| Hotline: 0983.970.780

Làng trống xứ Nghệ

Thứ Năm 03/04/2014 , 08:48 (GMT+7)

Mỗi hộ có một phương thức và bí quyết làm riêng nên không ai muốn người khác "đụng hàng" của mình.

Làng Xuân Đồng, xã Nghi Đức, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) có nghề làm trống hàng trăm năm nay. Mới đây làng sáp nhập vào TP Vinh, song người dân vẫn luôn gắn bó với nghề, bình quân mỗi tháng thu nhập 4 - 5 triệu đ/người.

Vừa đến đầu làng Xuân Đồng, chúng tôi nghe tiếng trống nổi lên, âm thanh vang xa cả một vùng. Lần theo tiếng trống, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Đức thấy có một số người đến xem và thử trống để mua. Sau khi đánh thử thì những vị khách này cũng chọn được một cái trống vừa ý.

Nghỉ tay công đoạn đục, bào… làm trống, ông Đức kể: "Làm trống nơi đây là nghề cha truyền con nối, gia đình tôi đã được 4 đời theo nghề này. Thủa trước người làm trống nhiều lắm nhưng lượng tiêu thụ giảm dần nên một số hộ giải nghệ. Hiện cả xã có 15 hộ duy trì và có thu nhập ổn định. Làm trống chỉ là nghề tay trái, còn nghề chính vẫn là làm ruộng, chăn nuôi. Khi nào thời gian rảnh rỗi thì mọi người mới bắt tay làm nhiều".

Hỏi về chuyện mở rộng xưởng làm trống, chị Huyền cho hay, bỏ tiền ra mua máy móc, nhân công… thì sẽ làm được. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ trống không ổn định nên không ai mạnh dạn mở rộng cơ sở, ngoài ra liên kết làm số lượng nhiều thì cũng không ai làm, vì mỗi hộ có một phương thức và bí quyết làm riêng nên không ai muốn người khác "đụng hàng" của mình.

Ông Đức gắn bó với nghề làm trống đã mấy chục năm nay. Là thợ chuyên nghiệp, ông không tham gia việc khác mà chỉ chuyên tâm vào làm trống.

Mỗi năm ông cho ra thị trường hàng trăm cái trống, thu về hàng trăm triệu đồng.

Để “ra lò” một cái trống, với tay nghề cao như ông Đức thì trống loại to làm 6 ngày; loại nhỏ làm 2 ngày là xong.

Theo ông Đức nghề làm trống ai cũng có thể học nhưng không phải người nào cũng có thể trở thành thợ giỏi, bởi làm trống ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ còn đòi hỏi trình độ thẩm âm tốt để xác định độ vang, vọng của trống.

Hoàn thành một cái trống phải trải qua các công đoạn như xẻ gỗ, cưa gỗ... đến lắp ghép tang trống và khâu cuối cùng là cho da bò lên mặt trống.

Một chi tiết quan trọng là để trống đẹp, đánh vang thì đòi hỏi người làm phải chọn nguyên liệu. Do đó, phải chọn được loại gỗ mít tốt; da bò loại to, đẹp. Người làm trống ở Xuân Đồng thường đặt mua da bò tại các lò mổ, khi nào có bộ da đẹp thì chủ lò mổ thông báo đến lấy, sau đó đem về căng ra rồi phơi khô.

Theo cách tính của ông Đức, hiện nay giá đặt hàng các loại trống nhỏ là 2 - 2,5 triệu đ/trống; trống trung bình đường kính mặt trống 45 - 50 cm khoảng 2,5 - 3 triệu đ/trống. Loại trống "khủng" có đường kính 1m thì hơn 10 triệu, có những loại vài chục triệu đồng.

Cạnh nhà ông Đức, vợ chồng chị Nguyễn Thị Huyền đang tất bật hoàn thành 10 chiếc trống do khách hàng đặt. Vợ chồng chị chẳng thuê nhân công mà hai người làm ngày làm đêm cho đúng hẹn để giao hàng.

Theo hạch toán của chị Huyền, với mức giá bán 2,5 triệu đ/trống, trừ chi phí nguyên vật liệu, mỗi chiếc có lãi 1 triệu đồng. Mỗi năm, hai vợ chồng chị làm được 200 cái, tính trung bình thu được 150 triệu đồng.

Ngoài ra, vợ chồng chị Huyền làm thêm mấy sào ruộng; chăn nuôi lợn, gà nên kinh tế gia đình cũng khá.

Nghề làm trống thì phải đòi hỏi tập trung, học từng tí mới làm được. Mới vào học thì khó nhưng nếu chăm chỉ thì cũng nhanh bắt vào các công đoạn.

Chị Huyền chia sẻ: “Làm trống chọn loại gỗ mít nhiều ròng (mít già) vì như thế, trống làm sẽ chắc chắn hơn, độ vang khi đánh sẽ xa hơn. Để trống có màu sắc đẹp thì phải trộn vôi với vỏ cây chay thật nhuyễn sau đó bôi lên trống, cho ra màu rất đẹp và lâu phai. Muốn màu đậm hơn thì lấy nilon hoặc nến đốt lên rồi nhỏ vào cùi dừa phơi khô, sẽ cho ta màu trống sáng, đẹp".

Hiện trống ở làng Xuân Đồng cung cấp cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa là chính. Hằng năm vào dịp rằm tháng 7 - 9 ÂL là khoảng thời gian làng trồng nơi đây “hốt tiền”, bởi các dòng họ tổ chức tế lễ; trường học vào khai giảng... có nhu cầu nên mua nhiều. Còn ngày bình thường thì lượng bán vừa phải, có khách đến đặt thì làm hoặc bỏ mối ở các chợ.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Phối hợp xử lý tàu cá bị mất kết nối giám sát hành trình trên biển

BÌNH THUẬN Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá nhằm nỗ lực tháo gỡ 'thẻ vàng' EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.