| Hotline: 0983.970.780

Làng 'công tra' - Chuyện bây giờ mới kể: Ngày mới ở Tân Lập

Thứ Năm 15/07/2021 , 06:13 (GMT+7)

Sau hơn 1 thế kỷ có mặt tại Việt Nam, cây cao su đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, là nguồn sinh kế cho hàng triệu lao động.

Trong số hàng trăm ngàn lao động ngành cao su, rất nhiều người đã trở thành tấm gương tiêu biểu với những sáng kiến cải tiến, nâng cao năng suất trong lao động. Chúng tôi tìm về Nông trường cao su Tân Lập, huyện Đồng Phú, Bình Phước, gặp và nghe họ trải lòng về cuộc sống gắn liền với loài cây đặc biệt này.

1.

Theo giới thiệu của ông Hoàng Kim Bảo, Giám đốc Nông trường cao su Tân Lập, chung tôi tìm đến nhà nữ công nhân Đoàn Mạnh Hồng, 35 tuổi, ở ấp 2, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, một trong những “bàn tay vàng” của Nông trường cao su Tân Lập.

Lúc chúng tôi đến, chị Hồng đang tất bật trong bếp. “Em mới đi làm về, đang chuẩn bị bữa trưa cho mấy bố con”, chị Hồng cười chào chúng tôi, nói.

Nữ công nhân cao su Đoàn Mạnh Hồng không chỉ có 'bàn tay vàng' trong sản xuất, mà còn rất giỏi việc nhà. Ảnh: Phúc Lập.

Nữ công nhân cao su Đoàn Mạnh Hồng không chỉ có "bàn tay vàng" trong sản xuất, mà còn rất giỏi việc nhà. Ảnh: Phúc Lập.

Tâm sự với chúng tôi, chị Hồng kể, do hoàn cảnh gia đình, nên chị phải nghỉ học sớm để đi làm phụ giúp gia đình. “Ngày đó, các công ty cao su cần lao động nên cũng không khó lắm để tôi kiếm được một chân cạo mủ. Vào nông trường làm việc lúc còn rất trẻ, từng nếm trải đầy đủ những vui, buồn, sướng, khổ, vậy mà thấm thoắt đã 17 năm. Thời gian trôi nhanh một phần do nghề đã mang lại cho tôi cuộc sống ổn định, nên tôi tôi yêu nghề, yêu cây cao su. Ngày nào không ra vườn cao su, tôi thấy nhớ”, nữ công nhân đoạt giải “Bàn tay vàng” năm 2020 của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, nói.

"Từ cuối tháng 1 đến khoảng cuối tháng 4, cao su rụng lá, tạm ngừng cạo mủ, khoảng thời gian 3 tháng này chị làm gì? Có ảnh hưởng thu nhập không?”, tôi hỏi.

Hơn 17 năm gắn bó với nghề, chị Hồng luôn là một trong những cá nhân lao động xuất sắc của nông trường. Ảnh: Phúc Lập.

Hơn 17 năm gắn bó với nghề, chị Hồng luôn là một trong những cá nhân lao động xuất sắc của nông trường. Ảnh: Phúc Lập.

Chị đáp: "Cũng không có vấn đề gì anh ạ. Vì mấy tháng nghỉ cạo, công nhân vẫn có đủ lương. Thời điểm này công chuyển sang làm các công việc khác như vệ sinh chén, sửa kiềng, máng chảy, quét dọn lá, phòng cháy chữa cháy vườn cây. Còn những ngày nông trường hết việc làm thì chị em công nhân được nông trường tạo điều kiện để đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, ai có vườn, rẫy thì ở nhà làm. Riêng tôi thì vừa nhận được công việc thiết kế vườn cây cao su cho mở miệng, cũng may công việc này tôi đã quen và cũng cho thu nhập khá. Trường hợp không có việc này thì tôi ở nhà chăm sóc vườn tiêu hơn 60 trụ của gia đình, dành thời gian nhiều hơn cho các con”.

