câu là xong. Nhờ uy tín sau những lời nói đúng, việc làm đúng, mỗi khi có mâu thuẫn, tranh chấp ở các làng khác trong xã Ia Mơr, người ta đều đến nhờ già làng H’lâm phân giải”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr kể.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.