| Hotline: 0983.970.780

Làng văn chương, khoa bảng

Thứ Hai 16/01/2023 , 08:25 (GMT+7)

Ở xứ Nghệ nhiều làng xã nổi tiếng về sự đông đúc, giàu có theo tín ngưỡng thờ Thần, còn làng Tiên Điền thì theo đạo Nho thờ Thánh. Sự học ở làng này được đề cao, được tôn vinh đến độ thành đạo, thành tín ngưỡng.

Empty

Lối vào khu vườn xưa của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền.

Khoảng năm 1592, Nam Dương công (tên thật là Nguyễn Nhiệm) làm quan thời nhà Mạc, gốc gác ở làng Canh Hoạch, thuộc Thanh Oai, Hà Đông, vì phù Mạc chống Lê phải trốn tránh vào xứ Nghệ làm nhà ở làng Vô Điền - một bãi cát bồi bên sông Cả đầy ao chuôm, cát bạc và cây dại. Người đã cùng con cháu đắp đập ngăn mặn, khơi kênh dẫn nước ngọt trên Hồng Lĩnh về cải tạo ruộng nương. Đầu thế kỷ XVII, Vô Điền đổi tên thành Hữu Điền, Tân Điền, Phú Điền rồi Xuân Tiên, Tiên Điền. Theo sách "Nghi Xuân địa chí" thì một thời “Tiên Điền là chốn đô hội, lâu đài tiếp nối, quán hàng cài răng lược, người đi lại tấp nập, võng lọng rợp trời”.

Ở xứ Nghệ nhiều làng xã nổi tiếng về sự đông đúc, giàu có theo tín ngưỡng thờ Thần, còn làng Tiên Điền thì theo đạo Nho thờ Thánh. Sự học ở làng này được đề cao, được tôn vinh đến độ thành đạo, thành tín ngưỡng. Đến chữ nghĩa khắc chạm trên bia mộ, đền miếu, ở hoành phi, câu đối, văn bia của làng cũng lộ rõ chất Văn - Nho, thể hiện cốt cách của người Tiên Điền.

Câu đối trước đền thờ Tiên Lĩnh hầu, ghi: “Đại danh thùy quốc sự/ Duy ái tại nhân tâm” (Danh vọng lan truyền lưu sử sách/Tình thương để lại tận lòng dân). Câu đối trước đền thờ Lê ngự sử thì: "Ca hổ văn chương nhân khẩu chá/ Đăng long sự nghiệp thế gia hương” (Tiếng hổ khét văn chương, người đời ca ngợi/ Sân rồng rạng sự nghiệp, dòng họ thơm lây). Bia trước đền thờ Nguyễn Lam khê hầu khắc ba chữ: “Tích thiện gia” (Nhà góp việc thiện). Trước đền thờ Điển nhạc hầu thì:” Huân danh hoàn cố quốc/ Hiệu trạch tại tư dân” (Nhà nước công danh vẹn/ Nhân dân huân huệ nhiều).

Sự học ở Tiên Điền còn thể hiện ở những chủ trương cởi mở là dành ruộng đền miếu, tư văn và sự học (ruộng học điền). Lại có ruộng khai hạ, ruộng tế đinh, tế điền, ruộng xuân thu kỳ hạp. Ở Tiên Điền, vị trí trang trọng giữa đình làng không phải dành cho bậc cao tuổi mà là dành cho người đỗ đạt cao, có công dạy lớp trẻ.

Làng Tiên Điền là cái nôi của lễ hội cổ truyền, lễ lên lão, lễ khai hạ, lễ xuân tế, lễ cầu khoa… của các loại hình văn hóa dân gian như huyền thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện kể, ca dao tục ngữ, hát ví, hát giặm, hát ca trù, hò, vè, tuồng, chèo… Tất cả đã góp phần làm nên thế đứng của làng: "Hồng Lĩnh, sơn cao/ Song Ngư, hải khoát/ Nhược trị, minh thời/ Nhân tài, tứ phát” (Núi Hồng Lĩnh cao/ Hòn Song Ngư ngoài biển rộng/ Gặp buổi có vua giỏi, quan hiền/ Nhân tài đua nhau phát, "Nghi Xuân Địa chí").

Empty

Khánh đá đặt trước nhà tư văn, nơi được dựng tại khu vườn của họ Nguyễn năm 1785, ban đầu là địa điểm tụ họp bình thơ, bình văn của các nhà khoa bảng trong vùng.