Cách nhà chị Hồng không xa là gia đình nữ công nhân Phạm Thị Tuyết Vân, 42 tuổi, người có hơn 20 năm hành nghề cạo mủ. “Năm 20 tuổi, tôi xin vào Nông trường cao su Tân Lập làm việc và được sắp xếp nghề cạo mủ. Sau 12 năm “làm bạn” với những cây cao su, tôi xin nghỉ ra ngoài làm, nhưng chỉ được hơn 1 năm lại lại quay về nông trường xin làm lại”, chị Vân kể. “Lý do gì chị xin nghỉ? Thu nhập hay chán việc?”, tôi hỏi.

Ngoài công việc ở nông trường, chị Hồng còn chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Ảnh: Phúc Lập.

Ngoài công việc ở nông trường, chị Hồng còn chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Ảnh: Phúc Lập.

“Sau 12 năm gắn bó, tôi quen với rừng cây, với công việc hàng ngày này rồi. Nhưng điều kiện gia đình khi đó khó khăn, tôi muốn kiếm công việc có thu nhập khá hơn để lo cho gia đình. Ở ngoài hơn 1 năm, làm thử mấy chỗ, thấy chẳng ra sao, thu nhập cũng không cải thiện bao nhiêu, trong khi tôi vẫn nhớ cái mùi đặc trưng của mủ cao su, nhớ tiếng rì rào của vườn cao su… nên cuối cùng tôi quay lại nông trường. Giờ thì xác định luôn rồi, không đi đâu nữa”, chị Vân cười.

Chị Vân cho biết, “thời khóa biểu” của chị cũng như các đồng nghiệp khác một ngày diễn ra như sau, sáng thức dậy lúc 4 giờ, có mặt tại lô điểm danh trước khi bắt tay vào công việc cạo mủ. Đến 7 giờ 7 rưỡi là cạo xong. Công việc tiếp theo là bóc mủ tạp, hay còn gọi là lột mủ chén, sau đó xách xô đi trút mủ. Công đoạn trút và giao mủ kéo dài chừng 30 phút. Vậy là kết thúc công việc 1 ngày. Buổi chiều ở nhà làm việc nhà và chăm con.

2.

Tại khu vực giao mủ Nông trường Tân Lập, chúng tôi gặp anh Nguyễn Thế Anh, tổ trưởng tổ 7, Nông trường cao su Tân Lập khi anh và các đồng nghiệp đang hối hả cân, trút mủ vào chiếc lớn. Nghe hỏi chuyện, anh trả lời mà không ngừng tay: “Cái nghề cạo mủ cao su này vất vả hơn nhiều nghề khác, muốn gắn bó với nó phải yêu nghề. Mà nói vậy thôi chứ nghề nào cũng có cái sướng riêng của nó, cạo mủ cao su cũng vậy. Mỗi ngày chỉ làm khoảng 4 tiếng, nửa ngày là xong công việc. Bận bịu việc nhà, ốm đau, bệnh hoạn hay nhậu xỉn "không dậy nổi” thì đổi công với đồng nghiệp rồi “trả nợ” sau. Đặc biệt, chỉ 20 năm “cầm đục, xách xô” là có thể về hưu. Nếu đi cạo mủ sớm thì chỉ khoảng 40 tuổi là có thể về hưu, có lương, trong khi tuổi còn trẻ, thừa sức để làm việc khác kiếm thêm thu nhập”.

Nữ công nhân Phạm Thị Tuyết Vân: 'Tôi vẫn nhớ cái mùi đặc trưng của mủ cao su, nhớ tiếng rì rào của vườn cao su… nên cuối cùng tôi quay lại nông trường'. Ảnh: Phúc Lập.

Nữ công nhân Phạm Thị Tuyết Vân: "Tôi vẫn nhớ cái mùi đặc trưng của mủ cao su, nhớ tiếng rì rào của vườn cao su… nên cuối cùng tôi quay lại nông trường". Ảnh: Phúc Lập.

Ông Hoàng Kim Bảo, Giám đốc Nông trường cao su Tân Lập cho biết, Nông trường quản lý hơn 1.500ha cao su, trong đó hơn 1.000ha cao su kinh doanh. Diện tích cao su của nông trưởng trải dài địa bàn 4 xã Phước Sang, An Thái (huyện Phú giáo, tỉnh Bình Dương) và Tân Lập, Tân Tiến (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước).

