| Hotline: 0983.970.780

Làng quê đang méo mó: [Bài VI] Chúng ta đang chê oan người nông dân!

Thứ Ba 19/11/2019 , 09:08 (GMT+7)

Loạt bài "Làng quê đang méo mó" đã đến với bạn đọc được 5 kỳ báo, phản ánh được những khía cạnh đa chiều về thực trạng đời sống từ góc nhìn cấu trúc và kiến trúc ở nông thôn hiện nay. Kỳ này, NNVN đăng tải ý kiến của GS - kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính.

Giáo sư, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính.

Ông chia sẻ, như để mở đầu câu chuyện: Mấy ông hôm qua, hôm kia vẫn là nông dân giờ chỉ về quê dịp giỗ tết nhìn làng bảo: “Sao nó xấu thế? Nhà cửa lộn xộn, “môve gu” (thẩm mỹ kém) thế?”. Anh làm gì cho người ta ngoài việc thỉnh thoảng làm một cuộc thi vẽ kiểu nhà, trao giải thưởng nhưng rồi có được ứng dụng?
 

Làng trong quá khứ

Cái làng trong quá khứ được định hình thế nào thưa ông?

Cái làng trong quá khứ định hình và ổn định lâu bền bởi hai điều, thứ nhất là chế độ phong kiến tồn tại bền vững lâu dài, gần như bất di bất dịch; thứ hai là nền sản xuất nông nghiệp cũng không biến đổi nhiều. Hình thái làng Việt của người Kinh là thiết chế cộng cư khép kín, tồn tại ngưng đọng như những ốc đảo. Vì sao?

Người dân làng làm lúa là chính, nếu có nghề khác chỉ là nghề phụ, còn làng nghề là mãi sau này mới có, khi xuất hiện thị trường và phố thị. Điều kiện sống và nếp sống hầu như không thay đổi, muôn thủa con người sống trong sự nghèo nàn. Nghèo nàn và đìu hiu, đó là hình ảnh làng xưa.

Tổ chức không gian làng theo dòng chảy tiến hóa được ấn định chặt chẽ. Điều kiện vật liệu xây dựng và kỹ thuật xây dựng hầu như không thay đổi, chỉ là tranh - tre - nứa lá, gỗ và đất nung, kỹ thuật xây dựng chủ yếu nằm trong tay bác phó mộc. Đời sống tín ngưỡng của dân làng cũng ít biến đổi, là một yếu tố đảm bảo cho làng ít biến đổi.

Thêm vào đó, điều kiện thiên nhiên và thời tiết ổn định, giờ mới thay đổi dữ dội. Tất cả những cái đó chi phối, định hình nên cấu trúc, tổ chức, quy mô không gian của làng, sắp xếp ai ở đâu, ở thế nào, nhà cửa ra sao. Mỗi hộ gia đình là một đơn vị tương đối độc lập trong một cái làng tương đối độc lập. Nhà nào, nếu không quá nghèo, chẳng có một khuôn viên rào chắn bằng cây xanh, tường đất hoặc tường gạch.

Và, hễ không đến nỗi nghèo, nhà nào cũng có cổng, có sân, có ao, có mảnh vườn, có nhà ở cấu trúc theo gian, rồi bếp núc, chỗ xay giã gạo, chuồng lợn, chuồng gà. Sau nhà thường trồng cây ăn quả, cây làm vật liệu thay thế khi sửa nhà.

Cái ao là một dạng công cụ sinh thái vạn năng. Đào ao lấy đất quật lên làm nền nhà vì đất vùng đồng bằng châu thổ thường thấp. Ao là nơi thoát nước. Ao là nơi lấy nước sinh hoạt. Ao là nơi thả cá, thả rau muống, rau cần, thả bèo, thả sen. Ao là nơi để ngâm tre, ngâm gỗ tăng độ bền cho vật liệu.

