Ông Nguyễn Văn Giới, một nông dân ở xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa đang thì con gái rồi hồ hởi: “Mấy năm nay, tôi theo chú Minh làm lúa hữu cơ. Mỗi năm, với phương thức sản xuất này, tôi tiết kiệm được khoảng 15 triệu đồng/ha đấy”.
Đi qua lối mòn
Theo ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh thì vùng đất này được ví như vùng “tử địa” vì thiếu nước sản xuất, sinh hoạt. Toàn xã có trên 370ha lúa thì cơ bản chỉ làm một vụ, một vụ phó mặc cho may rủi. Sau khi công trình hồ chứa Rào Đá đưa được nước về thì bà con mới làm được hai vụ ăn chắc.
Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn bà con vẫn canh tác theo lối cũ. “Nghĩa là vẫn gieo sạ với tỷ lệ 7 - 10kg giống/sào (500m2). Vẫn sử dụng phân bón vô cơ và phun thuốc trừ các loại sâu bệnh. Chúng tôi đang tổ chức các mô hình mới, vận động bà con áp dụng để tiết kiệm sản xuất, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích”, ông Hà Xuân Hưng cho hay.
Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Giới thì hiện bà con sản xuất theo lối cũ phải chi phí khoảng 800 - 900 ngàn đồng/sào (16 - 18 triệu/ha). “Đó là cho phí 3 khoản, gồm giống (khoảng 280 ngàn đồng), phân bón (12kg đạm, 15kg NPK, hết khoảng 460 - 500 ngàn đồng), thuốc trừ sâu (phun khoảng 3 - 4 lượt chi phí khoảng 100 ngàn đồng). Đây là chi phí cố định thấp. Còn nếu như các loại giống, phân bón lên giá, mùa màng bị sâu bệnh nhiều thì chi phí còn lên nhiều nữa”, ông Giới bộc bạch.
Thuê đất làm lúa… cho nông dân thấy
Có lần, ông Nguyễn Lê Minh, Phó Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xanh Đông Dương (Quảng Bình) đi ngang qua cánh đồng Hàm Hòa (xã Hàm Ninh), thấy trên cánh đồng rộng bát ngát, bằng phẳng, nhiều nông dân đang mải miết bơm phun thuốc trừ cỏ. Mùi khó chịu của thuốc bốc lên lan tỏa trong gió sáng. Ông Minh kêu ông Giới dừng tay rồi kéo lên bờ trò chuyện. “Tôi muốn thuê anh làm lúa cho tôi. Làm lúa hữu cơ. Được không?”, ông Minh đặt thẳng vấn đề không dè dặt.
Lần đầu, nghe người lạ nói điều mà mình chưa nghĩ ra, ông Giới từ chối ngay, không nhận lời. “Tui làm ruộng gần cả đời người có sao đâu. Năm nay tôi đã 70 rồi đấy nhé”, ông Giới nói thêm. Không nản, ông Minh thủng thẳng: “Bác không làm cho tôi cũng được. Nhưng bác cho tôi thuê ruộng, trả tiền cao hơn sản lượng lúa thu được. Tiền lấy ngay hoặc sau khi thu hoạch lúa đều được”, ông Minh nói. Không phải nhọc lại có thu nhập cao nên ông Giới đồng tình kèm giao kết: “Nếu ông Minh làm được thì năm sau ông Giới đưa hết diện tích vào làm lúa hữu cơ cho bà con xem học tập”. Vụ lúa đó, ông Minh thắng. Dù vùng ruộng được chọn là đất cằn, ít nước vì cuối nguồn thủy lợi, nhưng năng suất lúa ngang ngửa với đám ruộng “nhất đẳng điền”. Đó là chuyện của 3 năm trước…
“Cất" được nhiều tiền hơn nhờ biết cách giảm chi phí
Đến nay, ông Nguyễn Văn Giới đã thực hiện mô hình lúa hữu cơ trên cánh đồng lúa 2 vụ rộng khoảng 10ha.
“Trước hết là giảm về giống”, ông Giới tiếp tục câu chuyện. Thay bằng gieo 8 - 10 kg/sào như bà con vẫn làm, ông chỉ gieo 5 kg/sào, thậm chí đưa máy cấy vào thì chỉ còn lại 3 kg/sào. Cây lúa ban đầu phát triển trên ruộng nhìn rất chán vì chỉ thấy màu đất nâu đen chứ không thấy màu xanh. “Nhưng khi lúa bén rễ chắc, có lượng phân hữu cơ nên lên nhanh lắm. Tốc độ đẻ nhánh phủ xanh trên ruộng vượt cả lúa gieo dày. “Những vụ đầu, chúng tôi giảm chi phí 3 khoản vào khoảng 1,1 triệu đồng/sào (3 triệu đồng/ha/vụ). Với lại, gieo thưa cũng giảm được công tỉa dặm đấy”, ông Giới nói thêm.
