Nghề gốm Bình Dương - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia có tuổi đời gần 200 năm. Từ hòn đất vô tri, qua bàn tay nhào nặn của các nghệ nhân, những sản phẩm gốm sứ tiêu dùng đậm chất nghệ thuật đã ra đời...
Thắng đại dịch với uy dũng của "hổ vàng"
Khi nhắc đến Bình Dương nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một vùng đất của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, trải qua nhiêu thăng trầm, người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ rất nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, trong đó, gốm sứ là một trong những sản phẩm tiêu biểu, mang nét đặc trưng cả về văn hóa và con người nơi đây.
Cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một không xa có một con đường mang tên Hưng Định thuộc phường Lái Thiêu, TP. Thuận An. Đây là một trong những nơi còn lưu giữ, bảo tồn nghề gốm Bình Dương với hàng chục doanh nghiệp, nghệ nhân ngày đêm vẫn miệt mài sản xuất các sản phẩm gốm sứ mang đậm chất văn hóa địa phương bằng phương pháp thủ công truyền thống lẫn hiện đại thích ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng.
Chúng tôi đến thăm Công ty gốm sứ Cường Phát, một trong những doanh nghiệp sản xuất gốm sứ hàng đầu tại địa phương vào những ngày cuối năm. Sau những chuỗi ngày gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất của công ty đã vào “guồng quay” khi đơn hàng bắt đầu “vào nhịp” trở lại.
Bên cạnh các mặt hàng gốm mỹ nghệ có hàm lượng chất xám và hàm lượng công nghệ cao như bình bông, chậu bông, đĩa, chén… được gia công tỉ mỉ, tinh xảo thì những chú hổ vàng được tạo hình bắt mắt với gam màu vàng chủ đạo cùng kiểu dáng uy nghiêm, pha lẫn nét dân gian truyền thống là điểm nhấn của các sản phẩm phục thị trường Tết năm nay.
Ông Lý Ngọc Bạch - Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bình Dương cho biết, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, sự nhộn nhịp có thể thua mọi năm nhưng công ty vẫn cố gắng tập trung sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng..
Bên cạnh các sản phẩm thế mạnh, năm nay là năm Nhâm Dần, công ty cũng sản xuất mặt hàng hổ. Con hổ tượng trưng cho anh hùng, chúa tể sơn lâm. Để tạo hình tương ứng, công ty cũng như các nghệ nhân ở địa phương dành nhiều thời gian nghiên cứu chỉnh sửa nhiều lần để làm sao, thân hình cọp phải cân đối, dũng mãnh, uy nghi. Hiện thời giá nguyên vật liệu, vật tư thứ gì cũng lên nhưng công ty vẫn cho ra sản phẩm chất lượng nhưng giá vừa phải để phục vụ người tiêu dùng, với 3 size sản phẩm với 3 mức giá đảm bảo ai cũng có thể mua được.
“Con hổ tượng trưng cho sự dũng mãnh, sự hùng mạnh… Tôi cũng muốn năm Nhâm Dần này tất cả cộng đồng doanh nghiệp cùng người dân được an khang mạnh khỏe như hổ, làm ăn phát triển hưng thịnh, từng bước đẩy lùi đại dịch Covid-19”, ông Lý Ngọc Bạch chia sẻ.
Được biết, với khẩu hiệu “Tôn vinh bản sắc Việt” cùng mong muốn duy trì và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, thời gian qua, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời hội nhập, bên cạnh việc đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị (như lò nung bằng điện, dây chuyền tráng men tự động…) Cường Phát cũng đã thực hiện chương trình Kaizen, sử dụng 7 công cụ quản lý cải tiến trong quản lý sản xuất. Nhờ công nghệ hiện đại, máy móc thiết bị sản xuất đều nhập ngoại nên số lượng sản phẩm làm ra khá lớn, hao hụt giảm đáng kể, chất lượng cũng bảo đảm. Sản phẩm không những cạnh tranh tốt ở thị trường trong nước mà còn khẳng định một thương hiệu Việt Nam cùng bạn bè quốc tế trong lĩnh vực gốm sứ cao cấp với giá trị xuất khẩu bình quân hơn 4 triệu đô la Mỹ/năm.
Chậu hoa cây cảnh đắt khách
Cùng với hổ vàng, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, chậu hoa cây cảnh được xem là một trong những sản phẩm mới tại làng nghề gốm sứ Lái Thiêu đã tạo dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường.
Cách Công ty gốm sứ Cường Phát không xa là cơ sở sản xuất gốm xứ truyền thống Minh Tâm, cơ sở do Anh Trần Quốc Hưng làm chủ. Do mới trở lại sản xuất trong 2 tháng gần đây, các nghệ nhân tại nhà xưởng phải hoạt động hết công suất để hoàn thành các đơn đặt hàng từ trước.
Theo anh Hưng, do sản xuất theo phương thức truyền thống, các sản phẩm đòi hỏi tính thẩm mỹ cao và phụ thuộc khá nhiều vào bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Theo đó, để có một sản phẩm hoàn mỹ, khâu nào cũng quan trọng. Nếu giai đoạn tạo hình, tráng men đòi hỏi người thợ phải cẩn trọng, tỉ mỉ thì khâu nung là tiêu tốn thời gian nhất. Một mẻ gốm khoảng 200 sản phẩm nung bằng củi tại cơ sở có thời gian là 3 ngày, đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể canh đúng độ lửa, gốm mới chín đều và đẹp.
Chỉ vào một chậu hoa tâm đắc nhất, anh Hưng cho biết thêm, đặc trưng của gốm sứ Bình Dương nằm ở độ bền của sản phẩm, nước men tráng và các chủ đề trang trí đa dạng nhưng gần gũi như phong cảnh thiên nhiên vùng quê Nam bộ, các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước nên được nhiều khách hàng lựa chọn.
“Tuy nhiên không phải ai cũng có thể sở hữu một chậu hoa được sản xuất hoàn toàn theo phương thức truyền thống bởi giá thành sản phẩm tương đối cao so với sản phẩm cùng loại được sản xuất theo công nghiệp. Đổi lại, do kinh tế người dân ngày càng đi lên, nên sản phẩm của cơ sở vẫn có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt trong đợt tết này cơ sở nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác trên khắp mọi miền đất nước”, anh Hưng phấn khởi nói.
Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, hiện địa phương có gần 300 cơ sở sản xuất gốm với hơn 500 lò gốm tập trung chủ yếu ở TP. Thuận An, TP.Thủ Dầu Một và TX.Tân Uyên, cung cấp cho thị trường từ 130 -150 triệu sản phẩm/năm, đặc biệt là gốm sứ công nghiệp và gốm sứ mỹ nghệ. Mỗi năm, mặt hàng gốm sứ của địa phương xuất khẩu đạt giá trị khoảng 150 triệu USD, còn tiêu thụ thị trường trong nước đạt 70 triệu USD.
Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Dương cho biết, gốm Bình Dương là một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Nam bộ. Gốm Bình Dương đã để lại nhiều loại sản phẩm đáng được nghiên cứu về góc độ kỹ thuật chế tác lẫn giá trị mỹ thuật. Trải qua bao thăng trầm, đến nay, nghề gốm vẫn phát triển và mang lại cho cư dân Bình Dương nhiều giá trị nhất định về mặt tinh thần cũng như vật chất.
“Tháng 11/2021 nghề gốm Bình Dương được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Việc nghề gốm được vinh danh có ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như quảng bá hình ảnh đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, những giá trị văn hóa này sẽ góp phần trong việc khai thác du lịch, qua đó đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương”, ông Lê Văn Phước chia sẻ.