An Giang là cái nôi sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu lớn nhất nhì ở khu vực ĐBSCL. Đến nay, địa phương này đã xây dựng và triển khai rất thành công các chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp phục vụ con giống chất lượng cao khu vực ĐBSCL.
Các chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, bình quân mỗi năm sản xuất trên 12 tỷ cá tra bột và 1,2 tỷ cá tra giống có truy xuất nguồn gốc. Chất lượng cá tra bột được đánh giá tốt hơn cá tra bột sản xuất ngoài chuỗi liên kết như hoạt động nhanh nhẹn, kích thước lớn hơn, tỷ lệ sống cá ương 15 ngày tuổi cao hơn…
Cụ thể, cấp 1 là Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, đến nay đã cung cấp trên 12.000 con cá tra bố mẹ thay thế khoảng 30% tổng đàn cá tra bố mẹ trong tỉnh An Giang.
Cấp 2 với nồng cốt là Trung tâm Giống thủy sản An Giang và một số cơ sở sản xuất liên kết, tổng số số lượng cá bố mẹ 26.300 con (chiếm 64% số lượng cá tra bố mẹ toàn tỉnh), năng lực cung cấp 6,8 tỷ bột/năm. Các đơn vị này đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất ương dưỡng giống thủy sản.
Cấp 3 gồm các chi hội ương giống cá tra với tổng số 54 hội viên, tổng diện tích mặt nước ương là 251ha (chiếm hơn 43% diện tích ương giống của tỉnh hiện nay), năng lực sản xuất giống là 700-800 triệu con/năm. Phối hợp với Hiệp hội Thủy sản tỉnh hướng dẫn hội viên thực hiện các điều kiện ương dưỡng giống thủy sản, đăng ký kiểm tra và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện.
Về tiến độ triển khai các vùng ương giống cá tra tập trung, đã mời gọi nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư các vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao tham gia Đề án cá tra 3 cấp như: Tập đoàn Việt Úc (104ha), Công ty TNHH MTV Nam Việt (600ha, với 150ha ương giống ở huyện Châu Phú), Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (48ha), Cty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi (350ha)...
Điện Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc chia sẻ, doanh nghiệp đã đầu tư khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao với quy mô hơn 200ha, xây dựng khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao với 18 nhà màng, diện tích mỗi nhà 200m2.
Bên cạnh đó, có khu lưu giữ cá bố mẹ cho chọn tạo giống, với đàn cá tra bố mẹ được chọn lọc theo quy trình công nghệ cao, số lượng đã được tuyển chọn là 2.000 con thu thập số liệu và đang trong quá trình báo cáo đánh giá do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 thực hiện.
Đồng thời, tiếp nhận thêm 1.000 con cá tra bố mẹ của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 để nghiên cứu sản xuất giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho nuôi thương phẩm của An Giang và khu vực ĐBSCL.
Còn Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai hiện hợp tác với Trung tâm Giống thủy sản An Giang thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm giống Thủy sản An Giang thành Trung tâm giống cấp vùng phục vụ cho phát triển hệ thống giống cá tra 3 cấp chất lượng cao như: Nâng cấp trang thiết bị Trại giống Bình Thạnh 2 phục vụ cho việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; Xem xét mở rộng diện tích tại Trại giống Bình Thạnh.
bên cạnh đó, lập dự án mở rộng đầu tư, xác định các hạng mục cần đầu tư, hợp tác với các tổ chức quốc tế đặc biệt là công nghệ của Israel, hợp tác với các Viện Nghiên cứu thủy sản 2 và các trường đại học để liên kết chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lai tạo và phát triển đàn cá bố mẹ.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Địa phương đang tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản trong thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm mà trong đó doanh nghiệp tiêu thụ là hạt nhân của liên kết chuỗi.