Cấu trúc đó khép kín, không có rãnh để thoát nước, nước thải ngấm xuống đất. Con người sống nhiều đời trên một mảnh đất, khép kín luôn vòng tuần hoàn sinh học, nhập vào và thải ra, hầu như không để lại dấu vết gì, bởi tất thảy đều có nguồn gốc hữu cơ.

Người nông dân sống chủ yếu quanh quẩn trong làng, chỉ khi ra khỏi đó làm ruộng, đi chợ búa hoặc khi chết. Chôn xuống đất một thời gian sau là không dấu vết. Sự luân hồi khép kín. Đất thở, sinh sôi, mà không thương tật hóa.

Làng quê ta giông giống nhau về tổng thể và khác nhau về chi tiết. Không có không gian công cộng lớn mà chỉ có sân đình, có ao, có giếng chung, có chùa, có nghè, có quán, có điếm, có nhà thờ họ… Có cổng làng và cổng xóm, có đường làng ngõ xóm.

Nhìn từ ngoài, hầu như làng nào cũng có cổng, có lũy tre, cây đa, cây gạo… Nhìn bên trong, toàn những nếp nhà mái rơm mái ngói. Cái sự nghèo bền vững sản sinh hình ảnh trật tự, hòa đồng và cả đơn điệu.

Nhà một phụ nữ nghèo, sống một mình ở Hải Phòng.

Sao ở nước ngoài ta thấy nhiều nhà cổ ở các vùng nông thôn, mà ta lại không có thưa ông?

Anh hỏi điều này giống như nhiều người, ngay cả một số kiến trúc sư cũng đặt câu hỏi: “Ơ, sao sang Đức, sang Pháp vẫn thấy ở nông thôn của họ vẫn còn nhiều nhà cổ, nhà cũ mà ta lại đang biến nhanh?”. Không phải bởi người ta có chủ ý bảo lưu, bảo tồn mà vì họ làm nhà hai tầng bằng vật liệu bền vững, tường gạch, tường đá, mái ngói cho nên vẫn ở được tới bây giờ, chỉ phải cải tạo nội thất cho hiện đại.

Còn ở làng Việt mình hầu như không có công trình nào làm bằng vật liệu trường tồn. Nghèo thì ở nhà tranh vách đất, khá hơn thì 3 gian, nhà giàu thì 5 gian 2 chái. Nhà của người Việt hễ giàu làm bằng gỗ tốt và lợp ngói, còn đa phần làm bằng tre lợp rơm rạ.

Ngay đình chùa cũng mấy khi tồn tại vài chục năm mà không phải tu sửa. Nhật hay Hàn Quốc nhà cũng làm bằng gỗ nhưng khí hậu lạnh và khô, cho nên có thể tồn tại lâu hơn.

Bởi vậy mà hình ảnh làng quê ta biến đổi hẳn. Cái cũ chỉ còn từng góc, từng mảng mà thôi. Nhiều người cứ nhung nhớ hình ảnh làng quê xưa. Nay không thể và không nên cố phục hồi. Thời nay đang tạo tác những hình ảnh mới, quá nhanh, cho nên có vẻ hỗn độn.
 

Buộc phải thay đổi

Làng quê chúng ta bắt đầu thay đổi từ bao giờ thưa ông?

Đến bây giờ đầu óc chúng ta vẫn giữ lại những hình ảnh của làng quê cổ truyền ấy. Quá khứ đó tan biến dần sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, biến đổi nhiều hơn ở giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa và hợp tác hóa nông thôn. Nhưng sự biến đổi mang tính chất bẻ ngoặt, đột biến nhất của làng về kiến trúc chính là sau Đổi mới. Đổi mới là thời kỳ đất nước buộc phải phát triển theo những quy luật tự nhiên, theo kinh tế thị trường.

