Thời gianqua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch canh nông đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nửa năm 2023, cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động. Tuy nhiên, du lịch canh nông vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển, tiêu chí đánh giá chất lượng và năng lực quản lý.
Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới (Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025).
Nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn tại các địa phương và đề xuất các giải pháp xúc tiến thương mại, được sự cho phép và chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, ngày 22/9 tại TP. HCM, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Diễn đàn trực tiếp và trực tuyến “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”.
Diễn đàn có sự tham dự và chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, sự có mặt trực tiếp của đại diện lãnh đạo các tỉnh/thành phố; Sở NN-PTNT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương.
Với hơn 200 khách đăng ký tham dự trực tiếp và gần 500 điểm cầu trực tuyến, diễn đàn thu hút đại diện các doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP, hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên từ các trường đại học, doanh nghiệp lữ hành, cán bộ quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, du lịch, các hộ gia đình, nghệ nhân cùng các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM; ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 chủ trì Diễn đàn.
Ông Trần Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thành viên Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 và bà Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cùng điều hành Diễn đàn.
Theo chia sẻ từ các chuyên gia, Việt Nam hiện có nhiều loại hình du lịch nông thôn như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… Những loại hình du lịch này ở nông thôn giúp phát triển kinh tế nông thôn và tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp, mà mỗi cư dân tại địa phương cảm nhận qua những sản phẩm du lịch mà họ muốn giới thiệu đến du khách.
Bên cạnh đó, thế mạnh từ các sản phẩm nông sản địa phương để giới thiệu cho khách du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn. Đó là ý nghĩa và mong muốn mà Ban Tổ chức gửi gắm thông qua việc tổ chức Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”.
Diễn đàn này là kênh kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành với các địa phương, cùng nhau kết nối và đề xuất các giải pháp xúc tiến thương mại cho các sản phẩm du lịch nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP, phát triển các hoạt động du lịch nông thôn đi vào chiều sâu trong bối cảnh hiện nay.