| Hotline: 0983.970.780

Lá dong xuất bán trời Tây

Chủ Nhật 04/02/2024 , 17:31 (GMT+7)

Xã Trưng Trắc (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) chỉ có khoảng 8ha lá dong nhưng mang lại cho người dân địa phương gần 7 tỷ đồng/năm.

Càng gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, làng Tuấn Dị (xã Trưng Trắc, Văn Lâm, Hưng Yên) càng thu hái, mua bán lá dong khẩn trương hơn thường lệ, bởi bên cạnh cắt lá dong giao sỉ cho thương lái, các gia đình ở đây còn bán lẻ cho những người dân quanh khu vực.

Ông Đào Quang Huy, Bí thư Đảng ủy xã Trưng Trắc cho biết, do địa bàn xã nằm dọc bên bờ một con sông cũ, sau này được mở rộng và nhập vào hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải nên hầu hết diện tich đất tự nhiên của địa phương đều là đất phù sa cổ, rất tơi xốp, phù hợp cho trồng cây lá dong.

Vườn lá dong trồng xen dưới tán cây cau. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn lá dong trồng xen dưới tán cây cau. Ảnh: Hải Tiến.

Cây lá dong đã được trồng ở đây từ hàng trăm năm. Những năm trước 1990, diện tích cây lá dong của xã đạt tới 70 - 80ha, chủ yếu trồng xen canh dưới tán các cây lưu niên trong vườn nhà ở 7/7 thôn của xã. Sau này, do tốc độ đô thị hoá nhanh, diện tích lá dong bị giảm dần, nhưng hiện vẫn duy trì được khoảng 8ha, được giâm trồng nhiều nhất ở hai thôn Tuấn Dị (4ha) và An Lạc (2ha), số còn lại trồng phân tán ở khắp các thôn khác.

"Diện tích trồng lá dong không nhiều nhưng mỗi năm cũng mang về gần 7 tỷ đồng cho các hộ dân trong xã (chưa tính nguồn thu từ các cây ăn quả trồng xen). Nhiều năm nay, cây lá dong của xã đã gắn kết được với chuỗi giá trị tiêu dùng. Tại địa phương cũng có thương lái mua gom lá dong hàng ngày để bán lại cho các hộ gói, kinh doanh bánh chưng, bánh tẻ, bánh âm, bánh dày ở khắp các tỉnh thành trong nước. Vào các dịp Tết, làng Tuấn Dị còn xuất khẩu được lá dong sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga và Cộng hoà Séc...", ông Đào Quang Huy cho biết.

Ông Đỗ Xuân Khu ở thôn Tuấn Dị trồng 2 sào (360m2) cây lá dong dưới tán các cây sấu cổ thụ, bình quân mỗi tháng cắt bán được 6 triệu đồng tiền lá. Riêng tháng Chạp này, ông Khu thu được trên 7 triệu đồng nhờ bán lẻ lá dong trực tiếp cho người tiêu dùng, không phải qua thương lái.

"Cây lá dong rất dễ trồng, nhiều hộ ở đây chỉ tách một vài mầm nhánh ở khóm cây, đem vùi nhẹ bên cạnh ngõ đi của gia đình, sau mỗi lần quét sân, dọn nhà, thu gom bụi rác đổ vào gốc cây, mấy tháng sạu, lá dong đã xanh tốt, mọc lan phủ kín khắp các ngõ xóm", ông Khu kể.

Một chiếc lá dong được coi là đẹp, chất lượng tốt. Ảnh: Hải Tiến.

Một chiếc lá dong được coi là đẹp, chất lượng tốt. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Khương Văn Vinh ở thôn An Lạc trồng 3 sào lá dong, năm nay cũng thu được trên 110 triệu đồng. Theo ông Vinh, lá dong là cây trồng ưa bóng, sinh trưởng, phát triển khoẻ, trồng 1 lần cho thu hoạch cả đời, có thể cho thu hoạch lâu hơn nữa nếu không để các khóm cây bị úng ngập cục bộ. Đặc biệt, do cây lá dong chịu khuất tán, sinh trưởng nhanh nên các loại cỏ dại không thể phát sinh cạnh tranh với cây lá dong.

Cây lá dong cũng ít khi bị sâu bệnh hại và không phàm "ăn", trồng thâm canh chỉ cần rắc gốc 500kg phân hữu cơ hoai mục và 25kg NPK/360m2 (1 sào)/năm, trong đó phân hữu cơ bón tháng 1 - 2, NPK chia đều bón cho 12 tháng (sau mỗi lứa thu hoạch lá).

Bà Trương Thị Bắc là thương lái chuyên lá dong ở thôn Tuấn Dị cho hay, bình quân mỗi tháng bà mua về và bán ra khoảng 10 vạn lá dong. Ngoài xuất đi các tỉnh như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình..., bà Bắc còn cung ứng lá dong để gói bánh chưng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (lễ hội Đến Hùng – Phú Thọ) hàng năm. Đồng thời còn xuất khẩu được hàng chục vạn chiếc lá dong sang Liên bang Nga, Nhật Bản và Cộng hoà Séc.

Gói bánh chưng bằng lá dong. Ảnh: Hải Tiến.

Gói bánh chưng bằng lá dong. Ảnh: Hải Tiến.

Bà Bắc cho biết, bà thu mua tất cả các loại lá dong xấu, đẹp, to, nhỏ, sau mang về sơ chế lại, rồi loại nào bán cho khách ấy, lá to bán cho người gói, kinh doanh bánh chưng to; loại nhỏ bán cho gói bánh trưng nhỏ; nhỏ hơn nữa dùng gói bánh tẻ hoặc bao ngoài bánh dày hay dùng gói xôi thay hộp nhựa xốp loại sử dụng 1 lần, qua đó giúp mọi người cùng bảo vệ sinh môi trường, sinh thái.

Theo bà Bắc, bánh chưng được gói bởi lá dong trồng ở đồng bằng luộc chín bóc ra sẽ cho màu xanh đều và hương thơm đặc trưng, đồng thời cho phép bảo quản bánh tự nhiên được dài ngày hơn so với bánh chưng gói bằng lá dong rừng.

"Lá dong được coi là đẹp và chất lượng tốt bản lá phải dày, màu xanh lục đều, không có vết sâu bệnh và phải còn lành nguyên, không khô mép, không rách, xước, kích thước lá tuỳ theo. Dùng cho gói bánh chưng to, bản lá phải rộng 30 - 35cm, dài 50 - 60cm, cuống lá dài chừng 15 - 18cm", bà Bắc bật mí.

Người tiêu dùng có thể mua lá dong trước Tết khoảng 5 - 7 ngày, cuộn tròn lại, tưới ẩm, bao kín lá bằng vỏ túi bã mía hoặc quần áo cũ rồi dựng cắm gốc cành xuống những nơi thoáng mát, khuất gió.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.