Xã hội phát triển bùng nổ, thì làng, thì nông thôn cũng đứng trong cuộc đó. Nông dân được trở lại làm chủ đất, nhờ đó mà no ấm lên, hầu như không còn người đói rách nữa, đang xảy ra sự phân tầng xã hội giàu nghèo.

Quan trọng hơn, cái làng trong sự vận động của xã hội hôm nay không còn là đơn vị khép kín nữa mà mở. Người nông dân không chỉ cắm mặt xuống đất trồng lúa, trồng khoai nữa mà có khả năng đi ra thành thị, đi ra nước ngoài tìm kiếm những cách sinh nhai mới và quay trở lại kiến thiết quê hương.

Làng không còn là thiết chế xã hội đọng nữa mà là thiết chế động, tất nhiên cái sự chuyển động diễn ra chậm hơn so với thành phố. Người làng giờ đây làm nông nghiệp ít hơn mà làm nghề khác tại chỗ hoặc kiếm việc ở khắp nơi. Làng vừa giàu lên về vật chất nhưng lại nghèo đi về thành phần nhân khẩu học khi chỉ còn đa phần là phụ nữ, người già và trẻ con. Hiện tượng này xảy ra ở mọi quốc gia.

Làng mở thì phải hấp thụ đôi khi thiếu sàng lọc tất cả những thứ từ bên ngoài, đó là hoàn toàn tự nhiên. Người nông dân không bị lệ thuộc nhiều nữa. Ngay cả những nếp nghĩ, nếp sống cũ cùng những thiết chế tín ngưỡng trước đây đóng vai trò phanh hãm giờ đã suy yếu đi. Những quan hệ trong làng, trong họ đều mềm đi, mở hơn, người ta không còn dòm ngó nhau nhiều nữa.

Tiền của nhiều hơn. Nhu cầu đời sống cao hơn và đa dạng hơn hẳn. Kỹ thuật, vật liệu xây dựng tiên tiến từ thành phố tràn về. Bây giờ chúng ta hay nói về thành thị hóa nông thôn, nhưng theo tôi phải nhìn sâu, nhìn vào bản chất hiện tượng lớn lao này.

Tiện nghi đô thị trở thành thứ người nông dân muốn có. Khi có điều kiện tài chính, có kỹ thuật mới, vật liệu mới người nông dân đương nhiên hướng tới thẩm mỹ mới, bưng bê những thứ coi là sang là đẹp ở thành phố về, không ai khuyên bảo cả mà tự họ bắt chiếc theo thói quen.

Nông dân vốn thiên nhiều đến bắt chước hơn là học lớp nọ, lớp kia, xem sách nọ, sách kia, ti vi, đài báo… Hội kiến trúc sư chúng tôi tổ chức bao cuộc thi nhà ở nông thôn mà có ai tiếp thu đâu?

Chính phủ và các cơ quan chuyên môn hiện nay chưa tạo ra những mô hình phù hợp với nông dân thời nay mà họ chấp nhận, bị thuyết phục, dễ dàng sờ vào được, nhìn thấy được và yên tâm làm theo.

Rất cần sự thuyết phục để người nông dân tự nguyện làm theo. Trong quá khứ ta đã có nhiều phong trào, hướng dẫn đủ thứ cho nông dân. Tôi đi điều tra nông thôn từ thời bao cấp đến giờ thấy chúng ta luôn dạy khôn nông dân nhưng người ta ít khi nghe theo.

Về Hưng Yên năm nọ, một cán bộ địa phương bảo với tôi rằng: “May quá, chúng em còn có lũy tre làng nó gạt hất tất cả những thứ các bác khuyên dạy chúng em”. Nông dân họ có cách tiếp thu theo kiểu riêng của họ. Tiếp thu bên cạnh sự chi phối của lực quán tính.

Người nông dân đang mong ước, xây ngôi nhà thế nào thưa ông?