Mặc dù giá mủ những năm qua liên tục ở mức thấp, lại gặp sự cạnh tranh lao động lớn với các khu công nghiệp, nhưng với tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, ra sức thi đua lao động sản xuất, những năm qua, nông trường luôn đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Cụ thể 15 năm liên tục đạt sản lượng 2 tấn/ha, 4 kỳ liên tục đạt giải nhất tập thể “Hội thi Bàn tay vàng” của công ty.

“Ở Hội thi Bàn tay vàng của Tập đoàn Công nghiệp cao su vừa qua, công ty cử 5 công nhân dự thi thì có 3 người của nông trường đạt giải, trong đó, 2 người đạt giải Bàn tay vàng, 1 người đạt giải kiện tướng”, ông Bảo nói.

Công nhân Nông trường cao su Tân Lập sơ chế mủ. Ảnh: Phúc Lập.

Công nhân Nông trường cao su Tân Lập sơ chế mủ. Ảnh: Phúc Lập.

Theo ông Bảo, năm 2020, công ty giao chỉ tiêu 1.980 tấn mủ nhưng đến hạ tuần tháng 12/2020, nông trường đã vượt chỉ tiêu. Bên cạnh đó, đời sống, thu nhập của cán bộ, công nhân viên, người lao động nông trường luôn được cải thiện, nâng cao. Hiện nông trường có 350 cán bộ, công nhân viên, người lao động, trong đó hơn 300 người làm việc trực tiếp. Nếu như năm 2016, thu nhập bình quân đầu người ở mức gần 6 triệu đồng/tháng, thì năm 2020, tăng lên 8 - 9 triệu đồng. Để đạt và giữ vững thành tích nhiều năm qua, nông trường đã đề ra nhiều giải pháp bài bản, căn cơ. Đó là nông trường thực hiện giao vườn cây, khoán sản phẩm, khoán tiền lương, vật tư, chăm sóc vườn cây… đến từng người lao động.

Bên cạnh đó, chủ động khắc phục những khó khăn, phát huy điều kiện, tiềm năng và khả năng sẵn có về lao động, đất đai, kỹ thuật, sự ủng hộ của địa phương… Mặt khác, thực hiện tiết kiệm các chi phí đầu tư, khai thác đúng quy trình kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng cao. Từ đó, nông trường luôn hoàn thành tốt, xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệu vụ, kế hoạch của công ty giao.

Mỗi ngày, công nhân cạo mủ cao su chỉ làm đến trưa là xong công việc. Thời gian còn lại có thể làm việc khác kiếm thêm thu nhập hoặc chăm sóc gia đình. Ảnh: Phúc Lập.

Mỗi ngày, công nhân cạo mủ cao su chỉ làm đến trưa là xong công việc. Thời gian còn lại có thể làm việc khác kiếm thêm thu nhập hoặc chăm sóc gia đình. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Bảo cho biết, năm 2020 này, công nhân cao su tiếp tục nhận tín hiệu vui. “Năm ngoái, giá mủ rất thấp, chỉ ở khoảng 8 - 9 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nhân công, còn lời rất ít. Nhưng bắt đầu từ cuối năm 2020, giá khởi sắc, liên tục tăng lên 13 - 14 ngàn đồng/kg mủ nước. Năm nay, giá mủ nước tiếp tục tăng, lên 18 - 19 ngàn đồng/kg. Chúng tôi cũng như công nhân, mừng lắm. Giá mủ cao su lâu nay vẫn là chuyện thời sự được mọi người quan tâm nhất, bởi ở đây, nhà nhà trồng cao su, ngành ngành trồng cao su nên tâm trạng vui, buồn mỗi ngày cũng “lên xuống” cùng giá mủ. Giá cao thì cả làng vui, còn giá thấp thì cả làng buồn”.

“Một yếu tố quan trọng để nông trường luôn đạt thành tích đứng đầu công ty, đó là đơn vị luôn có chế độ khen thưởng hàng tháng đối với người lao động có thành tích tốt, đặc biệt là người làm giỏi, có những sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng mủ và chăm sóc cây…Mặc dù phần thưởng này không lớn nhưng đã kích thích tinh thần anh chị em làm việc thêm hăng say”, ông Hoàng Kim Bảo, Giám đốc Nông trường cao su Tân Lập.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

8 con bò bị sét đánh chết sau trận mưa lớn

Quảng Bình Trận mưa lớn kèm sét đã đánh chết 8 con bò của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến ở thành phố Đồng Hới.