Qua hai vụ đầu tiên làm lúa hữu cơ thì việc giảm chi phí chưa thể hiện được rõ ràng, nhưng lúa bán ra thị trường tăng lên được vài giá. Đến vụ thứ ba thì chi phí giảm trông thấy. Ruộng đã qua hai vụ bón phân hữu cơ nên độ dinh dưỡng đã được cải thiện tốt lên. Lúc này, trên ruộng ông Giới chỉ sử dụng 30kg phân hữu cơ/sào, 12kg đạm. Loại phân sử dụng là Biooptima 1 và Biooptima 2 (do Công ty CP Đầu tư Tiến Đông sản xuất). “Quá trình sản xuất, chúng tôi chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học chứ không sử dụng thuốc trừ sâu”, ông Giới nói.
Ngày thu hoạch lúa, nhiều nông dân trong vùng đã đến xem để học hỏi. Ai cũng tấm tắc khen cây lúa cứng cáp, bông lúa dài và chắc hạt dù vùng ruộng thực hiện mô hình thuộc vào đất bạc màu. Năng suất lúa mô hình đạt khoảng 60 tạ/ha. Trong khi đó, năng suất trung bình lúa sản xuất sử dụng phân bón vô cơ của địa phương chỉ đạt 55 tạ/ha. “Không tính đến giá bán tăng cao mà chỉ tiết kiệm ở 3 khoản thì tôi cũng cất được khoảng 300 - 400 ngàn đồng/sào. Nghĩa là tiết kiệm được từ 12 - 16 triệu đồng/ha lúa hai vụ”, ông Giới nhìn nhận.
Cũng trên diện tích 2ha, ông Giới kết hợp thả tôm, cua để tăng hiệu quả sản xuất. Ông Giới bảo, ngoài giống tôm thả thì còn có giống tôm đất tự nhiên. Do chỉ sử dụng phân hữu cơ nên tạo được môi trường tốt cho loại tôm đất phát triển mạnh. Xung quanh diện tích lúa là hệ thống mương có độ sâu nước khoảng một mét. Khi lúa trên ruộng vào kỳ con gái là ông Giới cho thả rập (một dụng cụ dùng để bắt tôm đất). Cứ cuối giờ chiều, rập được thả xuống mương. Qua một đêm, tôm đất đi ăn chui vào rập và mắc lại trong đó. Đến sáng, rập được kéo lên và tôm được mang bán cho thương lái. “Thu nhập từ nuôi tôm, cua cũng thêm được vài chục triệu đồng/ha”, ông Giới cho hay.
Khi cánh đồng thôn Hàm Hòa vào vụ thứ 3 thì ông Minh lại lên vùng đất của thôn Hoành Vinh (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) làm mô hình 5ha trên vùng ruộng nghèo dinh dưỡng. Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình cho hay, khi triển khai mô hình, chúng tôi chọn vùng đất kém để sử dụng phân hữu cơ. Chỉ cần qua 3 vụ lúa là độ dinh dưỡng trong đất tăng lên rất nhiều và vụ tiếp theo, năng suất cây trồng sẽ cao và ổn định.
Do chất đất ruộng kém nên năng suất lúa DT18 thực hiện mô hình chỉ gần 50 tạ/ha. Ông Võ Doãn Dực, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoành Vinh (đơn vị thực hiện mô hình) nhìn nhận rằng năng suất như vậy trên diện tích đất kém là mừng rồi. Bà con nông dân thấy mô hình được như vậy là rất phấn chấn. Lúa năng suất không thua kém mà còn đảm bảo được sức khỏe cho mọi người. Cơm ăn hàng ngày không phải lo bị nhiễm thuốc gây hại. “Riêng về tiết kiệm 3 khoản ở vụ đầu tiên là 3 triệu đồng/ha. Nếu đưa vào sản xuất đại trà diện tích hơn 300ha trên đồng mẫu lớn thì chúng tôi lãi thêm được gần tỷ đồng. Mỗi năm làm 2 vụ thì được thêm 2 tỷ đồng”, ông Dực nói thêm.
Vụ tiếp theo, thôn Hoành Vinh mở rộng thêm diện tích gieo cấy theo hướng hữu cơ. “Trong giai đoạn thuốc bảo vệ thực vật, giá vật tư phân bón tăng cao thì việc động viên bà con nông dân canh tác theo hướng hữu cơ để giảm chi phí sản xuất, cải tạo đồng ruộng, nâng cao chất lượng hạt lúa, tiến tới đảm bảo môi trường lao động, ăn uống là điều cần phải được đưa lên hàng đầu”, ông Dực nói.
Trên hai vùng thực hiện canh tác lúa hữu cơ, toàn bộ sản lượng được Công ty Đông Dương thu mua hết. Giá thu mua lúa phơi một nắng là 9.000 đồng/kg. Nhiều nông dân phấn khởi cho hay đó là giá bán cao nhất và với giá bán này, nông dân có lãi từ 30 - 45 triệu đồng/ha. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh để hỗ trợ cho người nông dân ngày càng có thu nhập cao và ổn định ngay trên chính mảnh ruộng của mình”- ông Nguyễn Lê Minh hy vọng.