| Hotline: 0983.970.780

Làng du lịch cộng đồng ở thành phố công nghiệp Sông Công

Thứ Hai 01/02/2021 , 09:13 (GMT+7)

Tiếp giáp với Hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè (T.P Sông Công) là điểm du lịch sinh thái mới vô cùng hấp dẫn với những người thích trở về với thiên nhiên hoang sơ.

Hợp tác làm du lịch

Dự án Làng du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè theo hình thức Hợp tác xã và các hộ cá thể cùng tham gia góp vốn đầu tư, khai thác du lịch với diện tích mặt nước trên 80 ha gắn kết với vùng sản xuất chè hữu cơ và các hoạt động trải nghiệm, phát triển du lịch cộng đồng.

Nằm tại xóm Tiền Tiến (xã Bình Sơn, T.P Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), hồ Ghềnh Chè có diện tích mặt nước trên 80ha, hàng chục đảo chè và cây lâm nghiệp rải rác trong lòng hồ tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành.

Ông Bùi Văn Tứ, 59 tuổi, Trưởng xóm Tiền Tiến, đồng thời là người đại diện pháp luật của HTX du lịch cộng đồng Ghềnh Chè cho biết, hồ Ghềnh Chè là hồ thủy lợi được xây dựng từ năm 1986 có diện tích trên 80 ha, với 45 bán đảo, phục vụ nước tưới cho 350ha đất nông nghiệp 2 vụ của xã Bình Sơn.

Để phát triển du lịch, vào tháng 8 năm 2019 xã Bình Sơn đã thành lập HTX du lịch cộng đồng Ghềnh Chè với 15 thành viên, vốn điều lệ 250 triệu đồng. HTX kinh doanh theo 7 nhóm dịch vụ bao gồm điều hành tua du lịch, dịch vụ du lịch, lưu trú, vận tải…qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu vui chơi, ăn uống, tham quan, nghỉ ngơi của khách du lịch.

Vào mùa, hoa sen, hoa súng nở hồng rực trên mặt nước hồ. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Vào mùa, hoa sen, hoa súng nở hồng rực trên mặt nước hồ. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Xóm Tiền Tiến có 96 hộ gia đình, trong đó hơn 80% số hộ sản xuất nông nghiệp, cây chè được xác định là cây trồng chủ lực với diện tích gần 30 ha, rừng gần 80 ha. Còn hơn 10 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo.

Tháng 5 năm 2018, xóm Tiền Tiến được nhận vốn hỗ trợ của thành phố Mungyeong và Quỹ Toàn cầu hóa nông thôn mới (SGF) Hàn Quốc để triển khai chương trình xây dựng làng du lịch sinh thái cộng đồng Ghềnh Chè.

Theo mô hình "Làng Saemaeul" của Hàn Quốc, người dân phát huy tinh thần tự lực; xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, cung ứng theo chuỗi giá trị, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập … Từ nguồn vốn hỗ trợ, xóm đã cử đại diện đi học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời triển khai xây dựng trên 1,2 km đường trục chính xóm, xây dựng nhà văn hoá cộng đồng.

Ông Trưởng xóm chia sẻ, ý thức của bà con được nâng cao thấy rõ, từ vấn đề rác thải cho đến giữ vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm, cải tạo vườn bãi, trồng hoa tạo cảnh quan đẹp. Ngay đóng góp để làm được trục xóm với tổng vốn gần 1,7 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ 989 triệu đồng, Quỹ SGF hỗ trợ 500 triệu đồng, nhân dân trong xóm đóng góp 159 triệu đồng.

Một số hộ đã bắt đầu đầu tư để sẵn sàng phục vụ du lịch như làm nhà sàn, nuôi cá lồng, quy hoạch vườn rau sạch, đảo hoa…

Đến hồ Ghềnh Chè, du khách còn được kêt nối trải nghiệm vùng chè hữu cơ Khe Lim, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đến hồ Ghềnh Chè, du khách còn được kêt nối trải nghiệm vùng chè hữu cơ Khe Lim, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Gìn giữ vẻ đẹp nguyên sơ

Tại gia đình anh Lê Văn Hiệp, 30 tuổi, đã quy hoạch vườn chè, vườn cây ăn quả và khu vực trồng hoa rất đẹp mắt. Anh cũng đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để dựng ngôi nhà sàn lớn phục vụ khách lưu trú.

Đưa chúng tôi đi tham quan lòng hồ và khu vực nuôi cá lồng. Anh Hiệp cho biết, cá nuôi hoàn toàn bằng thức ăn thiên nhiên, gồm nhiều giống cá quý như cá lăng, cá chuối, cá diêu hồng, cá chép, cá trắm... Cá lăng và cá chuối thì cho ăn các loại tôm tép nhỏ đánh bắt tại hồ nên thịt rất thơm và chắc không khác gì cá tự nhiên.

Không giống như nhiều khu du lịch đã được đầu tư, hồ Ghềnh Chè còn nguyên vẻ hoang sơ, dung dị. Giữa một không gian thoáng đãng yên bình, du khách thả mình vào thiên nhiên trong lành. Bao quanh hồ là những đảo chè, đảo cây xanh tốt, phía xa xa là chập chùng những ngọn núi thuộc khu vực Tam Đảo.

Nếu đi tàu tham quan toàn bộ lòng hồ thì mất khoảng 40 phút, tuy nhiên hành trình tham quan sẽ được kết nối trải nghiệm tại vùng chè Khe Lim, sản xuất chè hữu cơ sẽ chiếm thêm khá nhiều thời gian của du khách vào việc thưởng trà và ngắm những vườn chè vô cùng đẹp mắt.

Nhiều người nói rằng họ đặc biệt thích đến hồ Ghềnh Chè vào mùa hoa sen hoa súng. Giữa không gian tĩnh lặng của núi rừng, đột ngột mở ra một biển hoa với muôn vàn đoá hoa sen, hoa súng nở hồng rực trên mặt nước toả hương thơm ngào ngạt, khiến cho du khách ngỡ đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Nếu không vào thời điểm mùa hoa, thì những chiếc lá dập dờn trên mặt hồ cũng tạo nên một quanh cảnh vô cùng thi vị.

Một số hộ dân đầu tư nuôi cá lồng trên hồ để phục vụ du khách. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Một số hộ dân đầu tư nuôi cá lồng trên hồ để phục vụ du khách. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Dương Văn Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn hy vọng, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái là một trong những giải pháp, hướng đi cần được chú trọng khai thác để nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Hiện nay nhân dân xóm Tiền Tiến đang tự trang bị kỹ năng tiếp đón khách du lịch, kỹ năng tổ chức du lịch cộng đồng, văn hoá trà…

Đồng thời, người dân tích cực chỉnh trang vườn chè, nâng cấp nhà cửa sạch sẽ, tạo cảnh quan sạch đẹp để thu hút khách du lịch. Làng du lịch sinh thái cộng đồng Ghềnh Chè không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần bảo vệ môi trường và thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch và sản phẩm làng nghề, mà còn trực tiếp góp phần quảng bá thương hiệu chè Bình Sơn đến du khách gần xa.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.