Đó là cách nghệ nhân A Biu hòa quyện tâm hồn mình với những vật dụng đã gắn bó với ông cả một đời.
Nghệ nhân đa tài, dễ thương
Đến Plei Klếch (làng Klếch), xã Ngọc Bay, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, hỏi bất cứ người dân nào, từ trẻ nhỏ đến người già, ai cũng có thể chỉ một lèo đến thẳng nhà nghệ nhân A Biu, 63 tuổi. Bởi trong cộng đồng Banar, ông được coi là nghệ nhân đa tài. Ngoài giỏi các loại hình văn hoá đặc trưng của đồng bào Banar như kho tàng sử thi đồ sộ, truyện cổ dân gian Banar, biểu diễn điêu luyện các nhạc cụ truyền thống, ông còn là tay chơi có tiếng các loại nhạc cụ hiện đại, như ghita, organ, đàn tranh, đàn bầu…
Năm nay ngoại lục tuần, dấu thời gian đã hằn sâu trên mái tóc “muối nhiều hơn tiêu” nhiều năm chưa cắt, nhưng A Biu luôn gây thiện cảm cho người đối diện bằng nụ cười thường trực, khoe hàm răng chỉ còn 1 cặp “bản quyền”.
A Biu khoe, ở làng này ai cũng thích đến “hom tay” của ông để gặp, trò chuyện và nghe ông kể sử thi Banar, tấu chiêng. Ngoài gia tài vô hình là “từ điển sống” về văn hoá Banar, không gian sống của gia đình A Biu là một gia tài hữu hình vô giá, đó là hàng trăm loại nhạc cụ cổ trong ngôi nhà nhỏ, như một bảo tàng văn hoá Banar thu nhỏ, những bộ chiêng quý với âm thanh mê hoặc, những bộ đàn T’rưng có những âm thanh réo rắt như dòng suối đang chảy, là cây đàn Ting ning âm điệu nhẹ nhàng, là chiếc kèn bầu 6 ống da diết…
Ngoài ra, còn hàng trăm loại ghè, ché rượu có tuổi đời hàng trăm năm. Ngoài sân là mô hình nhà Rông, cây nêu, thuyền độc mộc, cối giã gạo… Một khu vườn nhỏ xinh xắn, rợp mát bóng cây, ở mỗi góc vườn, gốc cây, A Biu đặt các loại nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt truyền thống của người Banar. Đây là nơi A Biu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, với mục đích chính là giới thiệu nền văn hoá đặc sắc của người Banar và hội tụ những người có cùng đam mê nhạc cụ Banar.
Bây giờ, Homestay A Biu đã trở thành một trong những điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Kon Tum. Người ta truyền tai nhau rằng, chủ homestay dễ thương, đàn hay hát giỏi, còn biết kể sử Banar nữa…Không chỉ thế, homestay A Biu còn có khu ẩm thực chuyên phục vụ các món ăn truyền thống của người Banar, một khoảng sân trước nhà được nghệ nhân A Biu cải tạo thành "sân khấu" biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, đốt lửa trại… do đích thân ông và các thành viên trong gia đình cùng các nghệ nhân trong làng biểu diễn. Ðoàn nghệ thuật "cây nhà lá vườn" này do ông quy tụ cũng trở thành một hạt nhân lưu giữ thứ văn hóa phi vật thể đặc biệt của Tây Nguyên, thường xuyên góp mặt trong các lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc.
A Biu tâm sự, cồng chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người Banar. Nó là máu thịt, là tiếng nói tâm linh, là nơi truyền tải niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, lao động và sinh hoạt hằng ngày. Người ta lấy chiêng ra để thay lời muốn nói, tâm sự với nhau trong cả lúc vui lẫn khi buồn. Nói thương nhau, giận nhau cũng bằng tiếng cồng chiêng. Hơn nữa, cồng chiêng còn là sợi dây gắn kết vững chắc giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc, các buôn làng.
“Thuở xa xưa, cồng chiêng là phương tiện giao lưu với các thần linh, là phương thức thông tin với cộng đồng gần xa về những việc vui, buồn diễn ra trong một cộng đồng làng, một gia đình. Gắn liền với nông lịch và vòng đời, cồng chiêng luôn luôn hiện diện và song hành cùng con người ngay từ lúc chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay về với tổ tiên. Tuy nhiên cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ bị mai một từ sự thờ ơ của một bộ phận dân cư, nhất là trong lớp trẻ đối với văn hóa cồng chiêng”.
Hoang hoải khát vọng
A Biu cho biết, ông từng có một gia sản có thể coi là lớn nhất Tây Nguyên xét trên góc độ cá nhân, đó là 20 bộ chiêng cổ. Trong đó có những bộ ông phải đổi bằng giá trị vài tấn thóc thời điểm cách đây gần 2 chục năm.