Nhiều người sống ở đô thị thở than, hoài niệm về hình ảnh những ngôi làng cổ truyền. Song, người quê không sống bằng hoài niệm, họ sống ở thì hiện tại. Vì sao người nông dân không thể duy trì ngôi nhà có hai mái, có hiên đằng trước mà chúng ta vẫn yêu quý và hoài niệm?

Hồi còn tham gia lãnh đạo Hội kiến trúc sư, chúng tôi đi điều tra một xã ở tỉnh Hải Dương về kiến trúc và nếp sống thì 95% nông dân trả lời họ không muốn ở nhà truyền thống nữa bởi nóng, dù chúng ta xưa ca ngợi là mát, nhưng so với ngày nay là nóng vì khí hậu đã thay đổi.

Hai nữa là tiện nghi không khép kín, chị vợ xưa ở gian chái, còn anh chồng nằm ễnh trên cái sập gian ngoài. Bây giờ vợ chồng phải ngủ với nhau, con cái phải ngủ riêng.

Quy trình sống trong ngôi nhà xưa không khép kín, khi đi vệ sinh phải chạy ra góc vườn, dù bên ngoài trời mưa gió. Giờ người ta muốn ra khỏi giường là có toa lét, có phòng tắm; bếp ở bên cạnh, không còn phải sống chung với chuồng lợn, chuồng bò…

Thứ ba là làm sao có gỗ để duy trì cái nhà ấy? Về nông thôn bây giờ những tiện nghi hầu như có đủ hết, tuy có phần chưa nhuần nhị như ở đô thị.

Những ngôi nhà của một xã có nhiều người đi lấy "chồng ngoại" ở Hải Phòng.

Sau nữa, người nông dân muốn bằng cách nào đó đưa nhà của mình đứng ra đường làng, đường xã để buôn bán một tí. Cái đó, có nhà lý luận chung chung ít hiểu nông thôn bảo là đô thị hóa nhưng không phải. Nền kinh tế của chúng ta hiện nay ở giai đoạn chuyển tiếp, nông dân cần kế sinh nhai bổ sung bằng cách bán chai nước khoáng, chai nước ngọt và bán đủ thứ thậm chí là mở quán karaoke. Bởi thế đường làng giờ biến thành phố.

Đó không phải là đô thị hóa mà là “phố hóa” tự phát, rất tự nhiên. Người nông dân sẵn sàng ở những nhà ống, nhà liền kề để có thể làm dịch vụ, buôn bán chứ không thích ở trong ngõ ngách nữa vì ở đó hạn chế kế sinh nhai, chỉ làm ruộng thôi. Người ta tràn ra đường làng, đường xã, đường huyện. Hễ mở đường ra là người ta lại bâu vào.

>>Làng quê đang méo mó: [Bài V] Kiến trúc nông thôn thiếu sự kiểm soát

>>Làng quê đang méo mó: [Bài IV] 355 ngày ở phố và 10 ngày ở quê

>>Làng quê đang méo mó: [Bài III] Làng phố và phố làng

>>Làng quê đang méo mó: [Bài II] Những làng quê như bị… hun chuột

>>Làng quê đang méo mó: [Bài I] Những căn nhà kiểu container

Ngay cả các đô thị lớn người ta cũng cố ra mặt đường cho được. Khuôn viên gia đình ngày xưa vài trăm mét vuông nhưng giờ phải chia cho con cái vẫn thiếu phải lấn ruộng để ở. Đất hẹp nên buộc phải lên nhà hai, ba tầng. Dù thích hay không thích phải chấp nhận ở nhà liền kề, phân lô như ở thành phố, khẩu độ ngang 4 - 5m. Đó là một dạng đô thị hóa miễn cưỡng, tự phát.

Người ta không làm nhà mái ngói nữa. Làm mái bằng không đẹp, ai cũng biết, lại nóng đấy nhưng không bao giờ sợ dột. Nông dân trước đây quanh năm lo chống dột, bởi nhà mái ngói, mái rơm rạ. Ngày cả đình chùa cũng khổ vì dột, chúng tôi làm trùng tu di tích, nên biết rõ. Giờ ở trong nhà chẳng bao giờ lo dột, có sướng hơn không!

