Công trình cấp xã quản lý hiệu quả kém
Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 25 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, với công suất thiết kế 25.000 m3/ngày đêm, công suất khai thác thực tế 19.000 m3/ngày đêm (đạt 77%); 14 hệ thống đấu nối với công trình cấp nước sạch đô thị; hiệu suất hoạt động của các công trình cấp nước sạch nông thôn phổ biến đạt từ 56 đến 91%.
Các công trình trên được giao cho đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc UBND xã quản lý. Trong đó, 7 công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành; 17 công trình UBND cấp xã giao Hợp tác xã (HTX) và cộng đồng tự quản lý; 1 công trình do doanh nghiệp quản lý, vận hành.
Riêng 14 hệ thống đấu nối từ công trình cấp nước đô thị, Công ty cổ phần cấp nước Hà Tĩnh quản lý 12 mạng lưới và UBND cấp xã quản lý 2 mạng lưới.
Theo đánh giá của ngành chức năng Hà Tĩnh, các công trình do doanh nghiệp đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, nhìn chung hoạt động tương đối hiệu quả; có đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề, tính chuyên nghiệp cao; thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm soát chất lượng nước; thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những sự cố hỏng hóc; tự chủ về tài chính, huy động được nguồn lực để đầu tư phát triển đảm bảo bền vững công trình.
“Tuy nhiên, công trình do UBND xã quản lý hoặc giao HTX và cộng đồng tự quản lý (17 công trình và 2 hệ thống mạng lưới đấu nối từ công trình cấp nước đô thị) hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động. Việc quản lý, vận hành công trình còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao, dẫn đến tổ chức quản lý vận hành không ổn định, công trình phát huy hiệu quả kém và thiếu bền vững”, trích đánh giá, rà soát của cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh.
Công trình cấp nước sinh hoạt xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ và xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc là một ví dụ điển hình về sự đầu tư lãng phí, vận hành yếu kém dẫn đến công trình “đắp chiếu” trong nhiều năm liền, trong khi nhu cầu dùng nước sạch của người dân đang rất bức thiết.
Năm 2009, công trình cấp nước sinh hoạt xã Đức Lạng được xây dựng, với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng, công suất thiết kế 540m3/ngày đêm, cấp nước cho hơn 300 hộ dân trên địa bàn các thôn Sơn Quang, Tiến Lạng, Minh Lạng. Đến 2011, dự án hoàn thành bàn giao cho UBND xã quản lý, vận hành. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 3 tháng chạy “trơn tru”, công trình hư hỏng liên tục, nước cấp cho người dân lúc có lúc không. Từ năm 2018 đến nay, công trình “khai tử”, thành đống sắt vụn nằm phơi nắng, phơi mưa.
Ông Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng nói: “Công trình hoạt động không hiệu quả không chỉ ảnh hưởng việc tiếp cận nước sạch của người dân mà còn là nguyên nhân khiến xã chưa thể đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.
Dù đang hoạt động, song công trình cấp nước sinh hoạt xã Tiến Lộc cũng chỉ vận hành cầm chừng, với công suất 450 m3/ngày đêm so với thiết kế 800m3/ngày đêm. Dự án đầu tư hàng tỷ đồng nhưng số hộ được hưởng lợi nước sạch từ công trình cũng chỉ được 350 hộ.
Nhà máy nước sạch cấp nước vàng quạch, đóng cặn bùn
Phải khẳng định một điều, việc vận hành công trình cấp nước tập trung kém hiệu quả của UBND cấp xã, HTX và cộng đồng tự quản lý không chỉ gây lãng phí nguồn lực đầu tư mà còn đẩy người dân lâm thế thiếu nước sạch sử dụng. Nhiều vùng mang tiếng có nước sạch nhưng bà con vẫn phải xây bể xi măng tích trữ nước mưa để sinh hoạt.
Ghi nhận tại công trình cấp nước tập trung xã Kim Lộc (nay là xã Kim Song Trường), huyện Can Lộc cho thấy, nhiều năm nay nguồn nước sạch HTX môi trường nước sạch xã Kim Lộc cấp cho người dân thường xuyên bị đóng cặn, thậm chí lẫn bùn; màu vàng quạch.
Ông Thái Duy Luận, Trưởng thôn Thượng Xá, xã Kim Song Trường cho hay, nguồn nước nhà máy nước sạch cấp quá bẩn. Nước thường xuyên đóng cặn, đổi màu.
“Thôn chúng tôi có 230/235 hộ dùng nước của nhà máy nhưng nước không đảm bảo nên dân phải trữ nước mưa để ăn uống. Chúng tôi kiến nghị cấp trên hỗ trợ xây dựng nhà máy nước sạch để cấp nước đảm bảo cho bà con”, ông Luận nhấn mạnh.
Theo ông, từ bao đời nay người dân Kim Song Trường sử dụng nước từ 6 giếng đào tập thể. Sau khi có nhà máy nước sạch, bà con sử dụng nước máy nhưng nay nước sạch bẩn nên nhiều hộ quay lại sử dụng nước giếng khơi và nước mưa.
Anh Trần Huy Đăng (SN 1989), trú thôn Kim Thịnh cho biết, từ tháng 2/2024 đến nay nước nhà máy cấp đến hộ dân tanh, có tạp chất, cợn phèn rất bẩn. Gia đình anh phải mua thêm máy lọc nước về để lọc nhưng cũng chỉ đỡ hơn một phần, không thể khử được hết chất bẩn.
“Lõi máy lọc nước sau khi sử dụng khoảng 2 tháng mở ra vàng ố, đóng cặn bùn đặc quánh. Chúng tôi thấy nước bẩn quá nên chỉ dùng để tắm rửa chứ ăn uống dùng nước mưa hoặc mua bình nước lọc, khá tốn kém”, anh Đăng chia sẻ.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đàm Văn Tố, Giám đốc HTX môi trường nước sạch Kim Lộc thừa nhận tình trạng cấp nước sạch chưa đảm bảo cho người dân là có. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do công trình đầu tư xây dựng đã quá lâu (cách đây 17 năm), không có nguồn duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng; thiết kế không đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân; đặc biệt, nước nguồn lấy từ kênh 19/5 quá bẩn khiến hệ thống lọc không thể xử lý.
“Trước đây chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm đạt chuẩn nhưng hơn 1 năm nay không xét nghiệm nữa. Mà giờ xét nghiệm chắc cũng không đảm bảo. Ngoài màu thì hàm lượng hoá chất châm quá so với thực tế thì cũng đã độc rồi”, ông Tố nói. Đồng thời nhấn mạnh, nếu người dân chứng kiến nguồn nước thô chắc sẽ không dám bỏ chân xuống rửa chứ đừng nói sử dụng ăn uống, sinh hoạt.
Công trình cấp nước sinh hoạt Kim Lộc thiết kế công suất xử lý 420m3/ngày đêm, cấp nước cho 500 hộ dân, song do nhu cầu dùng nước của người dân lớn nên HTX đang thực hiện cấp nước vượt công suất, với tổng số hộ 840. Vì cấp vượt công suất nên hệ thống lọc dù chạy hết tốc lực cũng không thể đảm bảo việc xử lý đạt chuẩn.