Làm gì trước nạn bạo hành nhân viên y tế
Gần đây, nhiều vụ việc nghiêm trọng từ việc đánh bác sỹ khiến dư luận bức xúc. Hồi giữa năm 2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu tỉnh Hải Dương chỉ đạo cơ quan chức năng tỉnh này điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng hành hung bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa huyện Bình Giang. Nhóm thanh niên đã đánh bác sỹ trọng thương phải nhập viện.
Theo báo cáo của Tổ chức y tế giới, nhân viên y tế có nguy cơ bị bạo lực cao trên toàn thế giới. Khoảng 8% đến 38% nhân viên y tế bị bạo lực thể xác tại một số thời điểm trong sự nghiệp của họ.
Trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2018, đã có 36 vụ tấn công nhân viên y tế xảy ra trong 20 tỉnh thành, ở các cấp từ trạm y tế, bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh đến bệnh viện truyến trung ương. Từ năm 2019 đến nay, có khoảng 20 vụ bạo hành nhân viên y tế.
Nghiêm trọng nhất là bạo hành dẫn đến chết người, bị hiếp dâm và bị chấn thương ở các mức độ từ phần mềm đến thủng màng nhĩ, rách giác mạc, chấn thương đầu mặt và chấn thương sọ não.
Có 20 tỉnh, thành trong cả nước đã xảy ra các vụ tấn công nhân viên y tế. Hà Nội là địa phương xảy ra nhiều vụ tấn công y bác sĩ nhất cả nước (chiếm 1/5 vụ) trong mấy năm qua. Thiết bị y tế, cơ sở khám chữa bệnh bị đập phá, công việc bị cản trở là những tổn hại về cơ sở vật chất được ghi nhận. Tất cả các vụ hành hung trên đều xảy ra ở những cơ sở y tế công lập.
Bạo hành nhân viên y tế được lý giải thế nào?
Mối quan hệ bác sĩ và bệnh nhân thường theo hệ thống thứ bậc, bác sĩ có vị trí quyền lực cao hơn bệnh nhân. Quyền lực của bác sĩ dựa trên cơ sở văn hoá những người bệnh phải hợp tác với bác sĩ, và được củng cố hơn nữa bằng thực tế bác sĩ có kiến thức mà bệnh nhân không có.
Các hành vi của con người được tạo tác bởi những suy nghĩ trong mối quan hệ tương tác với môi trường bên ngoài. Và do sự nhận thức sai lệch, nó dẫn đến hành vi sai lệch.
Trong hành vi xã hội của cá nhân, đáng chú ý có tâm lý vô thức: “đổ lỗi”. Con người nhiều khi có hành động đổ lỗi cho người khác, “đây là một cơ chế tâm lý khá phổ biến và quan trọng. Đổ lỗi là một phương tiện tâm lý để chúng ta “đẩy ra” hoặc “trút bớt” lỗi lầm, khuyết điểm của chính mình.”
Trong lĩnh vực y tế, sự thất bại của việc chữa trị bệnh là không thể tránh khỏi. Sự thất bại này được nhận thức tùy theo từng người; thái độ và hành vi của người bệnh hay người nhà bệnh nhân đối với sự thất bại này không giống nhau.
Có những người đổ lỗi sự thất bại này là do bác sỹ (trình độ và sự tận tụy của bác sỹ), do các quy trình chữa bệnh (ví dụ, bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân trước những yêu cầu về các thủ tục hành chính và các thủ tục kiểm tra bệnh của nhân viên y tế cho rằng nhân viên y tế đang gây khó khăn cho mình…) và nhiều nguyên nhân khác và khả năng mâu thuẫn, xung đột rất dễ xảy ra ở môi trường đặc thù này.
Đối với nhân viên y tế và người dân, bạo lực tinh thần chưa được coi trọng bằng bạo lực thể chất. Người dân còn có những “thông cảm” đối với tình huống và người gây bạo lực tinh thần. Bạo lực thể chất không được ai “thông cảm” nhưng sự ngăn chặn là rất khó khăn đối với điều kiện hiện nay.
Vấn đề then chốt để phòng tránh hành động quá khích từ phía bệnh nhân hay người nhà là kỹ năng giao tiếp của nhân viên y tế trong nhiều tình huống phải có sự linh hoạt.
Sự bình tĩnh cần có đối với nhân viên y tế, vì người tấn công không phải vì họ thù hằn cá nhân họ từ trước mà xuất phát từ sự lo lắng cho người nhà và sự chậm trễ hay sự im lặng của bạn.
Khi nhân viên y tế thể hiện được thiện chí và hành động hết sức mình, thông cảm với nỗi đau và lo lắng của họ bằng đối thoại và kỹ thuật chuyên môn hiệu quả thì sự căng thẳng sẽ giảm đi nhiều.
Khi gặp tình huống có nguy cơ “bùng nổ” bằng bạo lưc, người nhân viên y tế cần phải nhận ra nó và tìm cách hóa giải. Việc đôi co tranh cãi chỉ làm tình hình căng thẳng hơn, nhưng cần ôn tồn giải thích phương pháp cấp cứu/điều trị của mình với tinh thần tôn trọng bênh nhân và gia đình. Nếu thấy cần, phải kêu thêm người hỗ trợ, vì phải đề cao an toàn của nhân viên y tế.
Bạo hành nhân viên y tế sẽ bị phạt tù
Công đoàn Y tế Việt Nam đã đề ra văn bản hướng dẫn các công đoàn cơ sở phòng và xử lý khi có đoàn viên công đoàn, người lao động bị bạo hành tại các cơ sở y tế số 01/HD-CĐYT ngày 10/01/2019. Các quy định pháp luật để bảo vệ người dân trước các hành vi bạo lực cũng đã đầy đủ.
Đối với ngành Y, luật Khám bệnh, chữa bệnh (2009) cũng đã nêu rõ quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan khi đến cơ sở y tế.
Trong đó, cũng nêu rõ các hành vi bị cấm từ bạo lực tinh thần hay bạo lực thể chất đối với nhân viên y tế. Tuy nhiên, việc thực thi đối với lực tinh thần ít được quan tâm, mà chủ yếu khi các sự việc xảy ra, bệnh nhân/người nhà bệnh nhân thường giải quyết bằng cách giải hòa dân sự. Hành vi bạo lực thể chất thể hiện cụ thể hơn nên việc thực thi việc này cũng dễ xác định và có các biện pháp mạnh mẽ hơn.
Bạo hành nhân viên y tế được xem là hành vi nhức nhối đối với xã hội. Để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trong quá trình hành nghề, tại nhiều bệnh viện trên cả nước, hệ thống camera và an ninh được đầu tư, thắt chặt và kiểm soát chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, đặc biệt là “người chữa bệnh cho mình”, sẽ bị xử lý hình sự, mức phạt tối đa lên tới 3 năm tù.
Không chỉ dừng lại ở khía cạnh luật pháp và đảm bảo an ninh cho nhân viên y tế, một số đề xuất các nhóm giải pháp ở các góc độ: thầy thuốc, bệnh viện, ngành y tế, các ngành liên quan, cơ quan truyền thông, cộng đồng cũng phải được triển khai đồng bộ.