Ngoài ra, một điều quan trọng nữa, nông dân bây giờ chưa hẳn đã có đủ kiến thức và có thể chưa hình dung ra mẫu cái nhà thời nay, họ hướng ra thành thị, để bắt chước. Vừa chê lại vừa cảm thông, nhiều người giàu, người có quyền chức, cũng chuộng cái lối bài trí này.

Từ đấy, chúng ra nhìn sự biến đổi về kiến trúc, hình ảnh của làng thời trước kia và thời nay đều từ lý do kinh tế, xã hội, tâm lý, điều kiện vật chất, kỹ thuật… Kiến trúc nông thôn ngày nay đang lần mò, đang định hình. Chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển đổi nhanh, mang tính lột xác, trên cái nền xưa cũ. Mâu thuẫn chồng chất là đương nhiên rồi.

Kiến trúc đô thị Hà Nội đang bộn bề, hỗn độn mà sao ta ít phê phán, ít can thiệp để trật tự hóa? Tự nhiên tập đoàn Mường Thanh xây 12 căn nhà hơn 40 tầng ở khu Linh Đàm nơi được vinh danh là mẫu mực về quy hoạch đô thị của ngành Xây dựng.

Ở thành phố, đất của nhà nước mà anh còn không quản lý được nữa đằng này ở nông thôn, đất của người ta, đường của người ta, quyền của người ta, quản lý thế nào? Nông thôn có hàng vạn cái làng, phát triển theo quán tính tự nhiên của chúng, đi lên từ sở hữu cá thể, vụn lẻ vốn dĩ không dễ gì thay đổi, thì sự bung ra, sự lộn xộn, đến thách thức, là hoàn toàn dễ hiểu. Đặt vấn đề quản lý, không thể như quản lý đô thị.

Giao cho các cơ quan làm quy hoạch đưa ra những giải pháp quy hoạch từ xa và từ trên cho làng xã, ai là người sẽ theo? Ở nông thôn, thấy một bãi phân trâu trên đường cũng hót ngay về, dúi vào bụi chuối. Họ tính toán từng li từng tí một, níu giữ từng m2 đất. Quản lý kiến trúc và phát triển nông thôn bằng những quy hoạch kiểu như thế thì Hà Nội cũng không làm được, chứ đừng nói đến nông thôn.

1.000 cái làng là 1.000 kiểu khác nhau, can thiệp thế nào? Bắt mở đường chỗ này, chỗ kia thì ai đền bù cho người ta? Đất đai là máu thịt của người ta mà tư duy theo kiểu quy hoạch áp đặt như thế rất bất khả thi.

Nữ hoàng Catherine đệ nhị vĩ đại của nước Nga thế kỷ 18 đã muốn thay đổi nông thôn, cho xây mấy làng mẫu để cho người nông dân bắt chước song không thành. Với người nông dân, làng của người ta, lịch sử của người ta, gắn bó theo họ nhiều đời, giờ bảo xoay theo mô hình nọ, mô hình kia là khó. Muốn tác động vào nông thôn phải có những cách riêng, theo những cách người nông dân có thể hấp thụ được chứ không nên áp đặt.
 

Một hình thái mới cho kiến trúc nông thôn

Vậy cái riêng đó như thế nào thưa ông?

Quy hoạch nông thôn theo cách ta làm có lẽ là duy ý chí, tốn kém và ít khả thi. Bây giờ làng nào cũng bỏ tiền ra làm cái cổng chào thật to vì để đảm bảo chỉ tiêu làng văn hóa.