A Biu kể: “Mình thấy bà con khó khăn, mang những bộ chiêng quý tổ tiên để lại đổi lấy vài con gà, con lợn. Mà những người đổi từ nơi khác đến, họ chỉ biết nó cổ chứ không biết giá trị thực của nó, cũng không biết sử dụng. Họ thu mua vì mục đích kinh tế. Mình thấy bất kỳ ai muốn đổi, là tìm mọi cách ngăn cản họ, khi họ quyết tâm đổi thì mình tìm mọi cách đổi lấy mang về nhà gìn giữ. Mình giữ là giữ cho cộng đồng, cho con cháu”.
“Cồng chiêng để lâu hoặc do di chuyển, tiếng sẽ bị phô, lạc tông, cho nên phải chỉnh. Người chỉnh chiêng không chỉ nắm vững về kỹ thuật mà còn phải có tình yêu, sự đam mê. Đó chính là yéu tố quan trọng để làm sống dậy hồn chiêng, tạo nên sự độc đáo, khác biệt trong mỗi giọng điệu của chiêng. Với những chiêng rách, chiêng thủng, còn phải gò hàn, chắp nối lại. Kỹ thuật này còn khó hơn, đòi hỏi kinh nghiệm và thẩm âm cực nhạy. Người chỉnh chiêng ngày nay hiếm lắm. Họ được ví là "bà mụ" hay người hồi sinh cồng chiêng”, A Biu nói.
Năm 2005, không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể, lúc này nhiều nơi mới bắt đầu truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Mình đã mang hơn chục bộ chiêng tặng cho các nơi để họ có mà dạy cho các em. Bây giờ mình chỉ còn bảy bộ thôi, trong đó có chiêng Lào, Bom Pat và đặc biệt là bộ chiêng Klang Brông, còn gọi là chiêng đại bàng. Khi tiếng chiêng đại bàng cất lên, chim muông từ cách đây chín ngọn núi, mười con suối cũng nghe tiếng tìm về lắng nghe. Tùy từng bài và trình độ, cảm xúc của người đánh mà thanh âm khác nhau, khi nghe như tiếng thác chảy ầm ầm, khi khô lạnh như nước rơi vào đá, khi tí tách như tiếng chim chuyền cành trên cây khô…đó chính là hồn chiêng”, A Biu nói.
Không chỉ đến các trường phổ thông dạy múa xoang, tấu chiêng cho các em học sinh, ngay tại homestay A Biu này, cũng trở thành một trung tâm truyền dạy văn hoá truyền thống Banar. “Ban đầu mình không có ý định làm du lịch cộng đồng, cũng chẳng biết “hôm tay hôm tiếc” là gì, chỉ thường gặp mặt những người trong làng có cùng đam mê văn hoá truyền thống Banar, cùng biểu diễn, ôn luyện, mong muốn duy trì, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình thôi. Sau dần, nhiều người biết, tìm đến. Trong đó có rất nhiều khách “Tây”. Mình đầu tư dần dần, và mô hình homestay, du lịch cộng đồng A Biu ra đời từ lúc nào không hay”, A Biu cười, kể.
Truyền dạy và chế tác nhạc cụ, với A Biu là một nhu cầu thiết thân như cơm ăn nước uống, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Ðến giờ, A Biu không nhớ đã đi bao nơi, đã tấu lên bao nhiêu giai điệu nguyên sơ, đã chỉnh bao nhiêu bộ chiêng, một kỹ thuật khó làm nhất đối với chiêng.
Anh bạn tôi công tác ở Sở Văn hoá Kon Tum kể, Kon Tum có mấy chục nghệ nhân văn hoá truyền thống, nhiều người giỏi. Nhưng không ai qua được A Biu về đôi tai thẩm âm, về đôi bàn tay lướt nhẹ như gió trên núm chiêng, phím đàn. Chỉ cần A Biu lướt nhẹ bàn tay trên những núm chiêng, người nghe như cảm nhận thấy núi rừng rì rào, dòng suối, thác nước Tây Nguyên ầm ào. Không chỉ thế, A Biu còn có tài “mê hoặc” người nghe bằng những bài sử thi Banar hùng tráng, những câu chuyện cổ Banar hấp dẫn…
“A Biu là Nghệ nhân Ưu tú về di sản văn hóa cồng chiêng, múa xoang của Kon Tum. Là một trong số những nghệ nhân có nhiều đóng góp nhất trong Ðề án "Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025" của tỉnh. Nghệ nhân A Biu là người luôn đau đáu khát vọng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ, vì thế, ông đã dành nhiều thời gian đến các làng, các trường phổ thông trên địa bàn, tổ chức lớp dạy kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, chỉnh chiêng, múa xoang cho lớp trẻ”, ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Kon Tum.