An Giang là 1 trong những tỉnh có sản lượng nuôi cá tra thương phẩm lớn tại vùng ĐBSCL. Trong số 5.500ha cá tra thương phẩm của toàn vùng, An Giang có đến 1.200ha nuôi cá tra thương phẩm cho sản lượng khoảng 450.000 tấn, kim ngạch đạt gần 380 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ cơ sở sản xuất cá tra giống ở xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu (An Giang) có hơn 20 năm trong nghề chia sẻ, sau một thời gian dài cá tra giống nằm ở mức thấp khoảng 25.000 - 26.000 đồng/kg (loại 30 con/kg), nay con giống cá tra tại An Giang đã bắt đầu tăng trở lại giúp cho người sản xuất giống cá tra có lợi nhuận.
Hiện loại cá 30 con/kg, thương lái tìm mua với giá 29.000 - 32.000 đồng/kg, tăng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với 2 tháng trước.
Theo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện toàn vùng ĐBSCL có 103 cơ sở sản xuất giống cá tra. Có đến 1.913 cơ sở ương dưỡng, tập trung nhiều tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, TP Cần Thơ.
Ông Thanh lý giải, giá cá tra tăng trở lại nguyên nhân do cung ít, cầu nhiều đã làm thị trường cá tra giống nóng lên. Thương lái tìm mua cá giống không còn phân biệt bầy lớn, bầy nhỏ, cá trong ao không bị bệnh ở mang thương lái đưa ghe đến mua toàn bộ.
Sở dĩ cá tra giống hút hàng là do thời điểm hiện nay Nam bộ đang vào giai đoạn mưa nhiều, cá ương từ bột lên giống đạt chất lượng rất thấp.
Ngoài yếu tố thời tiết, nhiệt độ bên trong ao nuôi cũng tăng giảm bất thường, mưa thường xuyên đã làm phát sinh dịch bệnh, chi phí nuôi tăng lên, trong nghề gọi đây là mùa nghịch. Chính vì vậy việc can thiệp thú y thủy sản cho đàn cá giống ở thời điểm này rất quan trọng, để cá đạt sản lượng tốt cung cấp cho thị trường.
Theo ông Lê Thành Tâm, chủ cơ sở sản xuất cá giống ở xã Phú Hòa, huyện Châu Thành (An Giang), giá cá tra giống tăng là do thị trường đang thiếu con giống để thả nuôi thương phẩm.
Từ doanh nghiệp đến hộ nuôi cá thể, ai cũng tìm giống thả vào hầm. Thả giống vào thời điểm này, một mặt để tận dụng thời cơ thị trường cá tra xuất khẩu đang tăng trưởng mạnh trở lại từ đây đến cuối năm và những tháng đầu năm 2024.
Ông Trần Anh Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, những năm gần đây, tình hình sản xuất giống cá tra ngày càng khó, một mặt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mặc khác chất lượng nguồn nước suy giảm.
Trong đó thức ăn cho cá giống rất quan trọng, nhiều cơ sở sản xuất cá tra giống tham chọn mua thức ăn rẻ, kém chất lượng dẫn đến đàn cá không đảm bảo về mặt chất lượng, từ đó tỷ lệ ương từ cá bột lên cá giống đạt thấp. Điều này đặt ra cho toàn ngành phải tìm một giải pháp để đảm bảo nguồn cung giống chất lượng, phục vụ cho chương trình xuất khẩu cá tra của cả nước.
Những năm gần đây, để nâng cao hiệu quả trong sản xuất giống cá tra, bên cạnh việc tuyển chọn cá bố mẹ bằng phương pháp di truyền, ngành nông nghiệp cũng đã khuyến khích người dân sử dụng vacxin đối với giai đoạn con giống. Đây là lá chắn để dịch bệnh trong quá trình nuôi được hạn chế đến mức thấp nhất và dòng vacxin được sử dụng thông dụng hiện nay là Panga 2.