| Hotline: 0983.970.780

Lâm sản ngoài gỗ: Tiềm năng nhiều, khai thác chưa bao nhiêu

Thứ Ba 14/09/2010 , 10:41 (GMT+7)

Để nâng cao hiệu quả khai thác kinh tế từ rừng, vừa qua tại Lạng Sơn, Bộ NN- PTNT đã tổ chức hội thảo về các loại cây lâm sản ngoài gỗ.

Để nâng cao hiệu quả khai thác kinh tế từ rừng, vừa qua tại Lạng Sơn, Bộ NN- PTNT đã tổ chức hội thảo về các loại cây lâm sản ngoài gỗ. Những giống cây được xem xét, đánh giá ở đây phần lớn được trồng thử nghiệm nhiều năm và đã thành công tuy nhiên chưa có điều kiện để thực hiện nghiên cứu, đánh giá tổng kết trên diện rộng...

1. Trồng dẻ ghép - thu 100 triệu/ha/năm

Dẻ là cây quả khô, hạt có nhiều đường bột, giầu chất dinh dưỡng, dùng để ăn tươi và chế biến các loại thực phẩm cho người. Ở một số nước trên thế giới, từ lâu người ta trồng dẻ như một loại cây lương thực, có giá trị xuất khẩu…

Tổng sản lượng dẻ hàng năm trên toàn thế giới khoảng 90 vạn tấn. Mỗi năm Italia thu hoạch 16,6 vạn tấn, xuất khẩu 3,5 vạn tấn. Tại các nước Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc sản lượng dẻ cũng từ 3- 5 vạn tấn/năm. Ở Trung Quốc đã có 300 giống đưa vào sản xuất, trong đó có 50 giống đã thương mại hóa. Tính đến năm 2005, diện tích trồng dẻ của TQ đạt 1,25 triệu ha, bằng 1/3 diện tích dẻ thế giới. Chất lượng hạt dẻ TQ rất tốt, hàm lượng đường và tinh bột 63-67%, protein 5,7-10,7%, chất béo ít chỉ khoảng 2-7%.

Năm 1999, Cty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc đã tiến hành nhập một số giống dẻ có nhiều đặc tính ưu việt của Trung Quốc như dẻ 2 vụ, Dẻ nông đại 1, Cửu gia chủng… trồng khảo nghiệm tại Lạng Sơn. Sau khi ghép với gốc dẻ Trùng Khánh – Cao Bằng, giống Cửu gia chủng đã cho nhiều kết quả khả quan.

Thực sinh cây dẻ ăn quả phải từ 8-10 năm mới có quả bói. Tuy nhiên đối với giống dẻ ghép ở Lạng Sơn chỉ sau 3 năm đã có quả năng suất từ 3-5 kg/cây, các năm sau năng suất tăng dần và sẽ ổn định khoảng 12-15 kg ở năm thứ 6, lâu hơn nữa cây có thể đạt 20 kg/năm. Hạt dẻ thu được từ giống dẻ ghép ở Lạng Sơn kích thước trung bình rất lớn, trọng lượng 12-16 gam/hạt, thậm chí đạt 20 gam/hạt, có mầu vàng tươi, ăn thơm, bùi hơn dẻ Trung Quốc. Giống dẻ này có dạng thấp và cũng chín sớm hơn dẻ Trùng Khánh trên một tháng.  Với giá bán tại Lạng Sơn những năm qua trung bình 30.000 đồng/kg mà năng suất trung bình đạt được 2.800 – 3.600 kg/ha thì hiệu quả kinh tế tương đương 84 triệu – 108 triệu đồng/ha/năm.

Bà Chu Thúy Sung, xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn là người dân đầu tiên trồng thử giống dẻ lai của Cty CP Giống Lâm nghiệp vùng Đông Bắc cho biết gia đình bà bắt đầu đưa cây dẻ vào năm 2003. Thấy dẻ phát triển nhanh, chỉ sau 2 năm đã bói quả nên gia đình tiếp tục nhân rộng lên tới 3 ha, trung bình mỗi ha trồng khoảng 300 cây. Ba năm trở lại đây, những cây trồng đầu tiên đã cho năng suất bình quân 11-12 kg/cây.

Về thị trường đầu ra thì bà Sung hoàn toàn không phải lo nghĩ bởi phần lớn đều được đặt hàng từ trước. Vào mùa chỉ việc thu hoạch và phân loại hạt rồi thương lái sẽ tới cân dẻ ngay tại vườn. Dẻ chín bán 50.000 đồng/kg, dẻ xanh bán 25.000 đồng/kg. Khoảng 4 năm trở lại đây, năm nào bà Sung cũng có trên trăm triệu tiền dẻ, chi phí chăm sóc cho 3 ha cây dẻ chưa đến 10 triệu đồng/năm. Khoản thu nhập này sẽ lớn dần lên khi cây dẻ bước vào thời kì nở rộ, độ tuổi 12 – 40, lúc ấy mỗi cây có thể cho thu hoạch từ 20- 22 kg hạt.

Hiện một số giống dẻ mới đã được trồng thử nghiệm tại Lạng Sơn, Bắc Kạn, Yên Bái… tuy nhiên mới thực sự thành công ở Lạng Sơn. Tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn cây được trồng làm 2 đợt. Lần 1 cây sống khỏe và bắt đầu cho hạt. Lần 2 cây chết hết do trồng sai thời vụ.

Ở Yên Bái, cây dẻ xanh tốt nhưng không đậu quả. Trường hợp này theo bà Chu Thúy Sung, có thể tương tự như đã xảy ra đối với vườn dẻ của bà tại Lạng Sơn. Cành chồi dẻ gốc phát triển quá nhanh làm suy yếu cành mẹ lai ghép, khiến cây không thể đậu quả. Để khắc phục bà Sung phải lưu ý chặt bỏ các cành dẻ gốc, để cây tập trung nuôi dẻ ghép.

Như vậy, vườn trồng dẻ chỉ phải đầu tư một lần mà có thể thu hoạch liên tục trong vòng 30 năm. Cây dẻ ăn quả có tính chống chịu cao, ít sâu bệnh, qua thực tế trồng hàng chục năm tại Lạng Sơn nhưng chưa thấy sâu bệnh, ngoài bọ cánh cứng ăn lá vào 1-2 năm đầu, từ năm thứ 3 trở đi không xuất hiện. Hơn nữa, do có phổ thích nghi nhiệt độ rộng, nên cây dẻ sinh trưởng phát triển ổn định, không bị mất mùa theo chu kì như các loại cây ăn quả khác.

Bộ rễ dẻ rất khỏe, chịu được độ dốc trên 20 độ, có thể sinh trưởng tốt trên đất nghèo kiệt, mùa đông khô hạn nên rất thích hợp cho vùng miền núi. Dẻ sinh trưởng tốt nhất ở nơi có độ pH của đất từ 4.5-7.5. Với đất xốp, tầng đất sâu, rễ dẻ phát triển mạnh. Tuy nhiên do dẻ ưa khô, chịu hạn, yêu cầu về nước rất ít nên ở các vùng nóng ấm, có mưa xuân kéo dài việc thụ phấn sẽ bị ảnh hưởng, vào vụ thu gặp hạn cũng có thể gây hiện tượng “đấu rỗng”. Trước khi quả chín gặp mưa nhiều cũng gây rụng quả, giảm chất lượng quả. Vì vậy ở nơi gặp hạn nếu có điều kiện thì nên tưới ẩm, vào mùa mưa chú ý tiêu nước, không để úng nước gây thối rễ.

Dẻ ghép là loại cây ưa nắng, có yêu cầu cao về ánh sáng. Nếu đủ ánh sáng, tán cây phát triển trong điều kiện thông thoáng, chồi hoa có chất lượng tốt, năng suất mới cao. Ngược lại nếu trồng quá dày, cành lá dày đặc cường độ chiếu sáng của cây ở phần gốc và bên trong tán ít hơn phần ngọn 30% sẽ làm cho sự sinh trưởng của cành khó khăn, dễ gây nên hiện tượng suy tàn, khô héo ở phần giữa và gốc tán. Do đó, chỉ nên trồng dẻ với mật độ 600 cây/ha. (Còn nữa)

Xem thêm
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế về tỉnh Gia Lai

Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã đề nghị một số địa phương nộp hơn 57 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.