Ở nước ta, suy cho cùng, vẫn hiện rõ tính chất nông dân, dù anh có giàu đến đâu, làm chức to đến thế nào về nhà vẫn cứ luộm thuộm. Cho nên với người nông dân phải làm cách khác, còn cách nào tôi không thể nghĩ hết được nhưng chắc phải bằng việc cấy ghép dần dần, hướng dẫn dần dần để làm sao thực sự biến đổi cuộc sống nông dân theo xu hướng thời nay.

Rõ ràng, đời sống nông dân hiện nay sung túc và sáng sủa hơn rất nhiều, công cuộc phát triển đang mách bảo những con đường, những hình thái cho kiến trúc nông thôn.

Quan trọng nhất là môi trường sống, thay đổi chất lượng sống bằng việc giải quyết những vấn đề về hạ tầng, về môi trường. Nông thôn giờ hầu như không có cống rãnh nếu có thì nổi hết, thải đi đâu không cần biết. Chất thải bây giờ không như ngày xưa, hồi còn ăn rau, ăn cơm mà giờ toàn những chất khó tiêu. Ao quê hầu hết không nuôi cá được nữa rồi, ô nhiễm không phải chỉ hữu cơ mà còn vô cơ.

Cuối cùng, chúng ta đang nhầm lẫn khái niệm đô thị hóa nông thôn là nhà xây cao tầng. Đô thị không bắt buộc phải là nhà cao tầng, nông thôn cũng vậy. Nông thôn kiểu gì cũng biến đổi dù ta có thích hay không, nhưng nên hướng tới các làng quê trở thành những thị trấn theo kiểu nông thôn châu Âu. Họ sống trong những làng được thị trấn hóa có tiện nghi xã hội, có hạ tầng tốt, vẫn chú tâm vào việc đồng áng, trồng cây cối, nuôi gia súc, gia cầm…

Những ngôi nhà của một xã có nhiều người đi lấy "chồng ngoại" ở Hải Phòng.
Nhà một người nghèo ở ngoại thành Hải Phòng.

Ở đó có nhiều cây xanh, nhiều vườn, môi trường được đảm bảo, rất văn minh nhưng vẫn giữ được nhịp sống theo kiểu làng chứ không phải là thành thị. Thị trấn ở đây không phải là đơn vị hành chính mà là hình thái cư trú và hình thái đô thị, là một cơ chế cư dân chuyển tiếp. Đó là con đường đô thị hóa nông thôn. Còn ở ta thì cứ nói đến thị trấn là ghét vì chỉ thích mỗi chữ thành phố thôi.

Nói thế phải chăng chúng ta đang chê oan người nông dân?

Đúng thế! Anh làm gì cho người ta, ngoài cái việc thỉnh thoảng làm một cuộc thi vẽ kiểu nhà, trao giải thưởng cho kiến trúc sư, thậm chí gửi dự thi quốc tế, nhưng rồi có được ứng dụng đâu? Thực sự, có ai thâm nhập sâu vào nông thôn đâu? Mấy ông hôm qua, hôm kia vẫn là nông dân, giờ chỉ về quê mỗi dịp giỗ, nhìn làng bây giờ bảo: “Sao nó xấu thế? Nhà cửa lộn xộn, “môve gu” thế?” Có bao giờ họ chịu tìm hiểu cho thấu đâu? Chúng ta đừng áp đặt những quan niệm của mình từ sự hoài niệm nữa. Mọi thứ đã thay đổi hết rồi.

Theo tôi, chúng ta nên nhìn nhận những biểu hiện tích cực trong phát triển đổi đời của nông thôn, nông dân và kiến trúc làng quê hôm nay; hướng tâm, hướng mắt về làng quê - quê ta, giúp bà con cải tạo và xây dựng cho tiện lợi, cho đẹp đẽ và hướng tới sự kiến tạo hình ảnh mới, thời nay, cho những mảnh đất ông cha ta chăm bẵm bao đời.

Xin cảm ơn ông!

Mời đọc bài cuối: Hải Hậu - hình mẫu nhưng khó học tập

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm