14h27 ngày 30/3/1981, tổng thống Mỹ Ronald Reagan, khi ấy 70 tuổi và mới bước vào nhiệm kỳ được hai tháng, rời khỏi khách sạn Washington Hilton sau bài phát biểu trước các lãnh đạo Liên hiệp Lao động và Đại hội các Tổ chức Kỹ nghệ Mỹ (AFL-CIO). Trong lúc ông bước qua cánh cửa khách sạn, cách đó khoảng 5 mét, John Hinckley Jr. đang đứng chờ sẵn, lăm lăm khẩu súng lục trên tay. Tổng thống Reagan vừa vẫy chào đám đông vừa bước tới chiếc limousine bọc thép mở sẵn cửa, theo CNN.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan được hộ tống vào xe trong vụ ám sát năm 1981. Ảnh: AP. |
Chưa đầy hai giây, Hinckley nã liên tiếp 6 phát súng. Thư ký báo chí James Brady trúng đạn. Nhân viên Mật vụ Mỹ Timothy McCathy và sĩ quan cảnh sát Washington Thomas Delahanty cũng bị thương. Một viên đạn trúng cửa kính chiếc limo của tổng thống, viên khác bắn vào thân xe và nẩy ra.
Trưởng đặc vụ Jerry Parr bám lấy vai tổng thống Reagan, vội vã đẩy ông vào xe. Cùng lúc, mật vụ Ray Shaddick dùng lưng che cho tổng thống và đóng sập cửa lại. Đoàn xe lao như tia chớp khỏi hiện trường.
“Tôi tưởng mình đã đưa được tổng thống thoát khỏi nơi đó an toàn”, Shaddick nhớ lại.
Trên đường tới Nhà Trắng, Parr bỗng nhìn thấy máu thấm vào chiếc khăn tay đang ép lên môi tổng thống Reagan. Ông lập tức thông báo thay đổi kế hoạch. Họ hướng tới Bệnh viện Đại học George Washington. Shaddick, lái một chiếc xe hộ tống phía sau, không hỏi cặn kẽ chi tiết bởi đường dây liên lạc chưa được mã hóa.
Khi họ tới bệnh viện, Shaddick mở cửa chiếc limo. Tổng thống Reagan bước ra và nói ông vẫn ổn, song gương mặt tái nhợt. “Bạn có thể thấy gương mặt ông ấy xám ngoét lại”, Shaddick kể. “Ông ấy không ổn chút nào”.
Tổng thống Reagan tự mình bước vào phòng cấp cứu trước khi ngã quỵ. Ông mô tả về cơn đau ở sườn và cảm giác khó thở. Đội ngũ y tế phát hiện viên đạn nẩy ra từ xe đã găm trúng phần phía dưới nách trái của tổng thống.
Trông như ai đó “dùng con dao gọt hoa quả đâm ông ấy”, Shaddick tả.
Reagan vẫn tỏ ra bình tĩnh, đùa với vợ rằng mình đã “quên không né” và hỏi rằng các bác sĩ tham gia cứu chữa đều là người Cộng hòa cả chứ.
Cuộc phẫu thuật diễn ra và phải mất một tiếng các bác sĩ mới gắp được viên đạn khỏi ngực tổng thống Reagan. Viên đạn nằm cách tim chỉ vài cm. Tổng thống Mỹ mất nhiều máu. Bác sĩ cho hay ông có thể rơi vào trạng thái sốc và chết nếu không được tiếp máu kịp thời.
Theo Shaddick, tất cả những quy trình an ninh tiêu chuẩn của Mật vụ Mỹ đều được thực hiện đầy đủ vào ngày vụ ám sát diễn ra. Tuy nhiên, ông lưu ý tới một điểm yếu trong các lớp bảo vệ tổng thống Mỹ lúc bấy giờ. Có những thời điểm, việc tiếp cận tổng thống trở nên vô cùng dễ dàng.
Sau sự việc, Mật vụ Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp mới nhằm củng cố thêm hàng rào an ninh bảo vệ tổng thống. Từ kế được sử dụng rộng rãi hơn mỗi lần tổng thống ra ngoài. Người không phận sự khó lòng tiếp cận ông chủ Nhà Trắng nếu chưa qua bước kiểm tra. Tại các lối ra vào của tổng thống ở những địa điểm ông đến, các mật vụ thường xuyên dựng lều để che chắn. Mặt khác, các mật vụ cũng phải trải qua những khóa huấn luyện gắt gao với mật độ dày hơn.
Thực tế, huấn luyện tăng cường đã được thực hiện từ cuối những năm 1970 nhưng tầm quan trọng của nó được đề cao hơn sau vụ ám sát tổng thống Reagan. Huấn luyện giúp các mật vụ hành động chính xác và nhanh chóng như thể đó là “bản năng”, Shaddick cho hay.
Mặt khác, việc thiết lập đường dây liên lạc bảo mật giữa tổng thống và phó tổng thống Mỹ cũng được chú trọng hơn và trở thành yếu tố tiêu chuẩn sau.
George H.W. Bush, phó tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, đang trên đường tới Texas khi vụ ám sát xảy ra. Bush lập tức trở về Washington nhưng việc thiếu đường dây điện thoại bảo mật giữa máy bay của ông với Nhà Trắng đã khiến bộ máy chính quyền rơi vào hỗn loạn. Kết quả là ngoại trưởng Alexander Haig phải đưa ra thông báo ông “sẽ điều hành... trong lúc chờ phó tổng thống trở về”. Luật quy định chủ tịch hạ viện Tip O'Neill mới là người nhận trọng trách này sau phó thủ tướng Bush, không phải Haig.
Ngày nay, các tổng thống Mỹ phải đối diện với nhiều mối đe dọa hơn trước. Vậy nên, những nhân viên an ninh khi làm nhiệm vụ luôn ở trong trạng thái “cảnh giác cao độ”, Shaddick nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vẫn có những sai sót xảy ra. Hồi năm 2009, một cặp đôi đến từ California đã gây chú ý khi lẻn thành công vào Nhà Trắng và bắt tay với tổng thống Barack Obama trong bữa tiệc chiêu đãi đầu tiên của ông.