Nguyễn Thiệu Lâu (1916 - 1967) GS, nhà chuyên khảo sử địa nói: “Theo quan niệm địa lý Á Đông huyền bí, thời hai làng Tiên Điền và Uy Viễn (quê Nguyễn Công Trứ - tác giả) thuộc về một miền cát địa, có điều kiện phong thủy để sinh ra nhân tài” (Tạp chí Văn hóa Á châu; số 31/12/1959).

Tính riêng thời Lê - Nguyễn, Tiên Điền có 6 người đỗ đại khoa, 26 người đỗ cử nhân, 11 người đỗ tú tài, sinh đồ, 3 người được bạt cống, 3 người được cảnh tiến (đề bạt thẳng không qua thi cử). Nhiều người là võ tướng, quận công, phò mã, công hầu thuộc những dòng họ lớn: Nguyễn, Trần, Hoàng, Lê, Hà.

Riêng họ Nguyễn có khoảng 40 người làm quan, trong đó có 6 vị đại khoa: Nguyễn Nghiễm, thân phụ Nguyễn Du, sinh năm 1708, đỗ Hoàng giáp khoa Tân Hợi (1731), mất tại làng vào năm Ất Mùi (1775). Năm 1780, được gia phong Thần thượng đẳng và được truy tặng chữ: "Kinh - Luân - Khang - Tế - Đức - Vọng”. Chiêu Thống nguyên niên (1787) gia phong 6 chữ: Tài - Trí - Anh - Đặc - Cảnh - Lượng”. Nguyễn Nghiễm đã truyền cho con cháu một nếp sống văn hóa và tình yêu văn chương, tạo dựng nên một gia tộc vinh hiển, một dòng họ có một không hai ở xứ Nghệ và cả ở Thăng Long đương thời.

Nguyễn Khản, hiệu Lân sơn cư sỹ (1734 - 1786), đỗ Tiến sỹ khoa Canh Thìn (1760), làm chức Bồi tụng trong phủ chúa. Nguyễn Điều (1745 - 1786), hai lần thi hội trúng tam trường, một lần thi hương đỗ tứ trường, từng được bổ Thị nội văn chức trong phủ chúa. Nguyễn Đề (1761 - 1805), ba lần đậu đầu ở các kỳ thi khảo khóa, kỳ hạch và kỳ thi ở trường Phụng Thiên; năm 1783 được bổ làm Hiệp tán quân cơ đạo quân Sơn Tây. Nguyễn Thiện (1763 - 1823), 21 tuổi thi hương, trúng tứ trường.

Nguyễn Du, sinh năm Ất Dậu (1765). Thời vua Gia Long, ông làm tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Mấy tháng sau thăng tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc Hà Nội). Năm Ất Sửu (1805) ông được thăng Đông các đại học sĩ tước Du Đức hầu. Mùa thu năm Mậu Thìn (1808), ông xin về quê nghỉ. Đến năm Kỷ Tỵ (1809) ông trở lại làm quan cho nhà Nguyễn, được bổ chức Cai bạ ở Quảng Bình, năm 1813 được thăng Cần chánh điện Đại học sĩ và làm chánh sứ sang nhà Thanh, lúc về nước được thăng Hữu tham chi bộ Lễ. Ông mất ngày 10/8 năm Canh Thìn (1820), thọ 55 tuổi.

Nguyễn Hành (1771 - 1824), một trong nhóm An nam ngũ tuyệt; đến Nguyễn Nghi (1773 - 1845), Nguyễn Mai (1876 - 1954) tên tuổi, hành trạng lưu truyền mãi về sau này.

Empty

Đĩa Mai Hạc có bút tích đại thi hào Nguyễn Du đề tặng thơ khi đi sứ sang nhà Thanh năm 1813.

Những người trong dòng họ Nguyễn ở làng Tiên Điền là những bậc đại học sỹ, đỗ đạt cao, một số người là bậc danh sỹ có tên tuổi và sự nghiệp trong lịch sử văn chương Việt Nam. Thư tịch cổ còn lại không nhiều, những tác phẩm thống kê dưới đây chắc chưa đầy đủ: "Nam Dương tập yếu kinh nguyên" của Nguyễn Nhiệm; "Dịch kinh quyết nghi", "Đại hiếu chân kinh" của Nguyễn Quỳnh; "Quân trung liên vịnh", "Xuân đình tạp vịnh", "Lạng Sơn đoàn thành đồ chí", "Cổ lễ nhạc chương thi văn tập", "Việt sử bị lãm", "Khổng Tử mộng Chu Công" của Nguyễn Nghiễm; "Bản dịch Quốc âm Chinh phụ ngâm" (Đặng Trần Côn) của Nguyễn Khản; "Hoa trình tiền hậu tập", "Quế hiên thi tập" của Nguyễn Đề; "Châu trần di cảo", "Quân trung đối" của Nguyễn Nghi; "Đông Phủ thi tập", "Huyền cơ đạo thuật bí thư", "Truyện Hoa tiên" (Nhuận sắc bản của Nguyễn Huy Tự) của Nguyễn Thiện; "Minh quyên thi tập", "Quan Đông Hải tập", "Thiên địa nhân vật thư" của Nguyễn Hành; "Thanh Hiên thi tập", "Nam trung tạp ngâm", "Bắc hành tạp lục", "Đoạn trường tân thanh" (Truyện Kiều), "Văn chiêu hồn", "Văn tế Trường Lưu nhị nữ", "Thác lời trai phường nón Tiên Điền" của Nguyễn Du… Những tác phẩm kể trên bộc lộ rất rõ sức mạnh tinh thần của đòng họ Nguyễn ở làng Tiên Điền.

…Cùng thời với dòng họ Nguyễn làng Tiên Điền, ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh), bên tê núi Hồng Lĩnh (Can Lộc, Hà Tĩnh) có làng Trường Lưu với dòng họ Nguyễn Huy bề thế, khoa hoạn hàng đầu xứ Trà Sơn: Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII, Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790), Nguyễn Huy Hổ (1783 - 1841), Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785), Nguyễn Huy Phó (1765 - 1838) với rất nhiều tác phẩm trong đó nổi bật là dòng thơ Nôm lục bát và song thất lục bát như: "Huấn nữ tử ca", "Dược tính ca quát" của Nguyễn Huy Oánh; "Thác lời người con gái phường vải Trường Lưu", "Thuận Quảng đạo sử tập" của Nguyễn Huy Quýnh; "Hoa tiên" của Nguyễn Huy Tự; "Mai đình mộng ký" của Nguyễn Huy Hổ…

Những tác phẩm vừa kể “đồng dạng” (chữ dùng của GS Nguyễn Huệ Chi) với dòng văn họ Nguyễn Tiên Điền: "Thác lời người con trai phường nón" của Nguyễn Du; "Nhuận sắc Hoa Tiên" của Nguyễn Thiện, "Quân trung đối" của Nguyễn Nghi…

Về mối quan hệ tương tác này, GS Hoàn Xuân Hãn viết: “Như thế ta sẽ thấy rằng hồi cuối Lê có một văn phái ở chung quanh Hồng Sơn đã sản xuất ra ba tác phẩm hay nhất trong văn quốc âm ("Mai đình mộng ký", "Hoa Tiên", "Truyện Kiều" - tác giả) mà "Truyện Kiều" chỉ là giai đoạn cuối cùng của văn phái ấy” (Nguồn gốc văn Kiều -  200 năm nghiên cứu, bàn luận Truyện Kiều; Nhà xuất bản Giáo dục, 2005; tr.30).

Vào đầu thế kỷ XXI, hai trong nhiều những di sản văn hóa dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu để lại cho hậu thế đã thành tài sản của nhân loại: "Mộc bản Trường học Phúc Giang" và sách cổ "Hoàng Hoa sứ trình đồ" đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á/Thái Bình Dương.

Xem thêm
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.

Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản

Từ thành công của nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã khai trương nhà máy thứ ba tại Sơn La vào tháng 5/2023.

Trung Quốc thử nghiệm thành công trồng lúa trong 60 ngày

Nhờ kỹ thuật thủy canh, chiếu sáng nhân tạo và các công nghệ khác, cây lúa được trồng ở Tân Cương (Trung Quốc) có chu kỳ sinh trưởng ngắn hơn đáng kể.

‘Sinh lộ’ của ngành gỗ Việt: [Bài 1] Chứng chỉ FSC, ‘thẻ visa’ của đồ gỗ xuất khẩu

Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) được cho là chiếc ‘thẻ visa’ của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới.