Đa số các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm mua giống tại các cơ sở sản xuất, ương dưỡng có hạ tầng chưa đáp ứng quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP. .
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ Phạm Trường Yên cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 40 cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh con giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện và đang hoạt động. Trong đó, giống cá tra được cung ứng khoảng 6 triệu con. So với điều kiện sản xuất thực tế, chất lượng con giống chưa được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, mạng lưới phân phối vật tư đầu vào tiếp thị sản phẩm đến tận hộ nuôi, buôn bán tràn lan trên các trang mạng xã hội đã gây khó khăn trong công tác quản lý chất lượng.
Chi cục Thủy sản TP. Cần Thơ kiến nghị Cục Thủy sản xây dựng thương hiệu giống cá tra chất lượng, thông qua liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp với các tỉnh ĐBSCL nhằm phát huy lợi thế cho địa phương. Đồng thời, đề xuất Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản cho các vùng nuôi tập trung nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị. Ngoài ra, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình cùng tham gia đầu tư sản xuất giống, cung ứng con giống chất lượng cao cho người nuôi.
Thời gian qua, TP. Cần Thơ đã xây dựng đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Qua đó, tạo điều kiện cho các hộ nuôi cá tra có điều kiện phát triển sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên hiện nay, trước bối cảnh chi phí đầu tư thức ăn tăng, giá cá lại liên tục sụt giảm làm hiệu quả kinh tế của các hộ nuôi không cao. Hơn nữa, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã với doanh nghiệp thời gian qua chưa chặt, dẫn đến chưa hài hòa lợi ích giữa các bên.
Trong năm 2023, TP. Cần Thơ thả nuôi 588ha cá tra, sản lượng nuôi đạt gần 108.000 tấn. Hiện giá bán cá tra nguyên liệu dao động từ 25.500 - 26.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với tháng trước, giá thành bình quân 27.000 - 28.000 đồng/kg. Thành phố hiện có 30 hộ nuôi đang cung cấp nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Đối với nuôi thương phẩm, nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, TP. Cần Thơ đã áp dụng các quy phạm thực hành nuôi tốt, quy trình nuôi tiên tiến, các biện pháp nuôi đảm bảo an toàn môi trường, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả nuôi. Điển hình như áp dụng các tiêu chuẩn: VietGAP, BAP, BMP, ASC… Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn trên của thành phố đạt trên 220ha.
Định kỳ, Chi cục Thủy sản thành phố cũng thực hiện thu mẫu, phân tích và tổng hợp kết quả các chỉ tiêu lý hóa 4 lần/tháng. Hệ thống quan trắc tự động cũng đã được lắp đặt, hướng tới sử dụng công nghệ số để quản lý nguồn nước để theo dõi tình hình chất lượng nước nuôi cá lồng bè.
Đến nay, Chi cục Thủy sản TP. Cần Thơ đã thực hiện cấp 9 giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè đối với cá tra, với 49 ao nuôi, trên quy mô 40,36 ha. Bên cạnh đó, đơn vị đã thẩm định 64 vùng nuôi của 38 cơ sở nuôi trồng thủy sản về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Dịp này, Đoàn kiểm tra của Cục Thủy sản thực địa rà soát về điều kiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá tra tại 4 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn TP. Cần Thơ. Qua đó, hướng dẫn cơ sở hoàn thiện các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hệ thống xử lý nước thải tại vùng nuôi.
Từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi thủy sản trên địa bàn TP. Cần Thơ đạt trên 3.700 ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Diện tích thu hoạch trên 1.400 ha với sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt hơn 124.000 tấn. Tổng sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đến tháng 7/2023 gần 127.000 tấn, tang 7% so với cùng kỳ.